Chương trình được Hội Nhà báo các địa phương triển khai nghiêm túc, bài bản, sàng lọc kỹ vì mục tiêu chất lượng, đảm bảo tính công bằng. Thậm chí, Hội đồng thẩm định sẵn sàng trả về các tác phẩm chưa đảm bảo chất lượng. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với đại diện một số Hội Nhà báo địa phương làm rõ hơn điều này.
Nhà báo Nguyễn Quý Trọng – Tổng Biên tập Báo Hải Dương, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương:
Lựa chọn hội viên, phóng viên có khả năng viết tốt
Ngay từ đầu năm, Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các Chi hội triển khai đăng ký các đề tài. Quan điểm của Hội là hỗ trợ những tác phẩm có chất lượng, tiến hành nghiệm thu những tác phẩm được lựa chọn kỹ. Từ hướng dẫn đó, các Chi hội đã chủ động thực hiện đúng quy định trong Hướng dẫn của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, hỗ trợ đúng quy trình, quy định về chi tiêu hỗ trợ, về thời hạn nộp tác phẩm.
Các hội viên, nhà báo nộp tác phẩm của mình đã thực hiện theo đúng kế hoạch hướng dẫn về Hội Nhà báo tỉnh. Sau đó Hội đồng xét duyệt sẽ tiến hành xét duyệt, thẩm định, nghiệm thu các tác phẩm. Tại đây những tác phẩm chất lượng tốt được chọn, những tác phẩm có chất lượng chưa đảm bảo được trả về, sau đó Chi hội và hội viên lựa chọn các tác phẩm khác có chất lượng tốt, đảm bảo tiêu chí, yêu cầu gửi lên Hội đồng thẩm định để xem xét thay thế.
Có một số năm kinh phí hỗ trợ của Trung ương đến Hội Nhà báo tỉnh bị muộn, tuy nhiên để kịp thời hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao, chúng tôi căn cứ vào những tác phẩm đã được giải báo chí. Đặc biệt là Giải Báo chí Quốc gia để tiến hành họp Hội đồng xét duyệt, nghiệm thu.
Thực tế, nhiều năm nay hội viên tại nhiều Chi hội thuộc Hội Nhà báo tỉnh đang tham gia một phong trào thi đua sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng. Mỗi hội viên đều luôn có ý thức sáng tạo các tác phẩm báo chí để tham gia các giải báo của các bộ ngành Trung ương và của tỉnh. Vì thế 2 năm gần đây, báo chí Hải Dương cũng thường xuyên được giải.
Để làm tốt công tác này, điều quan trọng là Hội Nhà báo tỉnh thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các Chi hội triển khai thực hiện thông qua các cuộc họp giao ban và hội nghị sơ kết tổng kết. Trên cơ sở đó các Chi hội sẽ thảo luận các đề tài, tham mưu cho Ban Biên tập chỉ đạo triển khai, có nghiệm thu trước để sau đó đến cuối năm gửi lên Hội, từ đó hội đồng sẽ lựa chọn. Thông thường các Chi hội sẽ lựa chọn những hội viên, phóng viên có khả năng viết tốt, lựa chọn chủ đề, đề tài sát với thực tế đời sống người dân từ đó các tác giả, nhóm tác giả sẽ tập trung đầu tư vào, sản xuất những loại bài, phóng sự chất lượng tốt.
Như Chi hội nhà báo Báo Hải Dương mỗi năm tổ chức ít nhất 2 cuộc tập huấn để nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Những năm gần đây Chi hội lựa chọn các giảng viên về tập huấn viết bài, hướng dẫn hội viên sáng tác các phẩm báo chí đa nền tảng, ứng dụng công nghệ làm báo mới. Trong quá trình sinh hoạt Chi hội (ít nhất mỗi quý một lần) sẽ thảo luận về chuyên môn, lựa chọn chủ đề nội dung chuyên sâu về từng lĩnh vực cần nâng cao năng lực hội viên.
Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất khi thực hiện nhiệm vụ này là Hội Nhà báo tỉnh phải phối hợp được với các cơ quan báo chí, mỗi một cơ quan báo chí cũng cần có kế hoạch sớm để sản xuất những tác phẩm báo chí chất lượng tham gia Giải Báo chí Quốc gia và giải báo chí các bộ, ngành. Tất nhiên Hội Nhà báo tỉnh sẽ chỉ đạo để chi hội tham mưu cho các cơ quan báo, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là việc đăng ký đề tài, dự đoán năm nay vấn đề nào vừa có tính thời sự vừa có tính bao quát đang được xã hội, người dân quan tâm.
Nhà báo Nguyễn Xuân Cảnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái:
Các Chi hội cần đăng ký từ đầu, đảm bảo đúng theo các tiêu chí
Ngay khi có hướng dẫn chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh bắt tay vào triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng đúng quy định. Trong những năm gần đây, mức hỗ trợ của Trung ương đã nâng lên rất nhiều, kinh phí hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế và động viên khích lệ kịp thời người làm báo trên địa bàn tỉnh.
Hội Nhà báo tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Ban Biên tập các báo, đài. Khi các hội viên đăng ký đề tài thì đa số các tác phẩm này đều được sản xuất, đăng tải, phát sóng. Chính vì thế mà số lượng hội viên đăng ký tham gia rất đông. Cũng từ đó Hội Nhà báo tỉnh cũng nhận được nhiều tác phẩm báo chí chất lượng tham gia để xét lựa chọn vào hỗ trợ.
Nhìn chung công tác này được triển khai tương đối tốt đáp ứng được nhu cầu thực tế của hội viên cũng như mục tiêu nguyện vọng đề ra. Trong số hàng nghìn tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí, chúng tôi quan tâm đến những tác phẩm nói về các vấn đề thời sự của địa phương, việc thực hiện các chủ trương chính sách của Trung ương, những vấn đề dư luận đang quan tâm.
Ngoài ra đó còn là những tác phẩm về thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chúng tôi luôn động viên các nhà báo phóng viên quan tâm đến đề tài này. Năm nào tác phẩm về chủ đề này cũng chiếm tỷ lệ khá cao, do vậy những tác phẩm về chủ đề này được hỗ trợ chiếm khá lớn.
Chi hội Báo Yên Bái và Đài PT-TH Yên Bái là hai đơn vị chủ lực có nhiều bài viết chất lượng, họ có nhiều bài viết chuyên sâu vừa có tính thời sự hằng ngày đồng thời cũng phản ánh kịp thời các vấn đề “nóng” đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Việc triển khai hỗ trợ chúng tôi không phân biệt giữa cơ quan báo chí của tỉnh hay của Trung ương và các tạp chí. Điều quan trọng là hội viên đó tham gia sinh hoạt ở Hội Nhà báo tỉnh, tất cả đều được xem xét hỗ trợ một cách công bằng. Đa số những tác phẩm được hỗ trợ đều giành được các giải báo chí. Thực tế sẽ có sự trùng hợp khi hội viên vừa được thưởng từ các giải báo chí vừa được hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao. Tôi cho đó là hoàn toàn xứng đáng, điều này sẽ khích lệ những phóng viên khác tiếp tục dấn thân cống hiến, sáng tạo hơn để nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí của mình.
Để làm tốt công tác này, tôi nghĩ quan trọng nhất là các Chi hội cần đăng ký từ đầu như vậy mới đảm bảo đúng theo các tiêu chí của Chương trình đề ra. Thứ hai là tuyên truyền cho hội viên hiểu nắm được mục đích, ý nghĩa cũng như quy trình của Chương trình hỗ trợ, từ đó là cơ sở để anh em hội viên triển khai đúng và làm đúng. Tiếp đến Hội Nhà báo tỉnh sẽ thường xuyên động viên hội viên, các Chi hội để đăng tải những tác phẩm đã đăng ký, từ đó tiếp tục làm theo từng bước một để đúng với kế hoạch và chương trình đề ra.
Trong thời gian tới, tôi mong muốn tăng thêm số lượng tác phẩm được hỗ trợ, vì thực tế đối với địa bàn miền núi như Yên Bái hiện nay số lượng tác phẩm được sản xuất khá nhiều. Yên Bái hiện có khoảng 20 tác phẩm được hỗ trợ so với hàng nghìn bài viết như vậy là hơi ít.
Nhà báo Hồ Thị Ngân – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An:
“Cú hích” để hội viên chú trọng sáng tác những tác phẩm báo chí chất lượng
Qua nhiều năm công tác Hỗ trợ báo chí chất lượng cao được Hội Nhà báo tỉnh triển khai có hiệu quả, các bước được thực hiện kịp thời đúng quy định, tạo động lực khích lệ hội viên. Hằng năm đơn vị cũng tập trung vào các hoạt động tổ chức tập huấn và các đoàn phóng viên báo chí đi thực tế viết bài. Hội đã sử dụng một phần nhỏ (10%) từ kinh phí trong Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao để triển khai nhiệm vụ này.
Tuy nhiên phần kinh phí này rất nhỏ nên Hội đã linh hoạt vận động kêu gọi tài trợ từ một số đơn vị, các cấp chính quyền cơ sở hỗ trợ thêm. Ngoài tập huấn, mỗi chuyến đi khoảng 50 hội viên nhà báo, các chuyến đi chủ yếu ở các vùng miền núi, biên giới. Các chuyến đi này sẽ trau dồi thêm kỹ năng, nâng cao tinh thần đoàn kết.
Nhiều đề tài, chủ đề trong các lớp tập huấn và các chuyến đi thực tế đều sát với thực tế địa phương, các vấn đề đang được dư luận quan tâm, tạo nguồn tư liệu quý cho phóng viên khai thác viết bài. Những đề tài này chủ yếu tập trung lan tỏa tấm gương học tập và làm theo Bác; công tác xây dựng Đảng, xây dựng nông thôn mới…
Hiện tỉnh có khoảng 80 cơ quan báo chí, trong đó có 77 văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn, chúng tôi xác định càng là cơ quan báo chí thường trú càng cần quan tâm để hỗ trợ. Hội Nhà báo tỉnh thường xuyên phối hợp hướng dẫn Chi hội Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn Chi hội này tham gia sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao, từ đó làm cơ sở tham gia các giải báo chí.
Tôi đánh giá, Chương trình hỗ trợ kinh phí sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng được coi là “cú hích” để mỗi hội viên chú trọng sáng tác những tác phẩm báo chí chất lượng cao. Các Chi hội sẽ dựa vào đó để khích lệ, động viên hội viên Chi hội mình thi đua sáng tác các tác phẩm báo chí chất lượng.
Qua đó hội viên thấy được quyền lợi mình được chăm lo, họ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc tìm kiếm và triển khai thực hiện đề tài, tận dụng được nguồn lực từ Chương trình để sáng tác sao cho có hiệu quả. Bên cạnh đó, từ những tác phẩm báo chí được đầu tư công phu và được các giải báo chí sẽ giúp cho tác phẩm của họ càng có tính lan tỏa hơn.
Chúng tôi luôn xác định không cào bằng mà lựa chọn những tác phẩm chất lượng từ các Chi hội gửi lên. Chất lượng từng tác phẩm được đảm bảo, sau khi qua Hội đồng sẽ quyết định những tác phẩm đạt yêu cầu để gửi lên Hội Nhà báo Việt Nam xem xét hỗ trợ.
Trong thời gian tới, để công tác này được tốt hơn, Hội Nhà báo tỉnh sẽ triển khai đến từng Chi hội và hội viên. Hội cũng yêu cầu các Chi hội tổ chức triển khai, tạo điều kiện từ kinh phí, nguồn lực, phương tiện cho phóng viên sản xuất những tác phẩm báo chí chất lượng cao. Thực tế đối với nhiều Chi hội đây vừa là nhiệm vụ vừa là mục tiêu để nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí của đơn vị mình, là cơ sở để có thêm nhiều tác phẩm chất lượng tham gia các giải báo chí.
Nhà báo Nguyễn Bình Dương – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Bắc Giang:
Tác phẩm đúng chất lượng, hỗ trợ đúng mục đích
Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao được triển khai từ năm 2006 đến nay đã trở thành động lực khuyến khích sự lao động sáng tạo của hội viên, nhà báo trong cả nước hăng say sáng tạo các tác phẩm và yêu nghề hơn.
Trong nhiều năm qua, báo chí địa phương đã huy động được nhiều tác phẩm có chất lượng cùng tham gia tuyên truyền tập trung vào những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh Bắc Giang. Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao cũng tạo ra nguồn cung ứng tác phẩm dồi dào cho các giải báo chí ở địa phương và các giải báo chí ở Trung ương như: Giải Báo chí Quốc gia, Giải Báo chí Búa Liềm Vàng, giải báo chí của các bộ, ban, ngành…
Trong giai đoạn 2016 – 2020 với nguồn kinh phí được hỗ trợ là 500 triệu đồng, hỗ trợ được hơn 150 tác phẩm, mở được nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên, nhà báo. Hội cũng đã chủ động phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí Trung ương tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo các chuyên đề và theo đề xuất của các Chi hội Nhà báo gửi lên đăng ký.
Đặc biệt là các lớp về: kỹ năng làm báo đa phương tiện, kỹ năng biên tập từ báo in sang báo điện tử; kỹ năng truyền thông qua mạng xã hội; phóng sự ngắn truyền hình; kỹ năng làm báo online; tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng… Nhờ có nguồn hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao mà các loại hình báo chí mới ngày càng xuất hiện nhiều, như: longform, e-magazine, infographic, podcast, các phóng sự truyền hình dài tập.
Theo kế hoạch và hướng dẫn của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh đã xây dựng quy chế hỗ trợ tác phẩm, hướng dẫn hội viên xây dựng đề cương đăng ký tác phẩm, thành lập Hội đồng xét duyệt và nghiệm thu hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao, Hội đồng họp và xét tác phẩm đúng chất lượng, hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Nhờ có chương trình hỗ trợ, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang đã quy tụ, tập hợp, đoàn kết hội viên, nhà báo ngày càng có mối quan hệ gắn kết hơn nữa. Đây cũng là nguồn động viên, cổ vũ các hội viên nhà báo sáng tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng.
Trong nhiều năm, nhờ chương trình hội viên nhà báo, người làm báo ở các cơ quan báo chí tại Bắc Giang đã giành được nhiều Giải thưởng Báo chí Quốc gia, một số giải tại Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng), Giải Báo chí về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Giải Báo chí về Môi trường, Giải Báo chí Đại đoàn kết, Giải Báo chí về An toàn giao thông Quốc Gia, giải thưởng Liên hoan Phát thanh – Truyền hình… Đặc biệt có 02 tác phẩm đoạt giải báo chí về đề tài Nông nghiệp, nông thôn khu vực Asean.
Qua đó, Giải Báo chí Thân Nhân Trung của tỉnh Bắc Giang ngày càng được nâng cao chất lượng, có bài viết ca ngợi những thành tựu, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong xây dựng Đảng, trong lao động, sản xuất và làm theo gương Bác,… Đồng thời, xuất hiện thêm nhiều bài viết cũng mạnh dạn phê phán những tiêu cực, tồn tại, những việc chưa làm được mang tính chất xây dựng được dư luận xã hội quan tâm, đã góp phần không nhỏ trong thành tựu chung về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh.
Lê Tâm (Thực hiện)