Cập nhật ngày: 23/06/2023 05:45:51
Chiều 22/6, tham gia thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với đề xuất của Chính phủ đổi tên luật thành Luật Căn cước, trong khi một số đại biểu lại đề nghị giữ nguyên tên gọi như hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) góp ý kiến vào dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) trong phiên họp chiều 22/6 (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đổi tên luật bảo đảm bao quát tất cả các đối tượng luật điều chỉnh
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, so với Luật Căn cước công dân 2014 thì dự thảo luật lần này bổ sung thêm nhóm đối tượng người gốc Việt Nam, cho nên việc đổi tên luật sẽ bao hàm được cả nhóm đối tượng này thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.
Mặt khác, tại Điều 46 quy định chuyển tiếp của dự thảo Luật cũng nêu rõ, căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại luật này và cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Nữ đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, quy định chuyển tiếp này đã giải quyết được hệ quả nếu đổi tên luật thành Luật Căn cước thì toàn bộ 67 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chip đã được cấp sẽ phải thực hiện cấp lại và đổi tên thành thẻ căn cước, cũng không làm phát sinh thêm chi phí và các thủ tục thay đổi giấy tờ liên quan.
Có chung nhận định, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) nhấn mạnh, với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, cấp giấy chứng nhận căn cước cho khoảng 31 nghìn người gốc Việt hiện đang sinh sống tại Việt Nam mà chưa có quốc tịch Việt Nam cùng các lý do mà Chính phủ nêu thì việc đổi tên luật như trên là phù hợp, bảo đảm sự bao quát.
Tên gọi căn cước công dân đã quen thuộc với người dân
Phát biểu ý kiến tranh luận tại phiên họp, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) nêu rõ, hiện Quốc hội vẫn đang bàn sửa đổi đổi Luật Căn cước công dân và thẻ căn cước công dân chứ chưa phải là Luật Căn cước hay thẻ căn cước. Nếu Quốc hội thông qua việc đổi tên thì mới là Luật Căn cước.
Đại biểu đề nghị không thay đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, với ý nghĩa để mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh đối với người gốc Việt nhưng chưa xác định quốc tịch.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện có khoảng 31 nghìn người gốc Việt đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa có quốc tịch cần phải quản lý, cấp giấy xác nhận căn cước.
Theo đại biểu Phàn, Hiến pháp quy định công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Việc cấp thẻ căn cước công dân để thể hiện đây là công dân Việt Nam.
Với nhóm người chưa có quốc tịch nói trên, Nhà nước phải quản lý nhưng có loại thẻ khác dành riêng để phân biệt sự khác nhau, vì họ chưa là công dân Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương)
“Bây giờ vì 31 nghìn người đó mà lại để 80 triệu người chung một thẻ để đánh hòa nhau là không được”, đại biểu bày tỏ rõ quan điểm.
Đồng tình với đại biểu Phàn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, tên gọi căn cước công dân đã ăn sâu vào lòng dân và sử dụng không có gì bất cập. Nay Chính phủ đề nghị thay đổi tên gọi là Luật Căn cước song chưa được đánh giá tác động.
“Tên gọi cũ không biết có khó khăn, bất cập gì không mà lại thay đổi”, đại biểu đặt vấn đề, đồng thời đề nghị Chính phủ có giải trình thêm cho rõ, mang tính thuyết phục cao hơn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ mong muốn giữ tên là Luật Căn cước công dân, vì luật này nói về công dân và tất cả các vấn đề gì thuộc về công dân, liên quan đến công dân thì đưa vào luật này.
“Ngoài ra, về mặt hình thức tên luật như vậy cũng không dài, với năm chữ rất đẹp, đầy đủ và rất trong sáng”, đại biểu nhận định.
THeo VĂN TOẢN (NDO)