SGGP
Thấu hiểu thiệt thòi của trẻ khuyết tật, các giáo viên ở trường chuyên biệt đã trở thành người cha, người mẹ thứ hai luôn đồng hành, mở ra thế giới mới với những học trò kém may mắn bằng tình thương và sự bao dung.
Cô Đinh Lan Phương, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TPHCM) trong một giờ lên lớp |
“Con đặc biệt theo cách riêng!”
Có mặt tại lớp 1Đ – lớp dành cho trẻ khiếm thính, Trường Giáo dục chuyên biệt 15/5 (quận 11, TPHCM) do cô giáo Lê Huỳnh Ngọc Hân làm chủ nhiệm, chúng tôi cảm nhận được ngôn ngữ giao tiếp rất đặc biệt. Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 50m2, cô giáo trẻ cùng những học sinh khuyết tật vẽ nên bức tranh hạnh phúc. Cô Ngọc Hân cho biết, trường đang trú đóng tại địa chỉ tạm để chờ xây mới nên cơ sở vật chất hạn chế.
Ngay cửa ra vào lớp, trong một lần vô ý, hai học sinh của lớp đã khiến vách tường bong tróc từng mảng lớn. Không để những vết loang lổ ảnh hưởng đến không gian lớp học, cô và trò nảy ra ý tưởng dùng màu nước “hô biến” mảng tường bong tróc thành đại dương xanh ngắt với những chiếc tàu ngầm, nhiều loại sinh vật biển tung tăng bơi lội. Bức tranh dần hoàn thiện nhờ sự đồng lòng của tất cả thành viên.
“Trẻ khiếm thính thường hạn chế giao tiếp do mắc kẹt trong thế giới riêng của mình. Vì vậy, tôi chọn cách đồng hành, giúp các em hiểu hơn giá trị của bản thân thông qua những cảm xúc, hành động cá nhân, từ đó các em học được cách cởi mở hơn với những người xung quanh”, cô Ngọc Hân bày tỏ. Để giúp học sinh khiếm thính hòa nhập tốt hơn với người bình thường, cô thường xuyên nói với các em rằng: “Con đặc biệt theo cách riêng nên không cần đối xử khác biệt”. Sợi dây liên kết giữa cô và trò ngoài kiến thức còn là sự thấu hiểu, yêu thương, giúp học sinh xóa bỏ sự rụt rè, chứng minh mình vẫn là người có ích.
Với cô Đinh Lan Phương, giáo viên lớp đa tật, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu
(quận 10, TPHCM), khi dạy học sinh khiếm thị làm văn miêu tả trong chương trình tiếng Việt lớp 4, cô có nhiều xúc cảm khi được đọc những bài văn “cố viết cho giống người bình thường” của các em. Theo cô Lan Phương, học sinh không may mắn mất đi đôi mắt nhưng các em vẫn có quyền cảm nhận thế giới bằng cách nhìn riêng của các em. “Khi viết bài văn miêu tả một cái cây, học sinh khiếm thị không thể quan sát màu sắc, hình dáng cây như học sinh bình thường nhưng các em có thể dùng tay nhận biết độ sần sùi của thân cây, cảm nhận mùi thơm của hoa, lá bằng khướu giác. Tôi muốn các em hiểu rằng, một giác quan bị mất đi vẫn còn nhiều cách khác cảm nhận thế giới xung quanh. Các em cần hiểu rõ giá trị bản thân trước khi nhận sự cảm thông từ người khác”, cô Lan Phương tâm sự.
Đồng hành cùng phụ huynh
Trăn trở lớn nhất sau nhiều năm làm nghề đối với cô Đàm Thị Mỹ Ngọc, giáo viên Trường Hi Vọng (quận 6, TPHCM) là những cuộc điện thoại “cầu cứu” của phụ huynh khi không giao tiếp được với con. Cô chia sẻ, nhiều gia đình do áp lực mưu sinh, cha mẹ không có thời gian học ngôn ngữ ký hiệu nên không giao tiếp được với con bị khiếm thính. Dần dần, các em sống trong thế giới riêng của mình, nhìn thấy người xung quanh cười nói mà không nghe được, không hiểu tại sao. Đỉnh điểm, có em đã nhốt mình trong phòng, không giao tiếp với người thân, phụ huynh phải thông qua giáo viên mới nói chuyện được với con.
Cùng nỗi niềm, cô Võ Thị Quỳnh, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TPHCM) bày tỏ, giáo dục trẻ khuyết tật cần sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh. Đầu mỗi năm học, các thầy, cô giáo thường dành thời gian trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh cũng như tìm hiểu sở thích, tính cách của trẻ, từ đó xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp. Trong các hoạt động tổ chức trong năm học, nhà trường mời phụ huynh tham gia để cha mẹ hiểu con, đồng thời có sự gắn kết và phối hợp với giáo viên.
Ông Lưu Thiên Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn giáo dục TPHCM, nêu thực tế, phụ huynh có con khuyết tật thường mang tâm lý mặc cảm, không muốn thừa nhận mức độ tật của con mình. Vì vậy, nếu được chia sẻ và cảm thông, phụ huynh sẽ mở lòng, chia sẻ với giáo viên những khó khăn trẻ đang gặp phải, từ đó có sự phối hợp với nhà trường để giúp trẻ phát triển tốt hơn.
Năm học 2022-2023, Hội thi giáo viên dạy trẻ khuyết tật cấp thành phố được Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức lần đầu tiên, tôn vinh 30 giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, có nhiều sáng tạo trong phương pháp giáo dục trẻ khuyết tật. Đây là những giáo viên tiêu biểu đại diện cho hơn 500 giáo viên đang công tác tại các trường chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trên địa bàn thành phố.