Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận tại hội trường
– Ngày 23/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp tại hội trường để thảo luận về một số luật và biểu quyết thông qua một số nghị quyết quan trọng.
Theo đó, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Phát biểu tại hội trường về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh cơ bản tán thành với dự thảo luật và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế.
Góp ý cụ thể vào nội dung giao dịch bất động sản, tại Điều 57 có quy định: “Các giao dịch bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản, theo quy định của Luật này”; đồng thời, tại Điều 60, một trong các quy định về hồ sơ đăng ký hoạt động của sàn giao dịch bất động sản là có “cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu”, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc làm rõ thêm sàn giao dịch bất động sản ở đây là bao gồm sàn giao dịch trực tiếp hay cả sàn giao dịch trực tuyến; làm rõ thêm nội hàm tiêu chí của cụm từ “cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu”. Đồng thời cân nhắc, bổ sung thêm một phương án mở hơn, là theo hướng phân loại, phân khúc các loại giao dịch bất động sản, trong đó có loại giao dịch bắt buộc phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản, nhưng cũng có loại chỉ cần giao dịch trực tiếp mà không cần qua sàn giao dịch.
Về điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản, tại khoản 1 Điều 41 dự thảo luật có quy định là “Dự án bất động sản chuyển nhượng phải có 7 điều kiện tương ứng với 7 điểm, từ điểm a đến điểm g. Trong đó, bao gồm điều kiện tại điểm b: “Dự án, phần dự án chuyển nhượng đã phải xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ…”. Đối với quy định này, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét, theo hướng bỏ điều kiện tại điểm b này.
Về việc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tại khoản 1 Điều 29 dự thảo luật có quy định “việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất phải đảm bảo các yêu cầu, trong đó bao gồm: phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được giao dịch theo quy định của Luật Đất đai”. Tại khoản 4 Điều 41 Điều kiện khi chuyển nhượng dự án là “đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, về đất của dự án, phần dự án chuyển nhượng đối với Nhà nước, thì không bắt buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng. Đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, nội dung quy định này là cần thiết, tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, làm rõ thêm về ranh giới nội hàm của hai trường hợp nêu trên, trường hợp nào cần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới mới được giao dịch; trường hợp nào không cần nhưng vẫn giao dịch được. Từ đó, tránh có nhiều cách suy luận và cách hiểu khác nhau, gây khó khăn khi triển khai trong thực tế.
Đối với nội dung bất động sản hình thành trong tương lai, tại điểm d khoản 4 Điều 24 dự thảo luật có quy định: “Chỉ được nhận tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của luật này”, đại biểu đề xuất thêm phương án là “Chủ đầu tư chỉ được nhận tiền đặt cọc giữ chỗ khi nhà ở, công trình xây dựng đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và được phê duyệt quy hoạch 1/500, đồng thời, phải có quyết định giao đất. Lúc này, tiền đặt cọc cũng không nên quá 5% giá trị bất động sản hoàn thành trong tương lai và thời gian đặt cọc không nên quá 12 tháng”.
Theo chương trình, ngày 24/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận và biểu quyết thông qua một số nghị quyết và bế mạc kỳ họp.