Tại hội thảo đại diện các đơn vị trong Cụm thi đua số III đều khẳng định công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và được quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Trong những năm qua công tác quản lý Nhà nước về TN&MT trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc cơ bản đã đạt được những thành quả. Nhiều chương trình, hành động, chỉ thị, kế hoạch về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được triển khai. Qua đó, đã giúp nhận thức của cộng đồng được nâng lên, vấn đề môi trường bức xúc từng bước được quan tâm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan khiến công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn một số tỉnh còn tồn tại một số vấn đề và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ đơn khiếu nại, khiếu kiện về đất đai còn ở mức cao, một số vấn đề về môi trường bức xúc chưa được giải quyết; các vấn đề tác động môi trường xuyên biên giới theo dòng hội nhập kinh tế ngày càng phức tạp, khó lường; định hướng phát triển bền vững, chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới nền kinh tế xanh đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường…
Tại hội thảo, đại diện các sở TN&MT các tỉnh đã tham luận các giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường.
Theo ông Ngô Xuân Hùng, PGĐ Sở TN&MT tỉnh Lai Châu, hiện nay, các dự án, công trình thuộc trường hợp thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu theo quy định tại khoản 1 Điều 58 và khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai 2013 đã được HĐND tỉnh Lai Châu thông qua tại các kỳ họp trước nhưng phải điều chỉnh, bổ sung trong năm và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất nhiều lần rất khó khăn cho công tác quản lý, tham mưu.
Việc xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp thửa đất đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất cũng gặp nhiều bất cập. Tỉnh Lai Châu mong muốn được chia sẻ của các Sở TN&MT trong cụm để tháo gỡ khó khăn những vấn đề vướng mắc.
Tham luận về vướng mắc khó khăn trong công tác quản lý TN&MT, ông Hà Mạnh Cường, PGĐ Sở TN&MT Yên Bái chia sẻ, hiện tại Yên Bái còn khó khăn do hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ, hiện nay Yên Bái còn 4/9 huyện, thị xã chưa hoàn thành công tác đo đạc địa chính, do vậy gặp khó khăn trong công tác đo đạc, lập hồ sơ đất đai, kiểm tra, thẩm định hồ sơ giao, thuê đất; chất lượng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thực hiện theo “Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Yên Bái” đạt không cao.
Còn tại Lào Cai, việc cấp phép trong thu hồi khoáng sản tại các lòng hồ thuỷ điện gặp khó khăn do các quy định pháp luật về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông quy định đấu giá sản phẩm khi thu hồi được từ các dự án duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước cảng biển, vùng nước đường thuỷ nội địa (không quy định thu hồi cát, sỏi nạo vét lòng hồ thuỷ điện). Do đó, vẫn gặp khó khăn khi thực hiện.
Việc quản lý, sử dụng khoáng sản làm vật liệu san lấp của Lào Cai cũng gặp nhiều bất cập do “Tại khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định “Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.”. Như vậy, vật liệu san lấp công trình (đất, cuội, sỏi, sạn,…) (được tích tụ tự nhiên) là khoáng sản.
Từ thực tế trong công tác TN&MT, đại diện Sở TN&MT các tỉnh cũng đã dành nhiều thời gian chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong từng nhiệm vụ quản lý, kiểm soát theo đặc thù của tỉnh mình để sở các tỉnh trong cụm học tập, tìm giải pháp tốt nhất tháo gỡ khó khăn và áp dụng vào thực tế công tác trong thời gian tới.