Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là hướng đi mà người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) ở huyện Tân Uyên đã và đang nhân rộng. Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn không chỉ dừng lại ở các mô hình nhà màng nhà lưới công nghệ cao mà còn được áp dụng đối với cây chè, rau màu, lúa… Qua đó, đưa ra thị trường những sản phẩm “ngon, sạch”, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người nông dân.
Theo giới thiệu của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên, chúng tôi đến khu vực đồi chè ở thị trấn Tân Uyên được sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX Nông dược Phương Nam. Thời điểm này, HTX đang huy động nhân công làm cỏ, bón phân cho chè. Gặp chúng tôi với bộ quần áo ướt đẫm, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt và mái tóc, ông Phan Văn Ngũ – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX hồ hởi: Tranh thủ những ngày này có mưa xuống, đất tơi xốp là phải làm cỏ, bón phân cho chè ngay. Làm nông nghiệp hữu cơ này vất vả lắm, toàn bộ từ quy trình chăm sóc, phòng bệnh, thu hoạch, chế biến đều thực hiện thủ công. Cỏ được nhổ bằng tay, không được phun thuốc diệt cỏ. Phân bón sử dụng cho chè hay các cây trồng khác là phân hữu cơ; các loại bảo vệ thực vật là thuốc sinh học được HTX tự bào chế từ những loại nông sản có sẵn ở địa phương. Như hiện nay, HTX bào chế thuốc sâu sinh học từ ớt, gừng, tỏi, rượu, để đuổi các loại sâu bọ trên cây trồng rất hiệu quả. Lúc thu hoạch chè đều hái bằng tay. Các công đoạn sao chè cũng vậy, nhân lực con người là chủ yếu chứ không sử dụng máy móc hiện đại chế biến như các nhà máy. Từ đó, đưa ra thị trường sản phẩm ngon với hương vị tự nhiên của chè địa phương.
Được biết, HTX có gần 1ha chè được sản xuất theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, đơn vị còn ký hợp đồng đầu tư cho 38 hộ dân ở thị trấn Tân Uyên cùng thực hiện mô hình này với diện tích 15ha trong tổng số trên 90ha chè kim tuyên quy hoạch trên địa bàn huyện. Theo lời chia sẻ của ông Ngũ, tuy vất vả nhưng bù lại giá thành của sản phẩm hướng hữu cơ rất cao, sản lượng không bị hao hụt nhiều. Như hiện tại, HTX đang thu mua chè cho bà con với giá 15.000 đồng – 17.000 đồng/kg chè búp tươi, cao gấp 3-4 lần so với chè khác. Cứ 1 tấn chè tươi, đơn vị sao sấy thủ công cho ra thành phẩm 2 tạ chè khô; bán với giá dao động từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/kg (theo từng loại). Thị trường của sản phẩm cung ứng chủ yếu ở Hà Nội và một số tỉnh, thành lớn trên cả nước.
Mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ đang được Hợp tác xã Nông dược Phương Nam liên kết với bà con huyện Tân Uyên mở rộng diện tích.
Ngoài cây chè, HTX còn thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với gần 60ha ớt chỉ thiên, chỉ địa liên kết với người dân các xã trên địa bàn huyện. Trồng 5ha cây xạ đen, 2ha sâm bố chính và mới đây trồng thêm 5 vạn cây cau lấy sản phẩm xuất khẩu.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhà màng, nhà lưới là một trong những mô hình hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà người dân huyện Tân Uyên đẩy mạnh thực hiện. Toàn huyện hiện có hơn 1ha nhà màng nhà lưới trồng các loại như: cà chua, ớt chuông, dưa leo baby, hoa thiên lý, rau, các loại dưa…
Ghé thăm mô hình nhà màng điển hình của hộ gia đình anh Nguyễn Đình Tuyên (ở thị trấn Tân Uyên) chúng tôi như lạc vào vườn quả cổ tích với những trái dưa lưới vàng, dưa lưới xanh tròn căng mọng; dưa lê Hàn Quốc sai trĩu trên dây. Năm 2022, sản phẩm dưa lưới của gia đình anh đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh. Từ đây, anh có thêm động lực để nhân rộng các loại giống mới trong nhà màng.
Anh Tuyên chia sẻ: Các cây trồng trong nhà màng đều sản xuất theo đúng quy trình của sản phẩm hữu cơ với tiêu chí mang những sản phẩm “ngon, sạch, có chất lượng” tới tay người tiêu dùng. Trồng trong nhà màng tuy chi phí đầu tư cơ sở vật chất lớn, nhưng được lâu dài, điều quan trọng là kiểm soát được dịch bệnh, chất dinh dưỡng, lượng nước cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Chính vì sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh trong quá trình chăm sóc mà sản phẩm thu hoạch đảm bảo mẫu mã đẹp, an toàn, bán được giá thành cao; được người tiêu dùng yêu thích bởi vị ngọt tự nhiên, thơm ngon. Năm ngoái, gia đình tôi trồng chủ yếu là dưa lưới vàng cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ tại Hà Nội. Năm nay cũng với diện tích 2.000m2 nhà màng, gia đình tôi trồng 2.000 gốc dưa lưới vàng, 2.000 gốc dưa lê Hàn Quốc, 1.000 gốc dưa lưới xanh. Khoảng 2 tuần nữa là dưa sẽ cho thu hoạch.
Thông tin từ các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện, các HTX cũng ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các loại rau màu: súp lơ, bắp cải, su hào, bí xanh… tại các xã: Pắc Ta, Mường Khoa, thị trấn Tân Uyên cho sản lượng khá cao, giá trị kinh tế hiệu quả cao gấp hơn 2 lần so với canh tác truyền thống.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Tới đây, trung tâm tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân, HTX, đơn vị doanh nghiệp nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Qua đó, vừa nâng cao thu nhập cho người dân cũng như tạo dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của huyện. Trung tâm luôn đồng hành với người dân trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn từ các chính sách của Trung ương, tỉnh. Đồng thời tạo điều kiện cho HTX liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân, tạo chuỗi liên kết giá trị bền vững.