Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải đến dự, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc UBDT. Về phía tỉnh Vĩnh Long, có ông Thạch Dương – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cùng 65 đại biểu là cán bộ Phòng Dân tộc, cán bộ xã, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải cho biết, vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu không phải là những câu chuyện, những cảnh báo mà nó hiện hữu và luôn đe dọa đến cuộc sống của chúng ta. Rõ nhất tại khu vực Tây Nam Bộ khi vào mùa mưa, sạt lở liên tục xảy ra tại nhiều bờ sông, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Bên cạnh đó, chất lượng môi trường vẫn tiếp tục bị xuống cấp nhanh, các nguồn nước suy giảm mạnh, không khí bị ô nhiễm nặng, tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức…
Để đồng bào tiếp tục có cuộc sống ổn định, bảo đảm được các điều kiện về sức khỏe, thuận lợi trong sản xuất để mưu sinh, phải có một vốn kiến thức nhất định về môi trường. Từ những vấn đề quan trọng đó, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách, văn bản quy phạm pháp luật kịp thời để hướng dẫn, triển khai thực hiện trong lĩnh vực môi trường.
Tại Hội nghị, Ban Tổ sẽ dành thời gian cho các các đại biểu chia sẻ, trao đổi cùng báo cáo viên về những cách làm hay, mô hình hiệu quả về gìn giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường trong sản xuất và sinh hoạt ở địa phương mình. Đồng thời nêu lên những ý kiến còn băn khoăn và chưa tìm ra được nguyên nhân để cùng trao đổi và có giải đáp từ phía các báo cáo viên hoặc các đại biểu khác.
Trong đợt tập huấn, các đại biểu được các báo viên triển khai 4 chuyên đề chính.
Chuyên đề 1: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các chính sách, quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên (đất, nước, rừng, đa dạng sinh học), khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu đến vùng DTTS.
Chuyên đề 2: Chung tay chống rác thải nhựa, vì một Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.
Chuyên đề 3: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; ô nhiễm môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường.
Chuyên đề 4: Vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với bảo vệ môi trường vùng DTTS và miền núi… công tác tuyên truyền, tổ chức vận động Nhân dân bảo vệ môi trường tại gia đình và trong cộng đồng dân cư.