Tranh minh họa là một phần không thể thiếu của báo chí, đặc biệt là trong mảng báo chí văn hóa, văn nghệ, hoặc dành cho các lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Song song cùng triển lãm “Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản toàn quốc 2023” do Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, cuộc tọa đàm về vẽ tranh minh họa báo chí đã diễn ra với sự tham gia của đông đảo các họa sĩ tên tuổi.
Những cây đa cây đề của làng tranh minh họa báo
Trong lịch sử, lĩnh vực tranh minh họa từng thu hút rất nhiều tên tuổi lớn và để lại những dấu ấn, phong cách riêng. Họa sĩ Bùi Dũng chia sẻ, ông từng kinh qua công việc vẽ tranh minh họa ở nhiều tờ báo, như Phụ nữ Việt Nam, Văn nghệ, Điện ảnh, Phụ nữ Thủ đô…
Ông cũng từng được tiếp xúc, chứng kiến những bức tranh minh họa của các bậc “cây đa cây đề” trong làng nghệ thuật như họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Văn Cao. “Xem các cụ vẽ, có những điều rất hay. Thí dụ như cụ Phái vẽ ký họa rất nhiều, khi gặp những đối tượng nào đó, khi uống nước chè, hay khi ra ngoài, hoặc ngồi chơi là cụ lấy giấy bút ra vẽ. Xem tranh minh họa của cụ duyên dáng và rất đẹp, các chi tiết đắt và rất chính xác. Còn cụ Văn Cao thì vẽ theo hướng dùng trí nhớ. Cụ nhìn, quan sát, bắt được cái thần, cái cốt cách của nhân vật, câu chuyện và vẽ theo. Có khi vẽ, cụ chỉ đưa vài chi tiết vào, nhưng lại mang cốt cách của nhân vật rất rõ” – họa sĩ Bùi Dũng chia sẻ.
Họa sĩ Lê Tâm, người từng vẽ cho báo Nhi Đồng, Văn nghệ, Văn nghệ Công an lại kể câu chuyện về họa sĩ lão làng Tạ Lựu: “Họa sĩ Tạ Lựu vẽ cho thiếu nhi rất khác so với các họa sĩ cùng thời. Từ những năm 70, cách vẽ của bác rất gần với thế giới, giống với cách vẽ trong hoạt hình. Đến nay, tranh của họa sĩ Tạ Lựu không còn nhiều, chỉ còn lưu lại ở một số sách báo cũ. Có lần tôi hỏi bác, tại sao nhuận bút của báo Nhi Đồng thấp mà bác vẫn vẽ đẹp thế. Bác bảo, tôi dặn anh một câu, anh phải vẽ đẹp ngay từ bây giờ, đừng chờ đến ngày mai mới vẽ đẹp. Bất kỳ tranh nào cũng phải vẽ đẹp”.
Họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ thêm về họa sĩ Tạ Lựu: “Họa sĩ Tạ Lựu thường có thói quen vẽ minh họa báo chí luôn trên giấy can, và chuyển thẳng giấy can sang nhà in để in báo. Chính vì thế, những bức vẽ của họa sĩ đến nay gần như không còn”.
Tranh minh họa báo chí – Thế giới riêng
Hầu hết các họa sĩ đều từng cộng tác, làm việc trong lĩnh vực vẽ tranh minh họa cho các báo ít hoặc nhiều lần. Tranh minh họa có đặc điểm là có mang dấu ấn cá nhân, cá tính của họa sĩ, nhưng lại không phải là thể loại được tự do sáng tác, mà phải vẽ dựa trên chủ đề của bài báo, truyện ngắn hoặc thơ… đăng báo.
Họa sĩ Bùi Dũng chia sẻ, vẽ minh họa không phải chỉ là làm rõ ràng thêm cho một tác phẩm văn học, mà còn phải có cả cảm xúc khi đọc những áng văn thơ, và cảm nhận mặt thẩm mỹ của áng văn thơ ấy. Từ đó, họa sĩ tạo nên những bức tranh đẹp đồng hành cùng văn chương trong cảm xúc về mỹ thuật, tạo nên vẻ đẹp của tác phẩm được kết hợp từ thi ca, văn học, chữ nghĩa và mỹ thuật.
Vẽ minh họa không chỉ là làm rõ ràng thêm cho một tác phẩm văn học, mà còn phải có cả cảm xúc và cảm nhận thẩm mỹ của áng văn thơ ấy. Từ đó, họa sĩ tạo nên những bức tranh đẹp đồng hành cùng văn chương trong cảm xúc về mỹ thuật, tạo nên vẻ đẹp của tác phẩm được kết hợp từ thi ca, văn học, chữ nghĩa và mỹ thuật.
Họa sĩ Bùi Dũng
Họa sĩ Hải Nam chia sẻ về những kỷ niệm nhọc nhằn của mình khi cộng tác với các báo hoặc nhà xuất bản: “Tôi từng bị từ chối tranh minh họa đến 7 lần khi vẽ cho Nhà xuất bản Kim Đồng. Với tôi, vẽ minh họa thường rất nặng, không phải về trọng lượng mà về độ khó trong cảm nhận để tạo nên bức tranh và để được duyệt tranh. Nắm bắt được tinh thần của bài báo, câu chuyện, bài thơ rất khó. Tôi phải cảm ơn những lần bị chê vẽ xấu, từ đó tôi mới có động lực để cố gắng hơn. Tôi cũng cảm ơn công việc vẽ tranh minh họa vì nhờ đó mà tôi được đọc, được tiếp xúc với các tác phẩm văn học”.
Vẽ tranh minh họa báo chí còn đòi hỏi tốc độ nhanh, ứng phó kịp thời. Các họa sĩ chia sẻ, nhiều khi phải túc trực ngay tại nhà in để “ứng tác” kịp thời cho việc “lấp chỗ trống” trên trang báo khi cần.
Họa sĩ Đặng Tiến kể lại: “Ngày xưa, thời công nghệ còn lạc hậu, anh em họa sĩ vẽ minh họa cho báo thường phải trực dưới nhà in, lúc nào cũng cầm một cây bút, khi nào trang báo trống quá thì phải bổ sung ngay tranh minh họa, phải vẽ nhanh, vẽ ngay tại chỗ rồi chuyển cho bộ phận làm kẽm để họ xử lý”.
Họa sĩ Lê Tiến Vượng chia sẻ, họa sĩ minh họa là luôn chữa cháy. Có khi tòa soạn bị chậm bài, truyện, hoặc có việc gì đó gọi điện đến là bất cứ việc gì đang làm cũng phải bỏ dở để vẽ.
Chính vì thế, các họa sĩ vẽ minh họa đã gần như rèn luyện mình cho phong cách sáng tác nhanh, khẩn cấp. Làm mới mình, tạo phong cách riêng là điều bắt buộc đối với nhiều họa sĩ khi đảm đương công việc vẽ minh họa.
Họa sĩ Nguyễn Minh Đạt chia sẻ, vẽ minh họa từ trước đến nay rất nhiều người vẽ, nhưng phong cách riêng thì rất hiếm. Hầu hết là na ná giống nhau, chưa có sự riêng biệt và chưa rõ ràng về phong cách. Minh họa để tạo ra được phong cách là vô cùng khó, bởi vì phải tư duy trong một thời gian rất vội, phải theo yêu cầu của tác phẩm, của xuất bản. Họa sĩ phải có phong cách riêng, có sự chuẩn mực và riêng biệt, và luôn phải vươn lên.
Họa sĩ Phạm Hà Hải cho rằng, làm minh họa báo chí một thời gian cũng thấy công việc cần có những giai đoạn đổi mới: “Cứ làm mãi một kiểu, không đổi mới cũng sẽ “buông rèm” sớm”.
Còn họa sĩ Lê Tiến Vượng đúc kết: “Tác phong báo chí của họa sĩ vẽ minh họa có được là do cập nhật, làm việc và cộng hưởng, cộng tác với báo chí. Chúng ta phải tự học, tự ép mình. Khi các báo tuyển dụng, sẽ chọn các họa sĩ có khả năng ứng tác tốt để phù hợp, kịp thời với tờ báo của mình và làm sang cho tờ báo của mình”.
Tranh minh họa với báo chí như một “mối lương duyên” gắn bó sâu bền. Báo chí trân trọng họa sĩ, họa sĩ tuân thủ các yêu cầu của báo chí và đầu tư tâm huyết cho sản phẩm của mình. Người hái quả ngọt là bạn đọc, khi ngày càng được thưởng thức những tác phẩm kết hợp giữa cái đẹp của câu từ và hình ảnh, cùng những cảm xúc cộng hưởng giữa người viết và người vẽ.
(Theo nhandan.vn)