*Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh NGUYỄN ANH TUẤN
(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu của các ngành, lĩnh vực đời sống xã hội. Do đó, báo chí phải đồng thời thực hiện cả hai sứ mệnh của mình là đi trước, đi cùng để truyền thông cho công cuộc CĐS quốc gia và thực hiện CĐS cho chính mình.
Hiện nay, chưa kể những tin tức phản ánh công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh trong CĐS, bình quân mỗi tháng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi (PTQ) có 16 phóng sự và phỏng vấn chuyên đề về CĐS. So sánh với các đài trong khu vực miền Trung – Tây nguyên thì PTQ đã truyền thông cho (CĐS) rất đậm nét. Còn về CĐS cho chính mình, PTQ đã chuẩn bị những gì?
Xây dựng chiến lược chuyển đổi số
Nếu CĐS trong báo chí là một con đường thì không có một phương tiện chung nào cho tất cả các cơ quan báo chí di chuyển trên con đường ấy. Tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất và con người, mỗi cơ quan báo chí xác định và chọn cho mình một phương tiện riêng để di chuyển. Chọn sai phương tiện có khi đi chậm hơn, nhưng sợ chọn sai mà ngồi chờ đợi người khác làm trước thì cũng khó theo kịp.
Xe truyền hình lưu động chuẩn HD, 5 camera của PTQ. Ảnh: Ngọc Điệp |
Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai chiến lược CĐS báo chí và Bộ tiêu chí đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐS báo chí. Tại Quảng Ngãi, trong tháng 6/2023, Sở TT&TT cũng đã hoàn thiện Kế hoạch hành động triển khai chiến lược CĐS báo chí ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để trình UBND tỉnh quyết định ban hành. Đây là cơ sở pháp lý, công cụ hỗ trợ cho các cơ quan báo chí xác định được mình đang ở đâu trong lộ trình CĐS, từ đó xác định rõ nhiệm vụ, thời gian hoàn thành, trách nhiệm thực thi ở từng giai đoạn cụ thể.
Đến tháng 6/2023, PTQ cũng như hầu hết các đài phát thanh và truyền hình địa phương khác đã bắt tay vào xây dựng chiến lược CĐS và kế hoạch quản trị rủi ro cho chiến lược. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tập trung xây dựng chiến lược và kế hoạch cụ thể trình các cấp có thẩm quyền để được bố trí kinh phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ phục vụ CĐS.
Phát triển hạ tầng số, nền tảng số
Về hạ tầng số, PTQ đã có kết nối Internet cáp quang tốc độ 200Mbps dùng cho vận hành sản xuất, lưu trữ nội bộ tại Đài và hai gói 300Mbps dùng truyền dẫn tín hiệu truyền hình trực tiếp, phát thanh trực tiếp. Sắp tới, để đáp ứng nhu cầu CĐS, đòi hỏi PTQ phải đầu tư kết nối Internet băng thông rộng bằng cáp quang lên đến Gbps. Kho lưu trữ dữ liệu dùng chung cũng từng bước nâng cấp để nâng cao tốc độ khai thác thông tin, biên tập, sản xuất tin, bài và giúp các phóng viên, biên tập viên dễ dàng tác nghiệp từ xa, sản xuất cùng lúc các loại hình báo chí đa phương tiện.
Phóng viên và kỹ thuật viên của PTQ chuẩn bị cho buổi truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật “Lý Sơn – Kỳ quan biển đảo” tại huyện Lý Sơn ngày 29/4/2023. Ảnh: Ngọc Điệp |
Hiện tại, PTQ đã chuyển nội dung theo hướng số hóa, đưa chương trình của Đài đến với công chúng rộng hơn. Đến thời điểm này, PTQ là một trong những đài địa phương phát triển mạnh mẽ việc phân phối nội dung qua web và các trang mạng xã hội.
Đài đã xây dựng, vận hành trang web tại địa chỉ quangngaitv.vn để phát trực tuyến và đăng tải lại các chương trình phát thanh, truyền hình. Năm 2024, PTQ sẽ nâng cấp trang thông tin điện tử với giao diện thân thiện, công nghệ tối ưu cho cả web và mobile, có bổ sung thêm một số tính năng quan trọng như đồng bộ lịch phát sóng video, thời gian thực hiện và tính năng giao lưu trực tuyến, tính năng tìm kiếm, thống kê, sao lưu dữ liệu.
Việc đầu tư vào dịch vụ OTT, một dạng báo điện tử dành riêng cho video cũng là bước cân nhắc trong tương lai. Tuy nhiên, ứng dụng OTT là cuộc chơi của các đài lớn có thương hiệu và nguồn lực tài chính, nhân sự mạnh. Còn hầu hết các đài địa phương khó có thành công nếu muốn tự đầu tư và vận hành một app riêng trên android và ios. Câu chuyện đặt ra ở thời điểm hiện nay là có thể phân phối chương trình nhờ vào một số ứng dụng OTT trong nước đang phát triển. Kênh truyền hình PTQ hiện đã có mặt trên các app FPT Play của FPT, TV360 của Viettel Telecom, Mytv của VNPT. Sắp tới, PTQ sẽ đàm phán để có mặt trên app VTV Go.
Một trong những phần việc tiếp theo để đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất, phân phối nội dung theo xu hướng báo chí số là xây dựng hệ thống quản trị nội dung CMS. Hệ thống CMS là một yêu cầu cấp thiết để hỗ trợ cho tòa soạn hội tụ, tòa soạn số. Dự kiến vào năm 2024, PTQ sẽ được đầu tư vốn trung hạn để thực hiện hệ thống CMS. Yêu cầu đặt ra là lựa chọn phần mềm hiện đại, có tính mở để cập nhật tính năng nâng cao theo yêu cầu phát triển ở từng giai đoạn. Khi đưa vào sử dụng hệ thống này sẽ giúp PTQ đồng bộ các khâu từ sản xuất của phóng viên (viết, dựng hình ảnh, âm thanh) đến khâu biên tập, đăng phát, lưu trữ, quản lý, đánh giá chất lượng, tính nhuật bút.
Trang Fanpage Truyền hình Quảng Ngãi hiện có 522 nghìn người theo dõi, đứng hàng đầu khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trang Youtube Truyền hình Quảng Ngãi đạt nút Bạc vào tháng 4/2023 và hiện có 115 nghìn người đăng ký. Số lượt người tiếp cận, lượt xem và tương tác của khán, thính giả trên các trang mạng xã hội của PTQ rất lớn. Đặc biệt, Fanpage Truyền hình Quảng Ngãi bình quân mỗi tháng có 18 triệu lượt xem.
|
Nâng cấp hệ thống quản trị hành chính và chuyên môn
Trong quản trị nội bộ, những năm gần đây PTQ đã dùng chung hệ thống quản lý văn bản, điều hành ioffice của tỉnh. Tuy nhiên, hệ thống này thiên về quản trị hành chính nên chưa hỗ trợ nhiều cho một cơ quan báo chí. Những công việc hằng ngày vẫn còn phát sinh nhiều văn bản giấy, hoặc phải dùng thêm các tiện ích khác như Zalo, Gmail mới đáp ứng được công việc. Sắp tới, khi đưa vào sử dụng hệ thống CMS sẽ hỗ trợ thêm cho CĐS trong công tác quản lý như lưu chiểu, quản lý thiết bị, quản lý tài khoản, phân quyền và tích hợp máy chấm công.
Về nhân lực cho CĐS, PTQ đang định hướng chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho CĐS và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cũng sẽ được thực hiện song hành để đáp ứng cho việc sản xuất nội dùng phù hợp với lộ trình phát triển báo chí đa phương tiện, báo chí di động, báo chí xã hội và báo chí dữ liệu.
Hiện nay, Chính phủ, Bộ TT&TT và tỉnh Quảng Ngãi đang thúc đẩy và hỗ trợ để các cơ quan báo chí đẩy nhanh lộ trình CĐS. Tuy nhiên, cũng có thách thức là nguồn kinh phí đầu tư cho CĐS, nhất là đầu tư hạ tầng công nghệ rất đắt đỏ. Một mặt phải thực hiện lộ trình tự chủ (năm 2023 tự chủ 85%), một mặt đối diện với nguồn thu quảng cáo đang sụt giảm mạnh. Bối cảnh như vậy, vừa CĐS, PTQ cũng vừa phải hoàn thành Đề án về định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước. Đề án này khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ giúp PTQ vững tâm bước vào nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% chi thường xuyên. Cùng với đó, nguồn lực tài chính đầu tư cho CĐS phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. PTQ cũng như các cơ quan báo chí nhận thức rằng, câu chuyện CĐS là không thể tự thân đầu tư công nghệ, nhưng cũng xác định rõ, là tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động của cả đơn vị phải thay đổi tư duy, cùng tận tâm, cùng chí hướng thì mới thành công trong CĐS./.