Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Washington DC (nơi ông từng bị cấm đến thăm trong gần 10 năm) hôm 21/6, ông đã gia nhập hàng ngũ của Winston Churchill (cố Thủ tướng Anh), Nelson Mandela (cố Tổng thống Nam Phi) và Volodymyr Zelensky (Tổng thống Ukraine), những nhà lãnh đạo hiếm hoi có cơ hội phát biểu nhiều hơn một lần trước Quốc hội Mỹ.
Đây là chuyến đi thứ sáu của ông Modi tới Mỹ kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2014, nhưng là lần đầu tiên Mỹ tổ chức tiệc chiêu đãi cấp nhà nước để vinh danh ông. Nhiều người kỳ vọng chuyến đi này sẽ kết tinh hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia, ngay cả khi họ vẫn có quan điểm đối lập trong một số vấn đề chủ chốt.
Ông Modi đã nhận được những vinh dự xa hoa nhất mà Mỹ có thể dành cho một nhà lãnh đạo nước ngoài. Tuy nhiên, trong phần lớn chuyến thăm cấp nhà nước của ông, vẫn có một thách thức bao trùm Washington và tương lai của mối quan hệ Mỹ – Ấn.
Nhân tố then chốt
Chuyến thăm cấp nhà nước hiếm hoi của vị lãnh đạo Ấn Độ trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden thể hiện sự nhân đôi chiến lược lôi kéo Ấn Độ vào quỹ đạo phương Tây, vốn đã được khởi xướng từ thời chính quyền Bill Clinton và được thúc đẩy bởi các Tổng thống George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump.
Ông Modi đến thăm Washington vào thời điểm mà cả hai bên đều tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra một thách thức nguy hiểm đối với sức mạnh, ảnh hưởng của Mỹ và toàn bộ hệ thống quy tắc kinh tế và chính trị do phương Tây lãnh đạo.
Các quan chức Mỹ khẳng định đều khẳng định rằng chuyến thăm của ông Modi không phải là về Trung Quốc. Tuy nhiên, theo một cách nào đó, mọi thứ ở Washington ngày nay đều hướng về quốc gia này.
Washington hy vọng xây dựng một khuôn khổ răn đe mở rộng để cố gắng kiểm soát Trung Quốc. Cả về mặt địa lý cũng như chiến lược và kinh tế, Ấn Độ đã trở thành một nhân tố then chốt trong khuôn khổ này.
Theo quan điểm của Washington, Ấn Độ có vẻ là một đối tác đầy triển vọng trong nỗ lực chống lại Trung Quốc. Căng thẳng kéo dài giữa biên giới Trung Quốc với Ấn Độ đã đặt ra câu hỏi liệu kẻ thù nguy hiểm nhất của New Delhi có phải là Bắc Kinh chứ không phải Pakistan hay không.
Nền kinh tế Ấn Độ cũng đang được hưởng lợi từ mong muốn của các chính phủ phương Tây nhằm loại bỏ chuỗi cung ứng của Trung Quốc, đặc biệt sau khi họ nhận ra sự phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng ở nước này ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào trong đại dịch.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng là một thành viên trong Bộ tứ, một diễn đàn chiến lược phi chính thức của quốc gia này cùng với Mỹ, Úc và Nhật Bản. Một trong những nội dung của diễn đàn này trong thời gian gần đây là cách đối phó với những thách thức từ Trung Quốc.
Trong bài phát biểu trước phiên họp chung của Quốc hội Mỹ hôm 22/6, ông Modi cho biết, Ấn Độ chia sẻ tầm nhìn của Mỹ về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và bao trùm”, được đánh dấu bằng quyền tự do hàng hải được xác định bởi luật pháp quốc tế và chống lại sự thống trị của bất kỳ quốc gia nào.
Dù được che giấu bằng ngôn ngữ ngoại giao quốc tế, những bình luận đó thể hiện một tuyên bố quan trọng về sự liên kết với lập trường của Mỹ, đồng thời cũng là một thông điệp gửi tới Trung Quốc.
Tầm nhìn khác biệt
Bất chấp sự hào nhoáng của bữa tiệc chiêu đã hôm 22/6, vẫn có những câu hỏi sâu sắc về việc liệu chính quyền ông Modi có tự coi mình đóng vai trò trụ cột trong chiến lược ngoại giao của Mỹ hay không, dù họ đang tìm cách tận dụng mối quan hệ với cường quốc này.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Ấn Độ có dốc toàn lực ủng hộ ông Biden hay không, nếu cuộc đối đầu ngày càng đáng báo động nào giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự hoặc ngoại giao toàn diện.
Ông Ashley Tellis, một trong những nhà đàm phán chính cho thỏa thuận hạt nhân của Mỹ và Ấn Độ cảnh báo rằng ngay cả khi chính quyền ông Biden tiếp tục đầu tư mạnh vào Ấn Độ, họ cũng không nên có bất kỳ ảo tưởng nào về việc New Delhi trở thành đồng minh trong một số cuộc khủng hoảng trong tương lai với Bắc Kinh, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan hoặc Biển Đông.
“Những điểm yếu đáng kể của Ấn Độ so với Trung Quốc và sự gần gũi không thể tránh khỏi của Ấn Độ với Trung Quốc đảm bảo rằng New Delhi sẽ không bao giờ can dự vào bất kỳ cuộc đối đầu nào của Mỹ với Bắc Kinh nếu nó không đe dọa trực tiếp đến an ninh của chính họ”, ông Tellis viết trên tạp chí Foreign Affairs.
Trên thực tế, Washington không mấy kỳ vọng rằng Ấn Độ trở thành đồng minh chính thức của mình. Quốc gia này luôn chống lại việc bị lôi kéo vào các liên minh có tổ chức và hiện đang định vị mình là nước lãnh đạo của thế giới đang phát triển.
Các chính sách của họ đôi khi cũng xung đột với chính sách của Mỹ. Ví dụ, họ là một khách hàng mua dầu giá rẻ từ Nga bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ đưa ra sau khi Nga châm ngòi cho cuộc xung đột ở Ukraine. Ngoài ra, ông Modi vẫn duy trì giữ quan điểm trung lập về cuộc xung đột này, do mối quan hệ lịch sử giữa hai quốc gia.
“Ấn Độ tự coi mình là một cường quốc dựa trên giá trị của riêng mình và họ có những ràng buộc về địa lý, loại quyền lực riêng và những khát vọng riêng trên quy mô khu vực và toàn cầu. Có một cuộc gặp gỡ của tâm trí và lợi ích vào lúc này, nhưng đó không phải là thứ sẽ tồn tại mãi mãi”, ông Avinash Paliwal, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Soas ở London, cho biết.
Quan điểm này củng cố ý kiến cho rằng Ấn Độ và Mỹ có thể có những tham vọng và tầm nhìn khác nhau đối với mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa hai bên, và có khả năng ông Biden cuối cùng sẽ phải thất vọng về sự “ưu ái” mà ông dành cho nhà cầm quyền Ấn Độ.
Nguyễn Tuyết (Theo The Guardian, CNN)