Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, quả vải (còn gọi là lệ chi) là loại quả tròn nhỏ, có vỏ sần, khi chín có màu đỏ dâu, một hạt lớn màu nâu đen, thịt màu trắng, dày và mọng nước. Phần ăn được của quả vải là cùi trắng, ăn tươi rất ngọt. Khi sấy khô, cùi có vị ngọt và hơi chua.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, thịt quả vải có nhiều nước, glucose, protein, chất béo, vitamin C (trung bình 40 mg vitamin C trong 100 g dịch thịt quả), vitamin A, B, đồng, sắt, kali,… Ngoài ra, vải còn chứa nhiều hợp chất chống oxy bao gồm cả epicatechin và rutin, giúp bảo vệ chống lại stress oxy hóa, các bệnh mãn tính, đục thủy tinh thể, tiểu đường, bệnh tim và ung thư.
Chất chống oxy hóa và vitamin C trong quả vải có lợi cho da và giúp loại bỏ các vết thâm. Vải cũng rất giàu kali giúp hỗ trợ điều hòa huyết áp. Ngoài ra sắt, đồng, mangan, phốt pho và magiê, giúp cải thiện sức khỏe của xương và tim, ngăn ngừa bệnh thiếu máu.
Không nên ăn quá nhiều
Trong Đông y, thịt quả vải có vị ngọt, chua, tính bình hay ôn, có tác dụng nuôi huyết, làm hết phiền khát, tiêu thũng, chữa những bệnh mụn nhọt. Tuy nhiên loại quả này thuộc tính dương (nóng) ăn quá nhiều làm khô môi, có thể gây chảy máu cam ở một số người, cũng như có thể gây ra mụn nhọt hay loét miệng.
“Do đó không ăn quá nhiều vải cùng một lúc, vì dễ dẫn đến sinh nhiệt, khô miệng, đau họng, buồn nôn,… Người bình thường không ăn quá 5-10 quả/lần, phụ nữ mang thai, trẻ em nên ăn 3-4 quả/lần. Phụ nữ mới sinh đang cho con bú nếu muốn ăn chỉ nên ăn 100-200 gram. Phụ nữ khi trước và trong kỳ hành kinh nên hạn chế ăn nhiều vải. Không ăn vải khi đói”, bác sĩ Vũ lưu ý.
Ngoài ra, người bị tiểu đường nên ăn vải ở mức độ vừa phải vì vải có hàm lượng đường cao. Vải có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người.
Những người bị thủy đậu, có đờm hay bị cảm thì không nên ăn vải bởi sẽ làm bệnh tình thêm nặng hơn.