Tính đến hết ngày 21-6, các địa phương thuộc 4 vị trí của đường Vành đai 4 đi qua đã giải phóng mặt bằng được hơn 70%, thậm chí có nơi đạt 85%. Đây là tín hiệu đáng mừng về sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân đối với dự án quan trọng của quốc gia.
Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là dự án đường giao thông trọng điểm quốc gia được Chính phủ ưu tiên nguồn lực đặt lộ trình, mục tiêu hoàn thành giai đoạn 2021-2028.
Không chỉ riêng Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cũng đang tập trung quyết liệt, triển khai các phần việc cụ thể nhằm đáp ứng về tiến độ, thời gian theo tinh thần của Chính phủ đề ra.
Bắc Ninh – dân vận khéo, được lòng dân
Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp chiếm đến hơn 96% nhưng tỉnh Bắc Ninh vẫn đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để kịp tiến độ khởi công vào ngày 25-6 tới đây.
Đường Vành đai 4 đi qua địa phận TP Bắc Ninh và các huyện Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình của tỉnh Bắc Ninh. có tổng diện tích đất cần thu hồi là 389 ha, số mộ phải di dời là 3.189 ngôi mộ. Độ dài khoảng 25,6km; tuyến nối từ cuối dự án theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long đến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang dài khoảng 9,7km.
Ông Nguyễn Văn Hoằng, Chủ tịch UBND phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh cho biết: “Khi có thông tin dự án được triển khai, đại đa số người dân đều đồng thuận và nhất trí cao với chủ trương đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn còn gặp khó khăn đối với việc tính toán thiệt hại hoa màu khi giải phóng mặt bằng trên đất nông nghiệp, các diện tích cấp trái thẩm quyền năm 2003-2005, diện tích xen kẹp đường Vành đai 4 và tỉnh lộ 278”.
Đường Vành đai 4 qua Bắc Ninh chủ yếu đi qua địa phận huyện Thuận Thành và Quế Võ, một phần rất nhỏ thuộc huyện Gia Bình và TP Bắc Ninh. |
Với tổng diện tích phải thu hồi đất là 103,5 ha. Nhưng tính đến ngày 19-6, TP Bắc Ninh đã hoàn thành chi trả giải phóng mặt bằng 91,5ha, đạt tỉ lệ 87%, vượt qua mục tiêu 70% mà ban chỉ đạo tỉnh Bắc Ninh đã đề ra trước đó.
Ngay từ khi bắt đầu triển khai, tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh nghiên cứu hỗ trợ, tái định cư bảo đảm tối đa quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Tại các khu dân cư có đất thu hồi, chính quyền cũng tổ chức các buổi đối thoại, giải thích thắc mắc của người dân, quá trình thực hiện đều bảo đảm công khai, minh bạch nên nhận được sự ủng hộ của tất cả người dân.
Hưng Yên – đảm bảo bàn giao trên 70% trước ngày khởi công
Đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 19,3km, hầu hết nằm trên địa bàn huyện Văn Giang và Văn Lâm, một phần rất nhỏ dự án nằm ở địa phận huyện Yên Mỹ và huyện Khoái Châu.
Đường kẻ màu đỏ chạy theo đường màu tím than là đường Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Hưng Yên. |
Những ngày này, cấp ủy, chính quyền của tỉnh Hưng Yên cùng các Sở, ngành liên quan đang tập trung mọi nguồn lực, nhân lực cho công tác giải phóng mặt bằng. Điều đó được minh chứng bằng việc chi trả tiền giải phóng mặt bằng không quản ngày đêm, kể cả thứ 7 và chủ nhật cho người dân.
Chủ tịch UBND huyện Văn Giang, ông Chu Quốc Hiệu chia sẻ: “Để đảm bảo đảm các mục tiêu đề ra, huyện Văn Giang tập trung toàn bộ nhân lực làm việc cả ngày cuối tuần. Số tiền chi trả giải phóng mặt bằng của huyện đạt trên 72 tỷ đồng, phấn đấu từ nay đến 25-6 sẽ cơ bản hoàn thành chi trả giải phóng đất nông nghiệp”.
Không chỉ tập trung giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp, người dân và chính quyền các huyện Văn Giang, Văn Lâm còn chủ động quy hoạch, di chuyển 753/5091 ngôi mộ.
Ông Đỗ Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng chia thành 5 tổ phụ trách các xã, thị trấn; đồng loạt ra quân tuyên truyền phổ biến chế độ, chính sách đến từng hộ dân.
Tổng diện tích đất thu hồi tại dự án Vành đai 4 ở Hưng Yên là trên 230ha. Các cấp uỷ, chính quyền của tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến ngày 25-6 sẽ giải phóng được 90ha, đạt 40% diện tích và đến ngày 30-6 sẽ đạt trên 70% diện tích (khoảng 162ha).
4 “trụ” tiên phong đồng thuận hướng ngày khởi công
Theo Văn phòng UBND TP Hà Nội, Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn Thành phố sẽ bắt đầu vào 6 giờ 30 phút ngày 25-6 và diễn ra đồng loạt tại 4 vị trí: Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai và Thường Tín.
Để có thể làm được điều này là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhân dân, chính quyền của 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông) khi đồng loạt vượt kế hoạch thành phố đặt ra và đều thể hiện quyết tâm cao trong quá trình triển khai dự án.
Báo cáo về tình hình triển khai công tác chuẩn bị Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội ngày 20-6, đại diện huyện Mê Linh cho biết đã giải phóng mặt bằng được 99,2% (tổng chiều dài 11,2km). Liên quan đến vấn đề đất ở tái định cư, huyện Mê Linh có 458 hộ cần giải phóng mặt bằng và huyện đã lên phương án bồi thường và giải phóng mặt bằng được trên 88% khối lượng tái định cư.
Huyện Đan Phượng về đích hoàn thiện giải phóng mặt bằng được 85% (chiều dài đường Vành đai 4 đi qua là 6,3km), huyện cũng cam kết đến cuối năm sẽ bàn giao 100% giải phóng mặt bằng.
Cuối tháng 7-2023, huyện Hoài Đức dự kiến khởi công 2 khu tái định cư khi tỷ lệ giải phóng mặt bằng đã đạt 84%. Hiện huyện Hoài Đức cũng chưa có khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.
Quận Hà Đông cho biết địa bàn quận có 5,5km dự án đi qua, đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 84%. Huyện Thường Tín đã đạt tỷ lệ 83,4% về giải phóng mặt bằng. Huyện Thanh Oai có 9km thuộc dự án, đến nay công tác giải phóng mặt bằng được 82%, đồng thời cam kết sẽ giải phóng mặt bằng đúng tiến độ để đến đầu tháng 7 tổ chức đấu thầu và thi công khu tái định cư.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng – Trưởng ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội phát biểu ở buổi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện dự án ngày 20-6. Ảnh: dangcongsan.vn |
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng – Trưởng ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội chỉ rõ: “Những số liệu, phát biểu của 7 quận huyện đều thể hiện quyết tâm, khẳng định cuối năm 2023 chúng ta có thể hoàn thành giải phóng mặt bằng, cơ bản xong tái định cư. Là tuyến đường quan trọng, chiều dài lớn nên chúng ta sẽ cố gắng không phải cưỡng chế hộ dân nào. Tinh thần bà con đang rất đồng thuận, mình vận động, thuyết phục tốt thì sẽ đạt được mục tiêu đề ra”.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cũng rất lưu ý: “Chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu chuẩn bị đầy đủ máy móc, sẵn sàng nguyên vật liệu để tổ chức thi công. Các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị và từng đồng chí phải coi thực hiện dự án bảo đảm tiến độ theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị là cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027; coi đây là nhiệm vụ chính trị; đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa để thực hiện”.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô tuyến đường dài 112,8 km, với 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình kỹ thuật, sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Diện tích đất cần thu hồi để triển khai dự án là 1.341ha, trong đó: Thành phố Hà Nội cần thu hồi khoảng 741ha tại địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín, Thanh Oai); tỉnh Hưng Yên cần thu hồi khoảng 274ha tại địa bàn của 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm); tỉnh Bắc Ninh cần thu hồi khoảng 326ha tại địa bàn của 4 huyện, thành phố (Thuận Thành, Quế Võ, thành phố Bắc Ninh, Gia Bình). Phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30-6-2023 để phục vụ khởi công dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023, đưa công trình vào khai thác từ năm 2027. |
THANH HƯƠNG – HỒNG PHÚC