Do không có hộp đen, đội điều tra cần thu thập mọi mảnh vỡ có thể của tàu và kiểm tra cấu trúc nứt vỡ trong vật liệu sợi carbon.
Sau khi phát hiện những mảnh vỡ của tàu lặn Titan dưới đáy biển, các nỗ lực cứu hộ giờ sẽ chuyển hướng sang tìm hiểu nguyên nhân gây sự cố. Titan là tàu lặn chở 5 người tham quan xác Titanic mất liên lạc ở Đại Tây Dương hôm 18/6.
Theo chuẩn đô đốc lực lượng tuần duyên Mỹ John Mauger, những gì họ tìm thấy giống như một vụ ép bẹp thảm khốc đã xảy ra, BBC hôm 23/6 đưa tin. Lý do là họ phát hiện một mảnh vỡ chứa phần đuôi tàu Titan và mảnh còn lại chứa khung tiếp đất, cho thấy con tàu đã bị ép nổ.
Để trả lời câu hỏi tại sao sự cố xảy ra và những người liên quan đã có thể làm gì để ngăn chặn nó, các nhà chức trách sẽ thu thập mọi mảnh vỡ có thể, theo Ryan Ramsey, cựu chỉ huy tàu ngầm trong Hải quân Hoàng gia Anh.
“Không có hộp đen nên bạn sẽ không thể truy ra những chuyển động cuối cùng của tàu lặn”, Ramsey cho biết. Nếu có hộp đen, quá trình điều tra sẽ tương tự với tai nạn máy bay.
Khi đội điều tra đưa những mảnh vỡ lên mặt đất, họ sẽ tìm kiếm cấu trúc nứt vỡ trong cấu trúc sợi carbon. Đây là điều then chốt giúp họ hiểu xem điều gì đã xảy ra trong những khoảnh khắc cuối cùng. Từng mảnh sẽ được kiểm tra cẩn thận dưới kính hiển vi để xem xét hướng của các sợi carbon, tìm kiếm vết rách giúp hé lộ vị trí chính xác xảy ra nứt vỡ.
Câu hỏi lớn mà đội điều tra sẽ cố gắng giải đáp, liệu nguyên nhân do lỗi cấu trúc hay không. Nếu đúng, tàu lặn đã phải chịu áp suất cực kỳ cao, tương đương với trọng lượng của tháp Eiffel, theo giáo sư Blair Thornton tại Đại học Southampton. “Chúng ta đang nói về một vụ ép nổ rất mạnh của phần thân chính”, ông nói.
Một câu hỏi quan trọng khác là nếu điều này thực sự xảy ra, nguyên nhân có phải do thiếu sự kiểm tra, thử nghiệm toàn diện như một số chuyên gia đã gợi ý hay không.
“Sợi carbon bị phá hỏng do các lỗi bên trong cấu trúc”, giáo sư Roderick A Smith tại Học viện Hoàng gia London nói. Ông nhận định, các mối nối giữa sợi carbon và titanium cần được điều tra thật cẩn thận. Sự dữ dội của vụ nổ đồng nghĩa, có thể rất khó xác định trình tự của các sự kiện. Do đó, cần trục vớt và kiểm tra cẩn thận nếu được, ông bổ sung.
Hiện chưa rõ cơ quan nào sẽ đứng đầu cuộc điều tra vì chưa có bộ quy tắc nào cho những sự cố như vậy với tàu lặn. Mauger cho biết, sự việc đặc biệt phức tạp vì xảy ra ở một vùng biển xa xôi và liên quan đến nhiều người với nhiều quốc tịch khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, lực lượng tuần duyên Mỹ đã đóng vai trò quan trọng nên có thể sẽ tiếp tục như vậy.
Tàu lặn Titan được làm từ sợi carbon và titan, theo OceanGate. Với kích thước 6,7 m x 2,8 m x 2,5 m, Titan được thiết kế để chở một người lái và 4 hành khách. Tàu nặng 10.432 kg, có thể di chuyển ở tốc độ tối đa 5,556 km/h và lặn xuống độ sâu 4.000 m.
Tàu không có hệ thống lái chuyên biệt, mà được điều khiển bằng tay cầm PlayStation. Để liên lạc với tàu mẹ, Titan gửi tin nhắn thông qua hệ thống định vị thủy âm (USBL).
Tàu lặn Titan mất tích ngày 18/6 khi đang chở 5 người thực hiện chuyến tham quan xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương, cách Newfoundland của Canada khoảng 600 km. Theo trang web của công ty, chuyến thám hiểm dưới đáy biển tới xác tàu Titanic được OceanGate thực hiện từ năm 2021, với giá 250.000 USD mỗi người.
Thu Thảo (Theo BBC)