Giai đoạn 2021 – 2023, UBND tỉnh phân bổ cho các địa phương hơn 49 tỷ đồng để rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, việc thực hiện công tác này ở nhiều nơi khá chậm, dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ đạt rất thấp.
Tỷ lệ giải ngân vốn quá thấp
Ông Nguyễn Kim Vân – cán bộ chuyên trách lĩnh vực xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Quế Sơn cho hay, trừ 2 thị trấn Đông Phú và Hương An, địa phương có 11 xã thực hiện chương trình NTM.
Ngoài xã Quế Hiệp, hiện 10 xã còn lại trên địa bàn không giữ chuẩn tiêu chí số 1 về quy hoạch theo bộ 19 tiêu chí NTM giai đoạn 2022 – 2025. Quy hoạch xây dựng xã NTM của hầu hết địa phương ở Quế Sơn đều được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2012 trở về trước nên đến nay đã hết kỳ quy hoạch 10 năm.
Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng của tỉnh và huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đôn đốc nhưng tiến độ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo ở nhiều xã vẫn diễn ra khá chậm.
Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND 8 huyện, thị xã, thành phố (gồm: Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Nông Sơn, Bắc Trà My, Phú Ninh, Điện Bàn, Tam Kỳ) được giao vốn quy hoạch năm 2021 nhưng không giải ngân hoặc giải ngân không hết, bị thu hồi về ngân sách trung ương nghiêm túc kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời bổ sung ngân sách cấp mình để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch dở dang nhằm đạt tiêu chí quy hoạch.
“Theo dự tính, bình quân mỗi xã của Quế Sơn sẽ chi khoảng 500 triệu đồng cho công tác này, trong đó có 350 triệu đồng do ngân sách tỉnh hỗ trợ.
Hiện nay, nguồn kinh phí của tỉnh cấp đã phân bổ đủ cho các xã, tuy nhiên đến thời điểm này mới chỉ có 2 xã Quế Mỹ và Quế Châu lập xong dự toán, đồ án quy hoạch trình cấp có thẩm quyền xem xét; các xã khác còn đang lấy ý kiến nhân dân, lập đồ án quy hoạch…” – ông Vân nói.
Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh, Quảng Nam có tổng cộng 194 xã thực hiện mô hình NTM. Không tính những xã đã sáp nhập và một số xã đã lên phường, thị trấn thì trong giai đoạn 2010 – 2021 toàn tỉnh có 117 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Hội đồng thẩm định cấp tỉnh đang hoàn tất hồ sơ trình UBND tỉnh quyết định công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn NTM năm 2022. Đáng chú ý, do hầu hết xã của tỉnh quy hoạch xây dựng NTM từ năm 2012 – 2013 nên đến nay kỳ quy hoạch đã hết. Trước đây, quy hoạch xây dựng NTM theo quy định cũ, bây giờ các hướng dẫn về quy hoạch đã thay đổi nhiều khiến hàng loạt xã bị rớt chuẩn.
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, giai đoạn 2021 – 2023 tổng nguồn vốn thực hiện tiêu chí số 1 về quy hoạch mà UBND tỉnh đã cấp cho các huyện, thị xã, thành phố là 49,3 tỷ đồng.
Tính đến giữa tháng 5/2023, UBND cấp huyện đã phân bổ cho các chủ đầu tư để thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch NTM là 108/159 xã với tổng kinh phí gần 24,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 49,2% (có 3 địa phương chưa phân bổ vốn để các xã thực hiện là Núi Thành, Tam Kỳ, Hội An).
Theo ông Ngô Tấn, trong số 49,3 tỷ đồng do ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng xã NTM thì đến nay cả tỉnh mới chỉ giải ngân được hơn 3,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,21%.
Đáng quan tâm, trong số 9 xã được phân bổ kinh phí từ năm 2021 nhưng đến giữa tháng 5/2023 chỉ có 1 xã giải ngân đạt 100% là Đại Minh (Đại Lộc); còn lại 8 xã không giải ngân hoặc giải ngân chưa hết, số vốn dư sẽ bị thu hồi vì theo quy định không được chuyển nguồn quá một năm.
Cụ thể, xã Trà Dương (Bắc Trà My) giải ngân 142/300 triệu đồng, Tam Thái (Phú Ninh) 182/300 triệu đồng, Duy Phước (Duy Xuyên) 240/300 triệu đồng, Quế Châu (Quế Sơn) 288/300 triệu đồng; các xã Quế Lâm (Nông Sơn), Điện Quang (Điện Bàn), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bình Lãnh (Thăng Bình) mỗi địa phương được phân bổ 300 triệu đồng nhưng không giải ngân đồng nào.
Vì sao chậm tiến độ?
Mới đây, tại cuộc họp liên quan tình hình thực hiện chương trình NTM do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì, các ý kiến cho rằng có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng xã NTM ở hầu hết địa phương của Quảng Nam.
Theo đó, một số phòng, ban ở cấp huyện chậm tham mưu phân bổ nguồn kinh phí quy hoạch cho cấp xã. Đáng chú ý, nhiều địa phương chưa nắm chắc tỷ lệ hỗ trợ, mức hỗ trợ quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh (ngân sách trung ương và tỉnh hỗ trợ 70% nhưng không quá 350 triệu đồng) nên bố trí vượt định mức.
Ông Ngô Tấn cho biết, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch NTM bị chi phối bởi nhiều luật nên chính quyền các địa phương còn lúng túng trong quá trình tổ chức triển khai. Trong khi đó, thực hiện quy hoạch phải theo quy trình, trình tự thực hiện yêu cầu phải có thời gian, nhất là thời gian lấy ý kiến nhân dân là khá dài.
Quan trọng hơn, thực tế cho thấy năng lực cán bộ cấp xã chưa đảm bảo trong việc lập nhiệm vụ quy hoạch; sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương chưa cao, không ít nơi còn phó thác cho đơn vị tư vấn tự thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch NTM.
Chưa nói đến chuyện, một số đơn vị tư vấn cùng lúc thực hiện cho nhiều xã và có không ít đơn vị chưa có nhiều năng lực tư vấn ở lĩnh vực quy hoạch nên dẫn đến tiến độ, chất lượng không đảm bảo.
Để hoàn thành mục tiêu rà soát quy hoạch trong năm 2023, ông Ngô Tấn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh (đối với những xã nằm trong quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai) cùng các ngành liên quan, quan tâm bố trí cán bộ hỗ trợ, góp ý sớm các nhiệm vụ, đồ án cho các xã.
Sở Xây dựng tiếp tục tổ chức tập huấn quy hoạch cho các địa phương; đồng thời tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn trong công tác rà soát quy hoạch, nhất là khớp nối với quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai…