Màn đêm buông xuống, cơn mưa đầu mùa như trút nước khiến nhà báo Trịnh Thị Thùy Trang – phóng viên Phòng Báo điện tử Báo Kiên Giang có phần lo lắng khi một mình lái xe rời khu nuôi tôm công nghiệp của người dân xã Thuận Yên, TP. Hà Tiên (Kiên Giang).
Vừa lạnh vừa đói, con đường tối không một bóng người càng trở nên gập ghềnh và phải đến 21 giờ Thùy Trang mới về đến khách sạn tại TP. Hà Tiên để lưu lại chờ hôm sau tiếp tục thu thập tư liệu cho loạt bài dài kỳ “Quả ngọt từ tái cơ cấu nông nghiệp”. Đó chỉ là một trong nhiều lần nhà báo Thùy Trang vượt qua khó khăn trong công tác để thực hiện tác phẩm báo chí của mình.
11 năm công tác ở Báo Kiên Giang cũng là ngần ấy thời gian nhà báo Thùy Trang viết về lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Là phóng viên phụ trách địa bàn huyện nên Thùy Trang phải đi khá nhiều, trung bình mỗi tháng mất khoảng 10 ngày “trên từng cây số” đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Nhà báo Thùy Trang cho biết: “Mảng đề tài tôi phụ trách rất rộng, từ trồng trọt, chăn nuôi, tất cả mọi thứ liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Muốn phản ánh được hay, người làm báo phải sâu sát, hiểu rõ tập quán sản xuất cũng như liên tục nắm được các chương trình, chính sách mới liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Kiên Giang đang trên đà công nghiệp hóa mạnh mẽ, nhưng tam nông vẫn là câu chuyện đầy trăn trở về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng nông thôn mới… Vì thế, tam nông luôn là đề tài được quan tâm, nhiều chủ đề thời sự liên quan lĩnh vực này thường thu hút sự chú ý của bạn đọc.
Nhà báo Trương Mi Ni – biên tập viên Phòng Thư ký tòa soạn Báo Kiên Giang hướng dẫn cộng tác viên tác nghiệp.
Nhà báo Trương Mi Ni – biên tập viên Phòng Thư ký tòa soạn Báo Kiên Giang chia sẻ: “Điều kiện giao thông một số nơi trong tỉnh còn nhiều khó khăn, nhiều đề tài đòi hỏi phóng viên Báo Kiên Giang phải mất nhiều thời gian để thực hiện, có khi phải ăn, ngủ nhờ nhà dân mấy ngày liền để thu thập tư liệu, thậm chí phải lái xe rất “siêu” và đi bộ rất giỏi để đi thu thập tư liệu, nếu cần vẫn phải băng ruộng lội kênh là chuyện thường. Phóng viên cũng có tài nhịn đói vì có chuyến đi qua nơi không có hàng quán, nhà cửa. Càng đi, càng viết nhiều, tôi càng thêm yêu nghề báo”.
Đến với vùng sâu, vùng xa, phóng viên Báo Kiên Giang góp phần tuyên truyền kinh nghiệm quý báu, cách làm giàu từ nông nghiệp của những tỷ phú “chân đất”. Những hình ảnh đẹp, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới của các địa phương được người làm báo đưa đến bạn đọc. Với những tác phẩm sinh động mang hơi thở cuộc sống, Báo Kiên Giang còn truyền đi cái tâm của nông dân trong sản xuất những hạt lúa, trái cây, tôm, cá… theo hướng an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Đồng chí Phan Kim Loan – Trưởng Ban Kinh tế – Xã hội Hội Nông dân tỉnh nói: “Báo Kiên Giang có đội ngũ phóng viên tâm huyết, yêu nghề, trách nhiệm với cộng đồng thể hiện qua từng bài viết, thậm chí có thời điểm nông sản “bí” đầu ra, phóng viên Báo Kiên Giang còn phối hợp Hội Nông dân tỉnh viết bài kêu gọi cộng đồng kịp thời giải cứu nông sản, hải sản, giúp nông dân vượt qua khó khăn”.
Báo Kiên Giang hiện có 26 phóng viên, biên tập viên, 100% là đảng viên nên công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên được chi ủy thường xuyên quan tâm, giúp phóng viên, biên tập viên vững vàng về tư tưởng, chính trị, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương của Đảng, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ.
Từ năm 2020-2023, hơn 160 lượt phóng viên, biên tập viên gửi tác phẩm dự các giải báo chí cấp tỉnh, khu vực và Trung ương, kết quả có hơn 70 lượt hội viên đoạt giải, phần lớn tác phẩm đoạt giải có nội dung viết về chủ đề tam nông. Một số tác phẩm đoạt giải để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc phải kể đến như “Kiên Giang trên đường phát triển: Góc nhìn từ nông nghiệp”, “Để ngư dân vươn khơi bám biển”, “Làm nông thời biến đổi khí hậu”, “Quả ngọt từ tái cơ cấu nông nghiệp”…
Bài và ảnh: AN LÂM