Vừa qua, khán giả Nha Trang – Khánh Hòa đã được thưởng thức một chương trình nghệ thuật có sự đan cài giữa âm nhạc và điện ảnh – đại nhạc hội “Đôi cánh diệu kỳ”. Các ca khúc như: “Bài ca tôm cá” (nhạc phim “Anh thầy ngôi sao” do Trọng Hiếu thể hiện), “Ngày chưa giông bão” (nhạc phim “Người bất tử” do Bùi Lan Hương thể hiện)… đã cho thấy phần nào chất lượng, sức hấp dẫn của nhạc phim.
Bên cạnh đó, tại đại nhạc hội “Đôi cánh diệu kỳ”, khán giả cũng đã được nghe Hoàng Dũng – Ái Phương trình diễn bản mashup (nhạc ghép) của các ca khúc “Từ đó” – “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” – “Cô gái đến từ hôm qua”. Ca từ bay bổng, chất nhạc trữ tình đã chuyển tải được tinh thần khung trời thơ mộng, những xúc cảm tuổi học trò của hương xa kỷ niệm trong các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Dù chưa thành những bản nhạc “hit”, nhưng những ca khúc trên đã thực sự bước ra khuôn khổ của một bộ phim để có đời sống độc lập riêng, không hề kém cạnh những ca khúc được sáng tác theo kiểu “đo ni đóng giày” cho ca sĩ ngôi sao.
Thật ra không phải đến bây giờ các ca khúc nhạc phim mới được đánh giá cao. Trong lịch sử âm nhạc thế giới có rất nhiều bản nhạc phim xuất sắc, có sức sống lâu bền trong lòng khán giả. Những người yêu nhạc Âu – Mỹ đều biết đến ca khúc “Unchained Melody”, nhưng không phải ai cũng biết nguyên bản đây là một ca khúc nhạc phim, thậm chí được chọn sử dụng trong 2 bộ phim khác nhau. Năm 1955, Alex North soạn nhạc và Hy Zaret đặt lời để sáng tạo nên ca khúc cho bộ phim “Unchained”. Ở thời điểm ra đời, ca khúc đã được nhiều khán, thính giả yêu thích. Nhưng phải đến khi được chọn làm ca khúc cho phim “Ghost” (Hồn ma) với sự thể hiện tuyệt vời của cặp song ca Bill Medley và Bobby Hatfield, “Unchained Melody” mới vượt khỏi khuôn khổ nhạc phim, trở thành một ca khúc kinh điển lan tỏa khắp thế giới. Có tuổi đời trẻ hơn, ca khúc “My heart will go on” (nhạc phim “Titanic”) do danh ca Celin Dion thể hiện đã trở thành một trong những ca khúc hay nhất mọi thời. Qua bao năm tháng, bản nhạc phim “Titanic” vẫn làm không ít trái tim thổn thức bởi dư vị ngọt ngào, say đắm của tình yêu. Ở khu vực châu Á, người Việt cũng yêu thích nhiều ca khúc nhạc phim Hoa ngữ, trong đó nổi tiếng nhất là ca khúc “Người đến từ Triều Châu” (phim “Bến Thượng Hải”).
Với Việt Nam, dù điện ảnh chưa phát triển bằng các nước khác, nhưng cũng đã có nhiều ca khúc nhạc phim rất nổi tiếng. Một trong những ca khúc nhạc phim nổi tiếng nhất kể từ năm 1975 đến nay chính là “Đời gọi em biết bao lần” được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho phim “Tội lỗi cuối cùng” của đạo diễn Trần Phương (ra đời năm 1979). Cùng với nhân vật Hiền “cá sấu” của nghệ sĩ Phương Thanh, ca khúc đã đóng đinh vào lòng người yêu phim, yêu nhạc. Khi giọng hát của nữ ca sĩ Lâm Xuân (một giọng nữ trầm của Sài Gòn những năm 1980) vang lên, khán giả không những được thấy hình ảnh nhân vật hiển hiện trong phim mà còn hình dung bao nhiêu thân phận đau thương khác đang bế tắc ngụp lặn trong giới giang hồ ở ngoài đời.
Ái Phương và Hoàng Dũng trong bản mashup “Từ đó – Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – Cô gái đến từ hôm qua”. |
Duyên nhạc phim của Trịnh Công Sơn chưa dừng lại ở đó. Năm 1981, đạo diễn Long Vân làm bộ phim “Cho cả ngày mai” đã mời Trịnh Công Sơn viết ca khúc chủ đề. Chưa viết nhạc thiếu nhi bao giờ, nhưng với tình thương đời thương người, nhạc sĩ họ Trịnh đã cho ra đời ca khúc “Em là bông hồng nhỏ” – một trong những ca khúc thiếu nhi xuất sắc nhất của âm nhạc Việt Nam. Một năm sau, ông tiếp tục để lại dấu ấn với điện ảnh bằng ca khúc “Vẫn có em bên đời” cho phim “Pho tượng” của đạo diễn Lê Dân (phim được giải đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983). Phim kể về tấm lòng bao dung của một cô y tá cách mạng đối với một người lính bên kia chiến tuyến. Sau một trận càn của địch vào căn cứ, cô y tá hy sinh khi đang chăm sóc cho thương binh. Đồng đội đã đẩy cô trên chiếc xuồng ba lá. Những ca từ và giai điệu da diết vang lên như cứa vào lòng của người xem đã giúp ca khúc được đông đảo công chúng yêu thích.
Nhắc đến các ca khúc nhạc phim của Việt Nam, người yêu nghệ thuật còn nhớ đến “Tóc gió thôi bay” (trong bộ phim cùng tên) của nhạc sĩ Trần Tiến, “Ngôi sao cô đơn” do nhạc sĩ Thanh Tùng sáng tác và nhiều ca khúc khác. Tuy nhiên, có một bộ phim không có ca khúc chủ đề nhưng đoạn bản nhạc mở đầu lại có sức hút lớn với khán giả suốt mấy chục năm qua. Đó là bản nhạc “Quân cờ di dộng” do nhạc sĩ Thanh Tùng (một người con tài hoa của đất Khánh Hòa) viết cho phim “Ván bài lật ngửa” (đạo diễn Khôi Nguyên). “Phân cảnh Nguyễn Thành Luân khoác chiếc áo măng tô và đội mũ phớt đen bước xuống từ chiếc xe hơi Citroën Traction Avant rồi bước đi trên con đường đầy lá rơi của rừng cao su dài hun hút trên nền nhạc chậm rãi và da diết như khắc họa nỗi suy tư của nhân vật đã đóng đinh vào lòng người hâm mộ. Track nhạc ấy đã góp phần không nhỏ vào thành công của bộ phim. Ngay sau khi phim được công chiếu, nhiều người đã tập chơi lại bản nhạc này”, anh Trường Huy – một người mê điện ảnh cho biết.
So với nhiều nền điện ảnh lớn, sự đầu tư về nhạc phim của điện ảnh Việt còn khiêm tốn. Nhưng vẫn còn đó một dòng chảy “nhạc phim” không ồn ào nhưng mạnh mẽ trong đời sống âm nhạc, góp phần giúp bức tranh nhạc Việt thêm thi vị!
XUÂN THÀNH