Chiều 22/6, trao đổi với VTC News, đại diện Tổng công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH Một thành viên (Saigontourist) cho biết, đơn vị này đã nộp đơn khởi kiện Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist ra TAND TP.HCM về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, theo Saigontourist, doanh nghiệp này đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền với tên “Saigontourist” trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist đã sử dụng nhãn hiệu “Saigontourist” và tên thương mại “Sài Gòn Tourist” là vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.
Việc này dẫn đến tình trạng khách hàng nhầm lẫn Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist là đơn vị thuộc hệ thống của Saigontourist, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của Saigontourist.
Đơn khởi kiện thể hiện, năm 2004, Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist đã sử dụng dấu hiệu “SAIGONTOURIST” để đặt tên tiếng Anh của công ty là “SAIGONTOURIST TRANSPORT CORPORATION”.
Tên thương mại của Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist có phát âm hoàn toàn giống cách phát âm của nhãn hiệu “Saigontourist” thuộc sở hữu của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn. Đồng thời, nghĩa của cụm từ “Sài Gòn Tourist” đồng nghĩa với nhãn hiệu “Saigontourist”.
“Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhầm lẫn nghiêm trọng rằng Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn là công ty con thuộc hệ thống Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn”, đơn khởi kiện của SaigonTourist nêu rõ.
Cũng theo đơn khởi kiện, năm 2006, Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist thành lập chi nhánh công ty với tên “Trung tâm Dịch vụ lữ hành Saigontourist” tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) để kinh doanh dịch vụ lữ hành và sử dụng dấu hiệu “SAIGONTOURIST” trong tên chi nhánh của công ty. Điều này gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho đối tác, người tiêu dùng rằng Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist trực thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.
“Tổng công ty Du lịch Sài Gòn là doanh nghiệp Nhà nước. Thương hiệu Saigontourist là thương hiệu quốc gia nhiều năm liền trong hoạt động lữ hành. Thông tin nhầm lẫn đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và uy tín của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn”, đại diện Saigontourist cho hay.
Trong năm 2016 – 2017, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã nhiều lần yêu cầu Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền đối với tên thương mại và nhãn hiệu có dấu hiệu “SAIGONTOURIST”.
Tuy nhiên, Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist không hợp tác, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến hoạt động của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.
Tháng 8/2018, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã mời đại diện Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist đến họp để giải quyết dứt điểm vụ việc. Theo biên bản họp, ông Kakazu Shogo – Tổng giám đốc Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist đã thừa nhận đã vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ trong việc sử dụng dấu hiệu “SAIGONTOURIST”.
Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã đề nghị Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist có văn bản cam kết lộ trình chấm dứt việc sử dụng tên thương mại và nhãn hiệu “SAIGONTOURIST và gửi cho đơn vị này trước ngày 30/9/2018.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist vẫn tiếp tục sử dụng tên thương mại và nhãn hiệu “SAIGONTOURIST”. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn quyết định khởi kiện.
Liên quan sự việc này, mới đây, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và các bên liên quan đã quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đối với Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist kể từ ngày 22/6 để xử lý các vi phạm.
Theo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hãng taxi này đã đã làm ảnh hưởng rất lớn tới uy tín, hình ảnh và thương hiệu của Cảng.
Trước đó, ngày 19/6, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM phối hợp Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Công an quận Tân Bình, TP.HCM) và lực lượng An ninh sân bay kiểm tra, xử lý các tài xế taxi vi phạm giá cước.
Cơ quan chức năng đã kiểm tra xe taxi của hãng taxi Sài Gòn Tourist và phát hiện có một công tắc phụ nằm dưới cần số gắn liền với đồng hồ tính tiền. Khi tài xế tác động nhiều lần vào công tắc thì đồng hồ nhảy cước lên gấp 10 lần so với giá thực tế.
Ngoài ra, một xe taxi khác của Công ty TNHH Vận tải Saigon Taxi cũng có một công tắc phụ nằm dưới cần số lái xe gắn liền với đồng hồ tính tiền. Mỗi lần tài xế vào số hoặc trả số lập tức giá cước tăng lên 3.000 đồng. Hai trường hợp này bị Thanh tra xử phạt tổng cộng 11 triệu đồng và tước phù hiệu taxi hai tháng.
ĐẠI VIỆT
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo