Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan
Ở nước ta hiện nay, báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách, với lực lượng báo chí cách mạng bao gồm 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia, 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí và 64 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc.
Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan thông tấn báo chí là một trong những giải pháp quan trọng được xác định tại Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”.
Gần đây nhất, tại Chỉ thị số 07-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường truyền thông chính sách cũng đã khẳng định: “Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách”.
Thủ đô Hà Nội là một đô thị lớn, dân số đông với vai trò là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế…
Chia sẻ với phóng viên về công tác truyền thông chính sách trên địa bàn Thủ đô, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội khẳng định, công tác truyền thông chính sách có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi chính sách khi triển khai trên địa bàn Hà Nội không chỉ tác động tới công dân của Thủ đô mà còn có sức ảnh hưởng và lan tỏa tới các tỉnh, thành, địa phương khác.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Sở TT&TT Hà Nội đã hướng dẫn các cơ quan báo chí thành phố; phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương tích cực tuyên truyền các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19…
Theo lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội, nhiều dự thảo chính sách có tác động lớn tới xã hội được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội. Đối với những vấn đề, chính sách được dư luận và báo chí quan tâm, Sở TT&TT đã kịp thời phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, đảm bảo tính công khai, minh bạch; phát hiện và xử lý thông tin sai sự thật, giúp báo chí phản ánh, thông tin trung thực, đầy đủ, kịp thời và tạo đồng thuận của người dân trong quá trình thực thi chính sách (các nội dung về Quy hoạch Thủ đô, Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô; các vấn đề về điều chỉnh giá nước sinh hoạt, học phí…).
Từ năm 2020 đến nay, Sở TT&TT Hà Nội đã phối hợp các doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp lan tỏa trên 25.800 lượt bài viết trên các trang thông tin điện tử tổng hợp có lượng bạn đọc lớn như baomoi, soha, tintuc, tinmoi…; đăng tải gần 6.700 tin bài lên tài khoản zalo “Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hà Nội” tương ứng với 1.16 tỷ lượt tiếp cận tài khoản người dùng zalo trên địa bàn thành phố; đăng tải 6.300 tin bài lên mạng xã hội Lotus.
Trong những thời điểm cần thông tin diện rộng (truy vết trong phòng chống dịch COVID-19, nhắc lịch bầu cử Quốc hội, HĐND…), với sự hỗ trợ của đơn vị cung cấp dịch vụ, Sở TT&TT đã thực hiện gửi 73 tin nhắn thông báo đến khoảng 8 triệu tài khoản zalo trên địa bàn Hà Nội, tương ứng với gần 590 triệu lượt tiếp cận người dùng.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT Hà Nội còn phối hợp với các cơ quan báo chí và các đơn vị liên quan phản bác lại các luận điệu sai trái; kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm để phối hợp xử lý; ngăn chặn, bóc, gỡ, những thông tin xấu, độc trên môi trường mạng.
Đặc biệt, thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội với chức năng đầu mối tổ chức hoạt động cung cấp thông tin báo chí của UBND thành phố và các Sở, ngành, quận/huyện/thị xã về các vấn đề dư luận xã hội đang bức xúc, quan tâm.
Trung tâm sẽ là kho tư liệu thông tin và truyền thông, giúp các cơ quan nhà nước thành phố và phóng viên, cơ quan báo chí cùng chia sẻ, khai thác thông tin; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác báo chí, tổng hợp, phân tích, xử lý và lưu trữ dữ liệu, từ đó có báo cáo đánh giá, đề xuất các giải pháp xử lý về truyền thông cho thành phố. Đây là cơ sở và cũng là điều kiện để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của thành phố, trong đó có truyền thông chính sách.
Ông Nguyễn Cao Thắng – Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hải Dương cho biết, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở TT&TT tỉnh tiến hành tập huấn công tác truyền thông chính sách cho đội ngũ cán bộ truyền thông tại Sở. Đối với các Sở, Ban, Ngành, UBND cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh, Sở TT&TT Hải Dương đã ký Quy chế phối hợp trong công tác truyền thông chính sách, đồng thời đề nghị các cơ quan trên bố trí 1 – 2 cán bộ chuyên trách là người am hiểu về chính sách, được tập huấn thêm nghiệp vụ truyền thông để phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT trong công tác truyền thông chính sách.
Theo Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hải Dương, thời gian qua các cơ quan báo chí, truyền thông cũng đã tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch đến với đông đảo nhân dân, góp phần đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; Chủ động đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy cái tích cực, đẩy lùi cái tiêu cực” góp phần ổn định xã hội, tâm lý người dân tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước, định hướng dư luận xã hội, phản biện trong xây dựng chính sách, pháp luật; Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hoạt động truyền thông chính sách.
Qua gần 1 năm thực hiện, Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, giai đoạn 2022 – 2027” đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đưa chính sách vào đời sống, phục vụ hữu ích cho môi trường kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh.
Bà Trần Thị Lộc – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn chia sẻ, với chức năng, nhiệm vụ được Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy phân công, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn đã chủ động tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch báo chí trên địa bàn; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương liên quan đến hoạt động của cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo; thường xuyên định hướng, tổ chức giao ban báo chí để đánh giá, rà soát cũng như triển khai các nhiệm vụ, trong đó có công tác truyền thông về chính sách theo Chỉ thị số 7/CT-TTg, ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương định kỳ, hoặc đột xuất đã ký kết kế hoạch, chương trình phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn cũng ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền với 08 cơ quan báo chí ở Trung ương. Qua các hoạt động phối hợp đã kịp thời truyền tải công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, chủ trương, chính sách, quảng bá hình ảnh nhằm thu hút đầu từ vào các lĩnh vực mà tỉnh Bắc Kạn có tiềm năng, lợi thế…
Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn cũng quan tâm để xây dựng các cơ quan báo chí của tỉnh hoạt động chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện phương thức truyền thông đa phương tiện.
Hiện nay, Báo Bắc Kạn ngoài xuất bản báo in, đã có Báo Bắc Kạn điện tử, xây dựng tài khoản Zalo Official Account “BBK”; Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đều xây dựng trang thông tin điện tử tổng hợp. Từ thực tiễn triển khai thực hiện, công tác truyền thông chính sách thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và phương thức truyền thông đa phương tiện đã cho thấy hiệu quả rất tích cực.
Cơ chế đặt hàng cho báo chí là hình thức hợp tác văn minh, hiệu quả!
Tại một báo cáo về công tác truyền thông chính sách đã chỉ ra rằng, báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Hiện việc đặt hàng truyền thông chính sách bằng nguồn ngân sách nhà nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do ngân sách còn eo hẹp, trong khi đó nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp… khiến cho công tác truyền thông chính sách chưa đạt được yêu cầu và hiệu quả đặt ra.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị về công tác truyền thông chính sách, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã từng khẳng định, phải nâng cao nhận thức về truyền thông chính sách, vị trí, vai trò của truyền thông chính sách. Công tác truyền thông không chỉ là cơ quan báo chí mà là nhiệm vụ của các cơ quan, bộ, ngành. Phải đổi mới tư duy cách làm, cách nghĩ, cách tiếp cận, sát thực tiễn, sát điều kiện khả năng, bối cảnh của đất nước, con người Việt Nam.
Về việc tăng cường đội ngũ truyền thông ở các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu các văn bản pháp luật, các bộ ngành cũng cần quan tâm, cơ cấu lại vị trí việc làm, nâng cao năng lực cán bộ.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo phải bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào ngân sách chi thường xuyên; tăng cường đặt hàng các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách.
Trước những yêu cầu cấp thiết cho công tác truyền thông chính sách, ông Hà Ngọc Văn – Tổng Biên tập Báo Yên Bái cho rằng, báo chí chính thống nói chung là những cơ quan truyền thông mà nhiệm vụ chính là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh đấu tranh chống những luận điểm sai trái để bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, bối cảnh khó khăn về nguồn thu như hiện nay thì cần có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh là giải pháp để thúc đẩy các cơ quan báo chí nâng cao tính tự chủ cũng như chủ động thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Cao Thắng – Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hải Dương cho rằng, đặt hàng cho báo chí là hình thức hợp tác văn minh, hiệu quả và cần áp dụng rộng rãi, không chỉ riêng truyền thông chính sách. Đặt hàng là một hình thức cam kết, một dạng hợp đồng với quyền, trách nhiệm rõ ràng nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể.
“Thực hiện cơ chế đặt hàng, cơ quan quản lý nhà nước có quyền tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu mà nhà thầu là các báo, đài. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí có thể cạnh tranh sòng phẳng, và cũng đòi hỏi báo chí phải cải thiện về cả chất lượng nội dung, chi phí, hiệu quả… Ngược lại, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải đưa ra “bài thầu” rõ ràng, tách bạch nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ chuyên môn, dịch vụ…”, ông Thắng phân tích.
Chia sẻ thêm về việc xác định mục tiêu trong truyền thông chính sách, ông Nguyễn Cao Thắng khẳng định việc đặt ra mục tiêu truyền thông rất quan trọng. “Đó không chỉ là có bao nhiêu bài báo, mà là phải xác định cụ thể: đối tượng mục tiêu của thông tin là ai? Họ gồm bao nhiêu người? Các tác phẩm báo chí “đến tay” bao nhiêu phần trăm đối tượng mục tiêu? Sau khi tiếp nhận thì họ đã hiểu rõ chủ trương, chính sách chưa, có làm theo chủ trương, chính sách đó chưa… Xác định rõ mục tiêu mới có cơ sở để đánh giá hiệu quả phối hợp, cung cấp thông tin”, ông Thắng chỉ ra.
Ngoài ra theo ông Thắng, để Nhà nước và báo chí là đối tác chặt chẽ, thì trước hết về phía cơ quan nhà nước phải chủ động, tích cực trong việc thông tin để công khai, minh bạch, tương tác hai chiều với đối tượng của chính sách, người dân để xây dựng, thực thi cơ chế chính sách vì lợi ích chung; Tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để lan tỏa thông tin chính thống, tích cực trên báo, trên mạng…
Về phía các cơ quan báo chí cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước trong công tác truyền thông chính sách; không ngừng đổi mới nội dung, cách thức truyền thông theo hướng thiết thực, hiệu quả; đặc biệt quan tâm truyền thông chính sách pháp luật từ sớm, từ xa ngay từ khâu dự thảo và đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới.
Trong khi đó, chia sẻ về công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách tại địa phương hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Mai Hương – Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, hiện nay trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp. Việc cấp kinh phí chủ yếu bố trí trong kinh phí thường xuyên hàng năm, hoặc theo vụ việc, chủ yếu lồng ghép vào nhiệm vụ của từng đơn vị, chưa có “mũ” chi ngân sách được quy định rõ dành cho công tác truyền thông chính sách.
Để giải quyết vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, đơn vị đã chủ động nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, Sở TT&TT Hà Nội vẫn thường xuyên tổ chức Hội nghị hoặc các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công tác truyền thông, xử lý khủng hoảng.
Có thể thấy rằng, truyền thông chính sách là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí trong xây dựng, tổ chức thực hiện, đánh giá để mọi chính sách đến với nhân dân theo tinh thần dân là gốc, “Dân biết – Dân hiểu – Dân tin – Dân theo – Dân làm”. Để thực hiện tốt điều này rất cần sự chung tay góp sức từ các bộ, ngành, địa phương.
Hà Đương – Đắc Nguyên – Thành Vinh