Công tác cai nghiện đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực thực hiện và có bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vấn đề người cai nghiện xong trở về cộng đồng và quản lý sau cai nghiện vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Các học viên tham gia học nghề tại cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Thanh Hóa.
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có trên 6.300 người nghiện ma túy, trong đó có gần 1.000 người đang chữa trị, cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy; hơn 100 người đang bị giam giữ tại các trại giam trên địa bàn tỉnh. Như vậy, vẫn còn trên 5.000 người đang sinh sống trong cộng đồng. Thực hiện Luật Phòng chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính; các chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; các nghị định của Chính phủ; các thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về công tác cai nghiện ma túy, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện. Đồng thời thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo 138 tỉnh nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và cai nghiện ma túy. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; triển khai thực hiện toàn diện các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy; quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng…
Để công tác cai nghiện đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh thường xuyên rà soát, xây dựng, ban hành các nội quy, quy chế, quy trình tiếp nhận, quản lý học viên; thực hiện đảm bảo các bước về tiếp nhận, quản lý đối với học viên đang cai nghiện, chữa bệnh tại cơ sở. Những học viên đạt kết quả tốt được xem xét đề nghị giảm hoặc miễn thời gian cai nghiện theo quy định. Người nghiện ma túy sau khi hết thời gian cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện được bàn giao về cho gia đình và chính quyền địa phương để quản lý. Công tác quản lý sau cai được triển khai bằng nhiều hình thức như: hướng dẫn, giúp đỡ người sau cai nghiện phòng, chống tái nghiện; tư vấn để họ thay đổi hành vi, nhân cách; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm và tạo điều kiện để người sau cai nghiện tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên người sau cai nghiện để họ yên tâm, hòa nhập cộng đồng; thường xuyên khảo sát, thống kê, cập nhật để nắm chắc số lượng và diễn biến tình hình nghiện ở từng cụm dân cư, tổ dân phố để mọi người nghiện ma túy đều được theo dõi, quản lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, những năm gần đây, người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, nhất là ma túy tổng hợp dạng “đá” vẫn có xu hướng gia tăng trong giới trẻ, một bộ phận thanh, thiếu niên cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp không gây nghiện và không bị lệ thuộc nên thường xuyên lợi dụng việc tổ chức sinh nhật, liên hoan, karaoke… Mặt khác, sự hiểu biết về ma túy và các vấn đề riêng liên quan đến công tác cai nghiện ma túy với đa số gia đình có người nghiện chưa đầy đủ. Ở một số địa phương, công tác cai nghiện phục hồi chưa được cấp ủy, chính quyền thực sự quan tâm; hoạt động cai nghiện ở các xã, phường, thị trấn chủ yếu là ra quyết định và tập trung vào cắt cơn giải độc, chưa đánh giá được nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện cho từng người; các hoạt động hỗ trợ sau cai nghiện chưa được chú trọng… Đặc biệt, gia đình có người nghiện đóng vai trò then chốt trong công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Song, đa số không có kiến thức về ma túy và cai nghiện ma túy; chưa được hướng dẫn các kỹ năng giúp đỡ, động viên con em mình cai nghiện và dự phòng tái nghiện. Vì vậy, họ hầu như không có biện pháp gì có thể giúp con em đoạn tuyệt với ma túy.
Để việc quản lý các đối tượng sau cai đạt hiệu quả cao, các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tạo sự đồng thuận và chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động và các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời nâng cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác quản lý sau cai nghiện ma túy. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy nhằm kiềm chế gia tăng người sử dụng, người nghiện ma túy mới; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội sau cai nghiện; phòng, chống tái nghiện. Tập trung đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và nâng cao hiệu quả, chất lượng nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phòng ngừa, hạn chế, tiến tới giảm phát sinh người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp; kết hợp hình thức tuyên truyền truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền nhằm mang lại hiệu quả cao; chú trọng phổ biến, nêu gương các tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt công tác phòng, chống ma túy. Tiếp tục tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; vận động người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện; phát hiện người nghiện ma túy vi phạm các quy định về cai nghiện, điều trị nghiện trên địa bàn để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; phối hợp chặt chẽ trong công tác lập hồ sơ, xét duyệt đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Hỗ trợ và tổ chức điều trị cai nghiện ma túy bằng các hình thức phù hợp với từng loại đối tượng, địa bàn. Kiện toàn tổ chức bộ máy cho đội ngũ làm công tác cai nghiện ma túy nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai.
Bài và ảnh: Trần Hằng