Chính phủ vừa ban hành nghị định số 36 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Doanh nghiệp vẫn kiến nghị Chính phủ sớm xem xét quyết định phương án giảm 50% lệ phí trước bạ.
Nghị định nêu rõ, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và 9 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Thời gian gia hạn được tính kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật đến hết ngày 20-11-2023. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31-12-2023.
Nghị định cũng quy định, nếu doanh nghiệp ô tô khai bổ sung trong kỳ tính thuế được gia hạn, gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn được gia hạn, thì số thuế được gia hạn sẽ bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm.
Nếu doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế tiêu thụ đặc biệt riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cũng sẽ thuộc đối tượng được gia hạn.
Tuy nhiên, với chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô tô thì sẽ không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo quy định, các doanh nghiệp nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi giấy đề nghị nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Giấy đề nghị gia hạn sẽ áp dụng một lần cho toàn bộ các kỳ được gia hạn.
Với nghị định này, cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trường hợp trong thời gian gia hạn, với những doanh nghiệp không thuộc đối tượng được gia hạn, cơ quan thuế có văn bản thông báo cho người nộp thuế về việc dừng gia hạn.
Người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn, người nộp thuế phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp do cơ quan thuế xác định lại vào ngân sách nhà nước.
Như tờ trình của Bộ Tài chính trước đó, với phương án gia hạn nộp thuế nêu trên, dự kiến số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bình quân 1 tháng phát sinh ở các tháng tiếp theo năm 2023 khoảng 2.600 – 2.800 tỉ đồng/tháng.
Theo đó, tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giãn nộp thuế như phương án đề xuất khoảng 10.400 – 11.200 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một số hãng xe trong nước cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang gặp khó khăn do lượng tiêu thụ xe giảm đáng kể, việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi và phát triển kinh doanh.
Với nguồn tiền được gia hạn, giãn nộp thuế, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ có thêm dư địa để đưa ra các chính sách kích cầu tiêu dùng, giảm giá để hỗ trợ người mua xe ô tô.
Tuy nhiên, cùng với chính sách này, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần sớm xem xét quyết định phương án giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô để giảm giá xe ô tô, kích thích tiêu dùng trong mùa mua sắm cuối năm.