Khách Hàn Quốc ngày càng thích đến Việt Nam và một trong những lý do nổi bật là họ dễ tìm thấy “không khí quê nhà” ở nơi đến.
Dựa trên dữ liệu của ứng dụng đặt phòng của Agoda, CEO Omri Morgenshtern hồi giữa tháng 6 chỉ ra ngày càng nhiều khách Hàn đổ đến Việt Nam du lịch, bên cạnh điểm đến yêu thích trước dịch là Thái Lan.
Trong 5 tháng đầu năm, Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với hơn 1,3 triệu lượt, chiếm 30% tổng lượng khách quốc tế (4,6 triệu lượt) và bằng 73% so cùng kỳ 2019. Năm 2022, khách Hàn Quốc cũng giữ vị trí quán quân với gần 770.000 lượt trên tổng 3,66 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo Morgenshtern, trong hai thập kỷ qua số lượng các nhà máy mở tại Việt Nam ngày càng tăng giúp người Hàn biết đến nơi này nhiều hơn. Còn bà Vũ Bích Huệ, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Du lịch Flamingo Redtours, cho rằng chính sách miễn thị thực đối với khách Hàn là lý do hàng đầu giúp Việt Nam thành điểm đến yêu thích.
“Ngày càng có nhiều doanh nhân, chuyên gia Hàn Quốc đầu tư, làm việc tại Việt Nam. Họ gián tiếp trở thành những đại sứ quảng bá cho ngành du lịch”, bà Huệ nói.
Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng chia sẻ Việt Nam đã đẩy mạnh việc quảng bá, tiếp thị du lịch tới khách hàng Hàn Quốc thông qua nhiều chiến dịch truyền thông. Các chương trình truyền hình thực tế hút khách tại Hàn Quốc nhiều lần nhắc đến Việt Nam. “Đây là yếu tố thúc đẩy người Hàn đến Việt Nam du lịch”, bà Hoàng nói.
Trong chương trình “Battle Trip” được phát sóng trên KBS (một trong ba đài lớn nhất Hàn Quốc), chuyến đi tới Đà Nẵng của hai nữ nghệ sĩ Oh Hyun Kyung và Jung Si Ah giúp thành phố này dẫn đầu trong top 10 điểm đến được khán giả Hàn yêu thích.
Cũng theo bà Hoàng, người Hàn “rất dễ dàng tìm thấy không khí Hàn Quốc tại Việt Nam”. Nhiều cơ sở kinh doanh treo bảng hiệu tiếng Hàn như quán thịt nướng, cà phê, thẩm mỹ viện. Những điểm này không chỉ có quản lý là người Việt Nam mà còn có người Hàn giúp việc, thuận tiện phục vụ khách Hàn.
Thời gian bay ngắn 5 tiếng cũng giúp Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn của người dân Hàn Quốc. Một số hãng hàng không bắt đầu khai thác các chuyến thường nhật Busan – Đà Nẵng, giúp công suất chuyến bay tăng 86% so cùng kỳ năm 2022. Giá vé rẻ cũng là yếu tố quyết định, khi một chiều chặng Incheon – Tân Sơn Nhất rơi vào khoảng 2,9 triệu đồng (hãng giá rẻ). Với hãng lớn, giá vé dù gấp đôi vẫn được cho là “hợp lý” với người Hàn.
“Giá phòng khách sạn, ẩm thực, mua sắm cùng nhiều hoạt động du lịch mà không tốn quá nhiều tiền là một lợi thế lớn đối với du khách Hàn Quốc”, đại diện Vietravel nói.
Trước dịch, khách Hàn lần đầu đến Việt Nam thường ghé thủ đô Hà Nội và TP HCM. Hiện họ đến thẳng Đà Nẵng, Phú Quốc hoặc Nha Trang. Cả ba đều là điểm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng, cách xa đám đông nhộn nhịp của các thành phố lớn, một quan chức cấp cao của công ty du lịch top đầu của Hàn Quốc Hanatour cho biết.
Đà Nẵng, thành phố được mệnh danh “đáng sống nhất Việt Nam” trong ấn tượng của người Hàn là điểm đến với những bãi biển tuyệt đẹp, lối đi bộ ven sông rộng rãi và ẩm thực đường phố cùng nhiều khu nghỉ sang trọng, chỗ ở thân thiện.
Phú Quốc là điểm đến phổ biến với các loại hình thể thao dưới nước. Khách Hàn Quốc có thể đi bộ xuyên các dãy núi với cây cối tươi tốt, những khu rừng khắp đảo. Thưởng thức các bữa tiệc hải sản tươi sống cùng đặc sản nước mắm là điểm nhấn khác mà khách quốc tế biết về hòn đảo này.
Theo Korea Herald, Nha Trang hiện thành điểm đến du lịch dài ngày của giới trẻ Hàn Quốc, nhờ các điểm đến văn hóa hấp dẫn để khám phá vào ban ngày và hoạt động giải trí đêm sôi động.
Theo bà Hoàng, Việt Nam cần đảm bảo dịch vụ du lịch đáp ứng được tiêu chuẩn cao của khách Hàn. “Chúng ta cần đào tạo nhân lực về việc phục vụ khách quốc tế, chú trọng vấn đề ngôn ngữ, tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá với khách Hàn Quốc”, bà nói.
Ngoài ra, ngành du lịch cần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các loại hình du lịch văn hóa, mạo hiểm, nghỉ dưỡng và ẩm thực cũng như các trải nghiệm độc đáo, khác biệt.
Bà Hoàng cho biết hiện khách Hàn Quốc chủ yếu đi du lịch tự túc hoặc đặt qua các công ty Hàn Quốc có đại diện tại Việt Nam. Các công ty du lịch Việt khó đón được khách Hàn. Nếu khách Hàn mua tour tại Việt Nam, họ chủ yếu mua các tour trong ngày, nhỏ lẻ.
Để giải quyết vấn đề này, bà Hoàng cho rằng các công ty du lịch Việt cần tăng cường hợp tác với các công ty Hàn Quốc để tạo ra các gói tour hấp dẫn, thuận tiện cho khách du lịch. “Xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá, tiếp thị du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc là điều chúng ta cần làm”, bà Hoàng nói.
Phương Anh