Thông báo trên Twitter ngày 22.6, Tuần duyên Mỹ khu vực Đông Bắc cũng cho biết các chuyên gia tại trung tâm chỉ huy tìm kiếm cứu hộ đang đánh giá thông tin. Việc phát hiện “vùng mảnh vỡ” diễn ra sau khi tàu lặn thám hiểm Titan, chở theo 5 người bên trong, được cho là đã cạn kiệt ô xy dự phòng sau 4 ngày mất tích.
Trước đó, AFP cho biết một tàu nghiên cứu của Pháp, được trang bị một ROV có tên là Victor 6000, đã đến khu vực gần xác tàu Titanic ở Bắc Đại Tây Dương hôm 22.6 để hỗ trợ tìm kiếm. Thiết bị này có thể tìm kiếm ở độ sâu tới 6.000 mét dưới mặt biển. Theo ông Rob Larter, chuyên gia hàng hải tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, Victor 6000 là “hy vọng chính” trong một cuộc tìm kiếm dưới nước.
Tuần duyên Mỹ cũng cho hay tàu Horizon Arctic của Canada cũng đã triển khai một ROV của họ. Lực lượng dự định tổ chức họp báo trong ngày 22.6 để cung cấp thông tin về phát hiện mới nhất.
Hiện thông tin chi tiết vẫn chưa được xác nhận nhưng theo phóng viên James Mathews của Sky News, tình hình có vẻ không lạc quan. “Thành thật mà nói, việc sử dụng từ ‘mảnh vỡ’ nghe có vẻ không hay chút nào. Trong một tình huống và ở độ sâu mà áp lực nước rất lớn, điều đó có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho tàu thuyền”, ông nói.
Tuần duyên Mỹ ngày 22.6 khẳng định họ vẫn “hy vọng” xác định được vị trí của tàu lặn Titan và tìm thấy toàn bộ người bên trong còn sống, song những thách thức mà lực lượng cứu hộ phải đối mặt càng ngày càng lớn, theo AFP.
Theo Tuần duyên Mỹ, tàu lặn Titan – do công ty thám hiểm OceanGate Expeditions vận hành – bắt đầu đi xuống đáy biển ở ngoài khơi bờ biển phía đông Mỹ – Canada, với 5 người bên trong, vào lúc 8 giờ ngày 18.6 để tham quan xác tàu Titanic. Tàu dự kiến sẽ nổi lên sau đó 7 giờ, song chưa đầy 2 tiếng sau khi khởi hành, nó đã mất liên lạc với tàu mẹ.