Một trạm thời tiết ở vùng ngoại ô phía nam được coi là thước đo chính của Bắc Kinh đã ghi nhận 40,7 độ C vào lúc 2h30 chiều thứ Năm giờ địa phương, lần đầu tiên chạm ngưỡng 40 độ C kể từ ngày 29 tháng 5 năm 2014. Thậm chí vào lúc 3h19 chiều, nhiệt độ còn tăng lên 41,1 độ C.
Thậm chí, hôm nay còn đã trở thành ngày nóng nhất của Bắc Kinh trong tháng 6 kể từ khi các hồ sơ khí tượng hiện đại bắt đầu xuất hiện. Mức cao nhất mọi thời đại trước đó được ghi lại vào ngày 10 tháng 6 năm 1961, khi nhiệt độ tăng lên 40,6 độ C.
“Trước đây, trời chưa bao giờ nóng như thế này vào tháng 6, nhưng bây giờ nóng đến mức tay tôi run lên”, một người dùng mạng xã hội Weibo viết. “Có phải ba mặt trời đang chiếu sáng Bắc Kinh lúc này không?”, một người khác viết.
Tại thị trấn nhỏ Tanghekou ở phía đông bắc Bắc Kinh, nhiệt độ thậm chí lên tới 41,8 độ C, giành danh hiệu điểm nóng nhất ở Trung Quốc vào thứ Năm.
Bắc Kinh, thành phố có gần 22 triệu dân, đã đưa ra cảnh báo màu da cam, cảnh báo thời tiết cao thứ hai, cho biết nhiệt độ có thể lên tới 39 độ C từ thứ Năm đến thứ Bảy.
Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc và Sơn Đông ở miền bắc và miền đông Trung Quốc đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng vào tuần trước, với việc cơ quan thời tiết quốc gia đưa ra cảnh báo về say nắng, sớm hơn gần hai tuần so với những năm trước.
Các đợt nắng nóng cũng khiến các cơ quan chức năng tăng cường nỗ lực bảo vệ mùa màng, đảm bảo an toàn cho khách du lịch và tạm dừng các hoạt động ngoài trời vào thời điểm nóng nhất trong ngày.
Cơ quan thời tiết của Bắc Kinh kêu gọi mọi người “tránh tập thể dục ngoài trời trong thời gian dài… và thực hiện các biện pháp hiệu quả để che chắn khỏi ánh nắng mặt trời”.
Tại Thiên Tân, một thành phố cảng với dân số hơn 13 triệu người, nhu cầu điều hòa không khí tăng cao đã đẩy tải điện lưới lên 14,54 triệu kilowatt vào ngày 15 tháng 6, tăng 23% so với một năm trước đó; khiến thành phố này phải điều động công nhân tuần tra các đường hầm dưới lòng đất hàng ngày để đảm bảo dây cáp điện hoạt động tốt.
Hôm thứ Năm, nhiệt độ ở quận nội thành Thiên Tân lên tới 41,2 độ C, phá kỷ lục địa phương. Thành phố cũng đã đưa ra một cảnh báo màu da cam. Các quan chức cho biết “công chúng nên duy trì nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng ngừa” chống lại các cơn đột quỵ do sóng nhiệt.
Các nhà khoa học cho biết nhiệt độ toàn cầu tăng – chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch – đang làm trầm trọng thêm thời tiết khắc nghiệt trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia ở châu Á đang phải trải qua những đợt nắng nóng chết người và nhiệt độ kỷ lục trong những tuần gần đây.
Huy Hoàng (theo CNA, Reuters)