Trước khi thân quen với họa sĩ Chế Kim Trung, tôi tình cờ gặp một phụ nữ Thái Lan tại một khách sạn cao cấp. Lúc ấy, tại khu tiếp tân, tôi bị thôi miên bởi một bức tranh sơn dầu Cô gái Tràng An mang yếm đào đang cầm cành hoa sen. Tôi cứ đứng tần ngần trầm ngâm trên 15 phút, khi nhìn lại hình ảnh người thiếu nữ xưa với vẻ đẹp dịu dàng. Cũng đã lâu rồi, tôi mới được trải lòng khi nhìn bức tranh mang hồn quốc túy. Đó lả vẻ đẹp “chim sa, cá lặn” một thời, bây giờ không còn nữa, mà nếu còn chỉ là màn dựng lại để quay phim, chụp ảnh.
Thiếu nữ Chăm ở chân tháp Pôrêmê |
Trong khách sạn có cả tây lẫn ta, nên nhiều lúc phải tránh né mấy vị mắt xanh, tóc vàng để khỏi nói tiếng Anh “mỏi mồm”. Tuy nhiên vẫn không thoát, vì bên cạnh tôi là một phụ nữ châu Á khá đẹp mang kính cận, mặc bộ y phục Thái Lan sang trọng cũng yên lặng xem tranh. Nghĩ là người đồng cảm về hội họa nên tôi quay sang làm quen và chào bằng tiếng Anh “Xin lỗi, bà là người Thái!” “Ô không! Tôi là người Việt, thế ông là người Campuchia à?” người phụ nữ trả lời bằng tiếng Anh lưu loát. Tôi phá lên cười, rốt cuộc cả hai chúng tôi là người Việt. Và mọi người biết không! Người phụ nữ “Thái” này, chính là tác giả của bức tranh Cô gái Tràng An pha trà. Là người có mẫu số chung về mỹ thuật, nên hai chúng tôi trở thành thân nhau như tiền kiếp.
Mấy hôm sau người phụ nữ “Thái” tình nguyện làm hướng dẫn viên dẫn chúng tôi đi dọc bờ biển Ninh Chữ, lên đền tháp Pôklong Garai, Pôrêmê, lội bộ trong xóm làng Chăm ở Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp và cuối cùng trở về thăm phòng tranh tại trung tâm thành phố Phan Rang, được nghe chiều dài câu chuyện của người phụ nữ “Thái” tài hoa này.
Người phụ nữ “Thái” tên là Chế Kim Trung, sinh năm 1971, dân tộc Chăm, dáng người quý phái, cao ráo là thạc sĩ ngành mỹ thuật. Ở Việt Nam mình, họa sĩ nữ không nhiều, nhưng họa sĩ nữ có học, người dân tộc thiểu số lại càng ít hơn. Đối với lao động nghệ thuật, người xem tranh đánh giá về gam màu, nét cọ, hồn người bằng thực tế chứ không có ưu tiên cho các sắc dân vùng miền. Vì vậy, việc một bức tranh thôi miên được người xem trân trọng là một điều quý hiếm, nhất là tranh tái hiện lễ hội và văn hóa của một thời cổ sử lại tăng thêm giá trị. Thạc sĩ Kim Trung dẫn tôi giới thiệu hết phòng tranh, kèm theo lời giải thích về văn hóa, hồn cốt của dân tộc mình được tái hiện như: Lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ hội đầu năm, lễ hội cầu mưa, lễ hội Ka Tê…
“Cũng như những phụ nữ Chăm bình thường, tốt nghiệp đại học sư phạm năm 1994, rồi xin về Trung tâm Hướng nghiệp Ninh Thuận, dạy hội họa, mỹ thuật, thiết kế thời trang… cũng từ cây cọ của nghề đã đưa mình đến thế giới màu sắc. Trong giấc ngủ, mình cứ chập chờn về những vũ điệu Chăm dịu dàng theo âm điệu tiếng trống Paranưng, Ghinăng, tiếng kèn Saranai say đắm. Rồi lại có những giấc mơ về màu gốm tươi hồng long lanh hạt cát vàng Bầu Trúc… có khi đâu đó vang lên tiếng hát của các cô gái với sắc màu thổ cẩm. Thế là mình vùng dậy vẽ. Màu sắc từ ký ức cứ tràn về.… mình đắm đuối vẽ những hình ảnh sống dậy từ quê hương mình đang sống. Thời gian trôi đi, lấy chồng sinh con, nhưng niềm mơ ước trở thành họa sĩ chuyên nghiệp thì không bao giờ cạn. Nhiều đêm, vừa ru con ngủ xong, mình vớ lấy cây cọ để hoàn thành nốt bức sơn dầu còn đang dang dở. Khi con trai thứ hai thôi bú, mình tâm sự với chồng thi vào Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, mình được học bổng cao học quốc tế chuyên ngành nghệ thuật thị giác tại Thái Lan…”, Kim Trung kể cho tôi nghe cứ như ký ức tràn về.
Trong đời hoạt động nghệ thuật tính từ năm 2002 đến nay, Thạc sĩ Kim Trung nhận được 17 giải thưởng cấp quốc gia. Hầu hết các tác phẩm của chị đều là văn hóa Chăm, gắn liền với các chủ đề: Sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục, kiến trúc. Rồi từ mỹ thuật của hội họa chị chuyển sang ứng dụng trên các sản phẩm gốm, dệt. Lần cuối cùng chia tay, tôi còn nghe văng vẳng lời tự tình nhẹ nhàng của chị “Mình là người Chăm, mà không xây dựng được không gian văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình, không nghiên cứu sáng tác và gìn giữ để giới thiệu với công chúng thì ai có thể làm giúp mình được”.
Tác giả (phải) tại làng Chăm |
• ĐI TÌM HỒN QUÊ
Những ngày kế tiếp, tôi tìm đến nhà ông Thiên Sanh Thềm, nghệ nhân trống Paranưng, Ghinăng và kèn Saranai ở làng Hữu Đức. Trước khi đi thực tế được Chế Kim Trung cho biết “Ở vùng Panduranga (tên gọi của hai tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận) có khoảng 40 palei (làng của người Chăm). Trong các làng hôm nay, vẫn đang bảo tồn các nhạc cụ truyền thống. Chính tiếng kèn, tiếng trống thổi hồn và làm nền nhạc cho các điệu múa, nhất là điệu Apsara là niềm tự hào văn hóa của đồng bào Chăm. Lớp trẻ bây giờ không mặn mà lắm, sợ sau này mai một nên ông Thềm rất lo”.
Ông Thiên Sanh Thềm mới ở tuổi 74 mà tóc đã bạc trắng, da ngăm, trên gương mặt song hành với những nếp nhăn dài theo năm tháng. Ông cùng với nghệ nhân Phú Sạng là “cha đẻ” của hàng nghìn trống Baranưng, Ghinăng vang khắp miền Panduranga. Ông Phú Sạng giờ tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên chuyển sang “Thái thượng hoàng”. Còn lại duy nhất nghệ nhân Thềm, vừa là nhạc công, vừa là người chế tác các nhạc cụ Chăm. Khi được hỏi về nhạc cụ truyền thống. Ông cho biết: “Trống Paranưng, Ghinăng, kèn Saranai, không chỉ là bảo vật, mà còn là vật linh thiêng cho lễ hội và chia sẻ nỗi vui, buồn của người Chăm. Các nhạc cụ này tạo nên cái hồn cho điệu múa. Nếu không nắm được nguyên lý, hay các bí quyết của dân tộc Chăm thì khó mà tạo ra các điệu Apsara huyền ảo được. Mỗi chiếc trống, chiếc kèn được tạo ra giống như một phần hồn của con người. Trống Paranưng tượng trưng cho thân người, đôi Ghinăng tượng trưng cho hai chân, hai dùi trống là hai cánh tay. Mỗi trống Ghinăng có 16 dây, xuyên qua 16 lỗ, tương ứng với 32 chiếc răng. Trong đó, không thể thiếu kèn Saranai gồm bảy lỗ tượng trưng cho hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng. Khi ba loại nhạc cụ này kết hợp với nhau sẽ tạo thành dàn nhạc Chăm truyền thống.
• LÀNG NGHỀ CỔ NHẤT ĐÔNG NAM Á
Làng gốm Bàu Trúc và làng dệt Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân của huyện Ninh Phước, nằm giữa Sông Dinh và Sông Quao. Hiện nay, Mỹ Nghiệp và Bàu Trúc đã lên phố, lên phường nhưng vẫn giữ dáng vẻ một làng quê với vườn cây, ruộng lúa và nếp nhà xưa cổ kính. Tuy vẫn theo đuổi nghề nông, nhưng đồng bào Chăm ở đây vẫn không quên nghề làm gốm mà tổ tiên truyền lại. Theo tài liệu của ngành Khảo cổ học, nghề làm gốm của người Chăm có cách đây từ 3.500 – 4.000 năm. Người Chăm gọi nghề làm gốm là nghề làm nồi, vật liệu chính là đất tượng trưng cho Mẹ, mọi công đoạn chế tác đều làm bằng tay. Kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật tạo hình theo chế độ mẫu hệ… nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc hiện nay không chỉ phục vụ cho cuộc sống đời thường mà còn tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Đó là những chiếc bình Vũ nữ Apsara, với những hình ảnh tế lễ khắc họa trên vại, trên nồi, hay chạm khắc những vị thần linh trên sản phẩm như làm tăng thêm nét huyền bí cho đồ gốm Chăm Bàu Trúc.
Ăn theo uy tín của nữ thạc sĩ, tôi đến thăm cơ sở làm gốm của bà Đàng Thị Phan, người có trên 50 năm làm nghề được con trai bà là anh Đàm Năng Tự cho biết, sản phẩm mỹ nghệ của gia đình ngoài tượng, bình đất Apsara còn có sản phẩm tháp Chăm. Anh chỉ vào mô hình đền tháp cho biết: “Tháp này dựa theo kiến trúc cổ. Tháp gồm 3 phần: Đế tháp tượng trưng cho “địa ngục”, thân tháp là “trần gian”, ngọn tháp là “thiên đàng”. Ở thân tháp có 4 tầng, trong đó 3 tầng thân giữa, mỗi bên góc có “4 búp” còn đỉnh tháp (tầng thứ 4) có 1 búp tháp. Tổng cộng là 13 búp tháp. Đây là con số lớn nhất và đẹp nhất theo quan niệm của người Chăm. Và các mặt bên của tháp sẽ được đúc hình vị thần Siva mang ý nghĩa tôn thờ vị vua đã có công hình thành, phát triển cộng đồng Chăm. Như vậy, cả một hình gốm tạo ra sản phẩm hình tháp Chàm đã mang nhiều ý nghĩa về nòi giống, bản sắc, tín ngưỡng của một dân tộc.
Buổi chiều, tạm biệt các bạn Chăm, chúng tôi đứng dưới chân tháp Pôrêmê tại đỉnh núi của làng Hậu Sanh. Lúc ấy trời bắt đầu đổ mưa, những giọt mưa bay bay trên tầng tháp cổ. Tôi nhớ đến thánh địa Mỹ Sơn, nhớ tháp Poklong Garai được nhà nước thuê chuyên gia nước ngoài đến trùng tu hàng trăm tỉ đồng. Từ năm 2011, chính quyền Ninh Thuận đã đầu tư tiếp thị 23,6 tỷ đồng cho làng nghề Chăm. Điều ấy đã chứng tỏ rằng, Nhà nước mình đã tìm mọi cách khôi phục, tôn tạo không những đền đài mà còn duy trì nghề truyền thống. Đó là tâm đức và trách nhiệm của con cháu bằng mọi giá phải giữ gìn tài sản của ông cha để lại.