“Đây là loạt bài để lại trong tôi nhiều nỗi buồn và lo lắng nhất. Trong quá trình đi thực tế, khai thác thông tin gần 6 năm qua, có những lúc tôi đã phải nuốt nước mắt bởi những bức tâm thư kêu cứu, bởi những thảm cảnh đau lòng. Vì thế, tôi luôn tự nhủ phải “đào sâu” vấn đề, nắm chắc thông tin, giữ thẳng ngòi bút của mình, nhất quán tư tưởng, lập trường để bảo vệ thông tin”. Đó là chia sẻ của nhà báo Võ Mạnh Hùng – tác giả của loạt bài viết “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế” – tác phẩm được Hội đồng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII năm 2023 đánh giá cao.
Xâm nhập thực tế tại hơn 20 “điểm nóng” trên cả nước
Môi trường không phải là vấn đề mới, song bất cứ chính phủ và người dân nào trên thế giới đều đặc biệt quan tâm – nhất là khi môi trường xung quanh nơi chúng ta sinh sống đã và đang bị tác động xấu, bị đe dọa và hủy hoại! Là nhà báo theo dõi ngành tài nguyên và môi trường, với sự nhiệt huyết và ngòi bút trách nhiệm, Võ Mạnh Hùng – phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã lên kế hoạch đi thực tế tại một loạt khu vực “điểm nóng” về hoạt động sản xuất hủy hoại môi trường tại nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước để tìm hiểu, ghi nhận thực trạng. Từ đó đưa ra hồi chuông cảnh báo để góp phần hạn chế các sự cố môi trường tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Trở về ngay sau những chuyến thực tế, nhà báo Võ Mạnh Hùng đã bắt tay vào xây dựng loạt bài “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế”. Loạt bài này bao gồm lời giới thiệu và 5 bài viết, được chia tách theo các phần nội dung/vấn đề “ăn khớp” khác nhau: đi từ thực trạng quản lý, hoạt động vận hành/khai thác, các “lỗ hổng” nảy sinh từ chính sách tới giải pháp cũng như các lời giải căn cơ nhất.
“Trong quá trình triển khai loạt bài, bản thân tôi đã trực tiếp lên ý tưởng, xây dựng đề cương, kế hoạch đi điều tra, tìm hiểu thực tế tại hơn 20 tỉnh, thành phố thuộc tất cả các khu vực ở trên dải đất hình chữ S của đất nước. Tất cả các khu vực mà tôi đặt chân tới tìm hiểu, mỗi nơi có một thực trạng cũng như “điểm nóng” khác nhau, nhưng tất cả đều một hệ lụy là “phát triển đi đôi với hủy hoại môi trường sống, khiến người dân sinh sống xung quanh phải đâm đơn phản ánh, kêu cứu…”. Cũng bởi thế, không ngoa khi nói rằng đây là loạt bài mà tôi đã dành rất nhiều tâm sức, tốn thời gian; buồn và lo lắng nhất”, anh Hùng chia sẻ.
Có những nơi, khi mới nhắc đến, dò hỏi thông tin qua các đồng nghiệp, tổ chức nghiên cứu, nhà báo Võ Mạnh Hùng đã nhận được những lời căn dặn, cảnh báo về tính nguy hiểm khi tiếp cận thực tế, bởi ở đó luôn có các đối tượng “chim lợn” đeo bám khi thấy sự xuất hiện của người lạ. Và nếu không may bị lộ danh phận, bị phát hiện, tính mạng của phóng viên sẽ gặp nguy hiểm.
Đặc biệt tại một loạt “điểm nóng” khai thác đá “có vấn đề” về quy trình khai thác, gây ô nhiễm nghiêm trọng ở làng nghề đá Yên Lâm (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), thủ phủ tuồn bán than lậu quy mô lớn tại thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh); hay “thế giới ngầm” khai thác quặng ở dưới lòng đất thuộc huyện Quỳ Hợp; “điểm nóng” về nổ mìn khai thác đá không đảm bảo an toàn lao động tại những mỏm núi tang thương khiến hàng chục người bị thiệt mạng tại huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình)…
Nhà báo Võ Mạnh Hùng luôn xác định phải tìm mọi cách đi vào tận sâu “điểm nóng”, thay vì ở ngoài sáng quan sát, để có được bằng chứng xác thực nhất. “Vì thế, có những chuyến đi, tôi phải mạo hiểm tiếp cận và trắng đêm để chờ thời điểm các nhà máy, khu sản xuất “nhả” khói độc, nước thải ra môi trường”, anh Hùng tâm sự.
Kịch bản được thực hiện chuyên nghiệp
Trên cơ sở thông tin “sống” qua gần 6 năm đi sâu vào thực tế điều tra, tìm hiểu, cùng với ý kiến chia sẻ, trả lời phỏng vấn của lãnh đạo các bộ, ban ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương, các đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia môi trường, đầu tháng 12/2022, nhà báo Võ Mạnh Hùng đã lên một kịch bản chi tiết và đề xuất với lãnh đạo phòng và lãnh đạo Báo cử thêm 2 phóng viên chuyên về ảnh và video là Hoài Nam và Hoàng Đạt cùng với anh trở lại một số “điểm nóng” bay flycam, để có thêm những thước phim mới và toàn cảnh nhất nhìn từ trên cao.
Trong loạt bài, phần ảnh đóng vai trò rất quan trọng, đó là những bức ảnh rất đẹp, không chỉ bao trùm khung cảnh, hiện trạng môi trường nhìn từ trên cao bằng thiết bị bay flycam, mà còn xoáy vào chi tiết của những “khoảng tối” cũng như “điểm đen” ô nhiễm, những “vết thương” của núi đồi do bị mìn, máy cắt băm/xẻ; hay những cuộn khói bụi được doanh nghiệp nghiền đá, sản xuất clinke, tự do nhả thẳng ra môi trường trong màn đêm…
Phóng viên ảnh Hoài Nam chia sẻ: “Trong quá trình trao đổi đề tài với anh Võ Mạnh Hùng, tôi đồng cảm với ý tưởng của tác giả, hiểu rõ “kịch bản” của anh đưa ra và cảm nhận sâu sắc về “bức tranh sự thật” sẽ thể hiện trong loạt bài.
Những bức ảnh này không phải trong một lần đi có thể chụp được ngay, để bức ảnh lột tả được hết sự thật phải trải qua nhiều lần quan sát và chiêm nghiệm thực tế. Tôi cố gắng bám sát, phản ánh sao cho chân thực nhất về góc tối tàn khốc của môi trường đằng sau “tấm thảm đỏ” thu hút đầu tư để phát triển kinh tế.
Ví dụ, để thể hiện về hoạt động xả thải không qua xử lý, tôi phải tập trung theo dõi và quan sát khung giờ (thường vào ban đêm), trò chuyện với người bản địa sao cho vừa không bị lộ mà vẫn có thông tin. Những doanh nghiệp sai phạm luôn có “tai mắt” xung quanh, chúng tôi phải hoạt động trong bí mật. Về những bức ảnh thể hiện nỗi thống khổ của người dân, không chỉ nghe phản ánh mà phải ở cùng dân để cảm nhận, và cho ra những khoảnh khắc chân thật nhất”.
Sau khi hoàn thành phần nội dung và ảnh theo đúng “kịch bản” đã đưa ra, loạt bài được chị Thanh Trà trình bày theo hình thức Mega-story (hay long-form) – một kiểu báo chí chất lượng về cả nội dung và hình thức được trình bày cầu kỳ (bao gồm text, hình ảnh, dữ liệu, đồ họa, Infographics), qua đó không chỉ giúp độc giả tiếp cận những bài báo tử tế, sang trọng; mà còn mang đến cho người đọc nội dung chuyên sâu với “mâm thông tin” đầy đủ nhất.
Chị Thanh Trà cho biết, để thực hiện chùm bài này, chị đã phải trao đổi khá nhiều với tác giả và nhiều dành thời gian để thực hiện. “Chùm bài được sử dụng những gam trầm buồn của màu đất bị hằn sâu bởi ô nhiễm, hủy hoại môi trường sống, kết hợp với những tấm ảnh đắt giá về hiện thực đã được phóng viên vất vả lưu lại trong hành trình đi tìm tiếng nói cho môi trường xanh đang bị phá hoại. Ngoài ra, bố cục loạt bài mega được cho chạy chữ trên những background là khung cảnh bao la hùng vĩ hàng chục ngọn núi đã bị đào bới tan hoang, hay hình ảnh những đại công xưởng bụi khói bay mù mịt… được tôi lặp lại khá nhiều để người đọc cảm nhận trần trụi nhất có thể về hiện thực mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc”, chị Thanh Trà nói.
Với sự nhiệt huyết với nghề, nỗi lòng đau đáu với môi trường, tác giả Võ Mạnh Hùng và những cộng sự đã tạo nên một tác phẩm vô cùng công phu, truyền đi một thông điệp lớn lao – đã đến lúc cần phải có một “cuộc cách mạng xanh” bền vững hơn cho tương lai của người Việt.
Đáng mừng là ngay sau khi loạt bài đăng phát trên Báo Điện tử VietnamPlus, nhiều địa phương trên cả nước đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, trên cơ sở đó đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp “rút ruột” tài nguyên, “phá” môi trường, đồng thời truy thu số tiền khai thác khoáng sản bất hợp pháp và yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục vi phạm. Nhiều lá đơn, tâm thư kêu cứu của người dân cũng đã và đang được các cơ quan chức năng giải quyết! Không những vậy, trong quá trình triển khai, với thông tin phóng viên cung cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ghi nhận và sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022).
Hòa Giang