Đại biểu tham dự hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT; lãnh đạo UBND, Phòng NN-PTNT các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã có diện tích đất trồng lúa chuyển đổi.
Qua 02 năm thực hiện Kế hoạch số 32/KH-UBND việc chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích và tăng thu nhập cho người dân. Chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản hoặc kết hợp nuôi thủy sản đã mang lại hiệu quả đáng kể, tăng từ 2,93 đến 8,57 lần so với chuyên trồng lúa.
Đến nay các địa phương trên địa bàn tỉnh chuyển đổi 5.566,75ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản. Năm 2021 có trên 2.610ha diện tích chuyển đổi (vượt 1.021ha so kế hoạch): chuyển sang cây hàng năm 1.350ha, cây lâu năm 1.043ha, kết hợp nuôi thủy sản 161ha và chuyên nuôi thủy sản 55ha. Năm 2022 có trên 2.956ha chuyển đổi (vượt 1.618ha so kế hoạch): chuyển sang cây hàng năm 926ha, chuyển sang cây lâu năm 1.978ha, chuyển sang kết hợp nuôi thủy sản 25,6ha và chuyên nuôi thủy sản 26ha. Riêng năm 2023, dự kiến chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa là 1.671ha, trong đó: chuyển sang cây hàng năm khác 867,95ha, cây lâu năm 581,9ha, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 221,9ha.
Đồng chí Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè trao đổi tại hội nghị về tình hình chuyển đổi sản xuất đất lúa sang cây ăn trái trên địa bàn huyện.
Tại hội nghị, các huyện Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Kè, thị xã Duyên Hải… đã nêu lên những khó khăn và hạn chế trong quá trình thực hiện Kế hoạch số 32/KH-UBND như: nông dân chuyển đổi còn mang tính tự phát, đầu ra của sản phẩm sau chuyển đổi chưa liên kết nên tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Từ việc sản xuất lúa hiện nay hiệu quả không cao, nên nhiều nông dân tự chuyển sang các cây trồng khác; cơ sở pháp lý trong xác định đất lúa kém hiệu quả (lấy mẫu đất kiểm nghiệm…). Một số vùng sản xuất lúa kém hiệu quả ở Đôn Châu, Đôn Xuân (huyện Duyên Hải), nông dân chưa mạnh dạn trong chuyển đổi sản xuất, do thiếu vốn, nguồn lực lao động…
Đối với các vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích lúa chuyển đổi sang các cây ăn trái (trồng cam, dừa…) rất mạnh, hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp 07-10 lần so với cây lúa; từ đó, gây khó cho địa phương thực hiện việc kiểm tra, giám sát về diện tích, quy mô khi chuyển đổi các diện tích lúa theo quy định…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hoàng chỉ đạo: Sở NN-PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đảm bảo có hiệu quả; hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đặc biệt là nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa có hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sở Công thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm để tiêu thụ và xuất khẩu; giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đến các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình biết để thực hiện đúng theo quy định.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý đất trồng lúa, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân chuyển đổi đất trồng lúa không đúng theo quy định, không đúng theo kế hoạch, phải tiến hành lập biên bản, xử phạt và yêu cầu hoàn trả lại hiện trạng đất trồng lúa nhằm hạn chế việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tràn lan như hiện nay.
Tin, ảnh: HỮU HUỆ