Fed có thể phải tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu dầu của Nga, công ty Mỹ giúp tái thiết Ukraine, Malaysia tăng bậc trong bảng xếp hạng các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Các công ty đầu tư hàng đầu của Mỹ là BlackRock và JPMorgan Chase sẽ giúp Ukraine thành lập một ngân hàng đầu tư để tái thiết nền kinh tế sau khi xảy ra xung đột với Nga. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế thế giới
Số lượng máy bay thương mại toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới
Hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) dự kiến số lượng máy bay thương mại được đưa vào hoạt động trên toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới, cao hơn một chút so với dự kiến của đối thủ Airbus vừa công bố.
Boeing dự kiến sẽ có 48.575 máy bay mới được đưa vào sử dụng vào năm 2042, so với 24.500 máy bay trong năm 2022. Bắc Mỹ sẽ chiếm 23% số máy bay mới này, khu vực châu Á-Thái Bình Dương 22%, khu vực Á-Âu 21% và riêng Trung Quốc là 20%.
Năm 2022, Boeing đưa ra dự báo đến năm 2041, thế giới cần 47.080 máy bay. Còn nhà sản xuất đối thủ Airbus cũng vừa đưa ra dự báo rằng nhu cầu thế giới cần 40.850 máy bay chở khách và hàng hóa vào năm 2042, nâng tổng số máy bay toàn cầu lên 46.560 máy bay.
Boeing cũng kỳ vọng các hãng hàng không giá rẻ sẽ tăng gấp đôi quy mô trong 20 năm tới – mức tăng trưởng đáng kể, nhưng chậm hơn so với mức tăng gấp 6 lần trong 20 năm qua.
Nhu cầu đối với máy bay chở hàng cũng sẽ duy trì mạnh mẽ, Boeing dự đoán tốc độ tăng trưởng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không sẽ vượt xa tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu. (AFP)
Kinh tế Mỹ
* Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong bài phát biểu chuẩn bị cho cuộc điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện (21-22/6) cho biết, Fed có thể phải tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Theo ông Powell, gần như toàn bộ các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang của Fed nhận định sẽ là thích hợp nếu tăng lãi suất vào cuối năm. Fed đã tăng lãi suất 5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022, từ mức gần 0% lên 5-5,25%. Tuy nhiên, ông Powell nói lạm phát vẫn vượt xa mức mục tiêu dài hạn là 2% mà ngân hàng trung ương Mỹ đặt ra. (AFP)
* Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 20/6, số lượng nhà đơn lập được khởi công xây dựng trong tháng Năm đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 30 năm. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường nhà đất có thể đang chuyển biến tích cực sau khi Fed tạm dừng tăng lãi suất.
So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng nhà ở được khởi công xây dựng trong tháng 5/2023 là 1,631 triệu căn, tăng so với mức 1,34 triệu căn của tháng Tư và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Về số lượng, mức tăng 291.000 căn được khởi công xây mới trong tháng Năm là mức cao nhất kể từ tháng 1/1990. Về tỷ lệ phần trăm, tháng 5/2023 ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ tháng 10/2016 là 21,7%.
Số lượng giấy phép xây dựng tương lai trong tháng Năm cũng đã tăng 5,2% lên mức 1,491 triệu, mức cao nhất kể từ tháng 10/2022. (Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Theo Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc (EUCCC), kinh tế Trung Quốc và toàn cầu suy giảm là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến các công ty châu Âu tại quốc gia Đông Bắc Á. Số lượng các công ty châu Âu coi Trung Quốc là điểm đến hàng đầu để đầu tư trong tương lai đang ở mức thấp nhất kể từ khi số liệu được thu thập vào năm 2010.
Báo cáo cũng cho biết số lượng các công ty châu Âu công bố doanh thu của họ ở Trung Quốc sụt giảm vào năm 2022 cao gấp ba lần so với năm 2021, trong khi tầm quan trọng của Trung Quốc đối với lợi nhuận toàn cầu của các công ty đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp. (Reuters)
* Dữ liệu hải quan của Trung Quốc ngày 20/6 cho thấy, nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong tháng 5/2023 đã đạt mức cao nhất kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022.
Trung Quốc đã nhập khẩu 9,71 triệu tấn dầu từ Nga trong tháng 5/2023, tăng mạnh so với mức 5,4 triệu tấn trong tháng 2/2022 và 6,3 triệu tấn vào tháng 3/2022. Các số liệu cho thấy nhập khẩu dầu thô Nga của Trung Quốc kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine diễn ra đã tăng gần gấp hai lần. (AFP)
Kinh tế châu Âu
* Ngày 16/6, Pháp và Đức đã có những bất đồng về cải cách quy tắc tài khóa của EU và hai nước đều tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chính phủ châu Âu khác trong một cuộc tranh luận khó có thể được giải quyết trước cuối năm nay.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire chia sẻ: “Trước đây, chúng ta đã cố gắng đưa ra các quy tắc tự động và thống nhất nhưng điều đó đã dẫn đến suy thoái và khó khăn kinh tế, sản lượng và tăng trưởng sụt giảm ở châu Âu”.
Trong khi đó, người đồng cấp Đức Christian Lindner có quan điểm ngược lại, cho rằng các quy tắc tự động là rất ổn và cần thiết, các nước cần được đối xử bình đẳng, cần các tiêu chuẩn bằng số và cần một biện pháp bảo vệ chung và không mất quá nhiều thời gian để Ủy ban châu Âu (EC) đàm phán song phương với các quốc gia thành viên. (Reuters)
* Người đứng đầu Cơ quan quản lý năng lượng Đức Klaus Mueller ngày 20/6 đã hoan nghênh các nghị quyết được hội đồng tư vấn thuộc cơ quan này thông qua, theo đó kêu gọi sự chuẩn bị cho mùa Đông tới.
Trên trang Twitter cá nhân, ông Mueller đã gọi các nghị quyết vừa được thông qua là “quan trọng”, cho rằng những nghị quyết này sẽ đảm bảo lập kế hoạch đảm bảo an ninh nguồn cung bằng một cuộc diễn tập, với nhiều kịch bản, khả năng tiết kiệm và số hóa việc quản lý khủng hoảng.
Kế hoạch 9 điểm kêu gọi Cơ quan quản lý năng lượng Đức tiếp cận với các bang muốn tham gia vào cuộc diễn tập chống khủng hoảng, dự kiến tổ chức vào tháng 9/2023, nhằm tránh một kịch bản khủng hoảng có thể diễn ra trong bối cảnh nguồn cung thiếu, giá năng lượng cao, nhất là khi Đức đang trong quá trình chuyển đổi xanh. (TTXVN)
* Từ tháng 1-4 năm nay, giá khách sạn và chỗ ở tại Paris đã tăng gần 30% và Hội đồng thành phố Paris kỳ vọng có thể kìm hãm sự tăng vọt này trước thềm Đại hội thể thao Olympic Paris 2024.
Chỉ trong khoảng thời gian này, đã có khoảng 11,6 triệu lượt khách du lịch đến thăm khu vực Grand Paris, tăng 27,2% so với năm 2022 và gần chạm mốc của năm 2019, một năm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Ước tính, khách du lịch phải chi trung bình 390 Euro cho chi phí nơi ở bằng thẻ tín dụng so với 365 Euro vào thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.
Dự tính có khoảng 37 triệu lượt khách du lịch sẽ ghé thăm Grand Paris trong năm nay, gần bằng mức 38,5 triệu lượt vào năm 2019. (Le Monde)
* Ngày 15/6, bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Peterburg diễn ra từ 14-17/6, Phó Chủ tịch Ngân hàng VTB của Nga Anatoly Pechatnikov cho hay, ngân hàng này dự kiến mở rộng phạm vi địa lý của chuyển khoản liên quốc gia bằng đồng tiền quốc gia tới 25 nước vào cuối năm nay. Theo ông, trước hết, điều này có thể đạt được với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Peterburg năm nay thảo luận về các xu hướng và triển vọng chính, những thay đổi mang tính hệ thống đối với nền kinh tế toàn cầu. (TTXVN)
* Các công ty đầu tư hàng đầu của Mỹ là BlackRock và JPMorgan Chase sẽ giúp Ukraine thành lập “Quỹ phát triển Ukraine” (FDU), tức một ngân hàng đầu tư để tái thiết nền kinh tế sau khi xảy ra xung đột với Nga.
FDU sẽ thu hút các khoản chi phí thấp từ các quốc gia khác, các nhà tài trợ và định chế tài chính quốc tế theo một cách tiếp cận “tài chính kết hợp” vẫn được sử dụng ở các nơi khác. Các khoản này được dự kiến sẽ lớn gấp 5-10 lần các khoản đầu tư riêng và có trị giá lên đến hàng trăm tỷ USD. Ưu tiên sẽ được dành cho các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, khí hậu và nông nghiệp.
Các ước tính về chi phí tái thiết hiện rất khác nhau. Hồi tháng 3/2023 Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Ukraine, Ủy ban châu Âu (EC) và Liên hợp quốc đã tính toán rằng con số này sẽ lên đến 411 tỷ USD. Một số nhận định khác đã đưa ra con số lên đến 1.000 tỷ USD nếu tính đến tất cả các chi phí về kinh tế. Trong khi đó, toàn bộ giá trị nền kinh tế Ukraine tại thời điểm trước xung đột khoảng 100 tỷ USD. (TTXVN)
* Tỷ lệ lạm phát tại Italy trong tháng 5/2023 vẫn cao hơn mức trung bình của Khu vực đồng Euro (Eurozone) trong tháng thứ 8 liên tiếp. Theo số liệu do Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT), được công bố ngày 16/6, chỉ số giá tiêu dùng của Italy trong tháng 5 đứng ở mức 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ lạm phát hàng năm ở 20 quốc gia thuộc Eurozone là 6,1%.
Lần mới nhất tỷ lệ lạm phát ở Eurozone cao hơn tại Italy là vào tháng 9/2022, khi tỷ lệ này lần lượt là 9,9% và 8,9%. Ngân hàng Trung ương Italy dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2023 của nước này là 6,1%, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo tỷ lệ lạm phát của Eurozone là 5,4%. (TTXVN)
ECB dự báo tỷ lệ lạm phát của Eurozone trong năm 2023 là 5,4%. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 18/6, nhà sản xuất động cơ điện của Nhật Bản Nidec thông báo sẽ thành lập một liên doanh chung với nhà sản xuất máy bay Embraer (Brazil) để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường đối với linh kiện trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Nidec sẽ nắm 51% cổ phần trong liên doanh Nidec Aerospace và phát triển các hệ thống động cơ điện cho lĩnh vực hàng không vũ trụ, đối tác Brazil sẽ sở hữu phần còn lại. Các công ty không tiết lộ số vốn cần thiết, nhưng cho biết liên doanh mới sẽ đặt trụ sở ở St. Louis, Missouri (Mỹ) vào tháng 9 tới. (Japan Times)
* Theo dữ liệu từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, nước này đã nhập khẩu 2.129 tấn thủy sản từ Nhật Bản trong tháng Năm vừa qua, giảm 30,6% so với một năm trước, trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển.
Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch nhập khẩu thủy sản Nhật Bản của Hàn Quốc giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước xuống 14,06 triệu USD. Trong tháng Tư, nhập khẩu thủy sản giảm 26% so với cùng kỳ năm trước về khối lượng và giảm 9,7% về giá trị. (TTXVN)
* Trong cuộc họp Bộ trưởng kinh tế khẩn cấp kiêm Hội nghị đối sách đầu tư xuất khẩu ngày 21/6, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho nhấn mạnh, chính phủ sẽ tăng cường hơn nữa năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu công nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư.
Ông Choo Kyung-ho cũng nhấn mạnh về nền “kinh tế tuần hoàn”, tức tái sử dụng phế thải, đang nhận được sự chú ý như một phương hướng chiến lược và mẫu hình phát triển mới trong việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Theo đó, Chính phủ sẽ nhanh chóng ứng dụng nền kinh tế này vào nền công nghiệp nước nhà để tạo ra động lực phát triển mới. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Theo dữ liệu từ trang starupranking.com, Indonesia đang đứng vị trí thứ 6 trong số các quốc gia có nhiều công ty khởi nghiệp nhất thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính mở 2023 tại Jakarta ngày 21/6, Thứ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Rudy Salahuddin cho biết, tính đến năm 2023, Indonesia có hơn 2.400 công ty khởi nghiệp (startup). Theo Thứ trưởng Rudy, Indonesia có triển vọng lớn trở thành gã khổng lồ trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Theo Dữ liệu xếp hạng khởi nghiệp trên, Mỹ dẫn đầu với 74.944 công ty khởi nghiệp, tiếp đến là Ấn Độ (15.405), Anh (6.833), Canada (3.712), Australia (2.638). Indonesia đứng vị trí thứ 6 với 2.486 công ty khởi nghiệp. Điều này khiến Indonesia trở thành thành viên ASEAN duy nhất nằm trong top 10 quốc gia có nhiều công ty khởi nghiệp nhất. (TTXVN)
* Viện Phát triển quản lý quốc tế (IMD) ngày 20/6 công bố báo cáo Xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới năm 2023, trong đó Malaysia đã tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 27 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới.
Theo báo cáo, sự cải thiện năng lực cạnh tranh của Malaysia trong bảng xếp hạng chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế, tăng trưởng đầu tư và những điểm sáng trong ổn định tỷ giá hối đoái và thị trường việc làm. Các lĩnh vực thế mạnh của Malaysia bao gồm giá cả, cơ sở hạ tầng cơ bản và chính sách thuế. (TTXVN)
* Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết, xuất khẩu gạo của nước này có thể vượt 8 triệu tấn trong năm nay, chủ yếu do nhu cầu toàn cầu tăng cao khi các nước tăng cường tích trữ gạo để đối phó với hiện tượng khí hậu El Nino.
Philippines dự kiến tăng lượng gạo nhập khẩu lên 2-3 triệu tấn, trong khi Indonesia đang xúc tiến việc mua một lượng lớn gạo từ cả Thái Lan và Việt Nam. Ngoài khu vực Đông Nam Á, Iraq dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn trong năm nay, ngang bằng với năm 2022.
Năm nay, Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu từ 7,5 triệu đến 8 triệu tấn gạo. (TTXVN)