Trung QuốcNhà hàng Bingjiao ở Tử Cấm Thành đông khách nhưng phục vụ nhanh và chuyên nghiệp, bàn ghế, sàn nhà, mặt tường đều sạch sẽ.
Độc giả Trịnh Hằng (ngoài 40 tuổi, Hà Nội) và con gái đến Trung Quốc hồi đầu tháng 6. Chị chia sẻ những trải nghiệm trong chuyến đi với VnExpress.
Từng là khu vực bí ẩn và được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trong suốt lịch sử nhiều triều đại Trung Hoa, nhưng nay Tử Cấm Thành đón hàng triệu du khách mỗi năm. Bạn còn có thể ăn trưa ngay trong Cố Cung với mức giá chỉ từ 150.000 đồng.
Tử Cấm Thành nằm ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh, là công trình có tính biểu tượng nổi tiếng của Trung Quốc. Cố Cung được UNESCO công nhận và được cả thế giới trân trọng vì những giá trị văn hóa và lịch sử.
Để đến thăm Tử Cấm Thành, bạn cần chuẩn bị một sức khỏe tốt và sự kiên nhẫn, bền bỉ. Đây là một trong những cung điện lớn nhất thế giới, vượt xa cả diện tích điện Kremlin (Nga) và Buckingham (Anh). Toàn bộ phương tiện giao thông phải dừng lại cách cổng vào khá xa, do đó du khách cần đi bộ ít nhất 1 km từ điểm đỗ xe đến quầy bán vé, sau đó đi bộ hàng trăm mét từ quầy bán vé vào cổng chính.
Để tham quan hết Tử Cấm Thành, du khách đi nhanh cũng cần tới 4-5 tiếng và đi bộ nhiều km. Có những người tham quan trọn cả ngày. Mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt khách đến đây và bạn sẽ phải xếp hàng qua nhiều nấc để vào đến cửa. Hầu hết du khách đều có nhu cầu ăn uống trong suốt quá trình tham quan công trình khổng lồ này. Nơi đây cũng bố trí nhiều nhà vệ sinh miễn phí, hiện đại và sạch đẹp.
Là một nơi an ninh nghiêm ngặt, nhưng Tử Cấm Thành cho phép du khách mang đồ ăn thức uống vào bên trong, và có hàng loạt nhà hàng với nhiều mức giá khác nhau ngay trong khuôn viên. Đa số các cung điện, lâu đài và di tích lịch sử trên thế giới mà chúng tôi từng đi đều không cho phép điều này, vừa để bảo vệ di tích, vừa để đảm bảo vệ sinh nơi tham quan.
Sau một buổi sáng thăm cung điện, chúng tôi dừng chân ở Bingjiao – một nhà hàng khá giản dị, tận dụng căn phòng cũ là hầm băng của Cố Cung. Biển hiệu nhà hàng khiêm tốn đặt ngay trên mặt đất, dùng màu đỏ của những bức tường thành làm tông màu chính để không phá vỡ cảnh quan chung. Khu vực ngoài trời và trong nhà có hàng chục bộ bàn ghế, tất cả đều kín khách. Nếu thời tiết đẹp, bạn có thể dùng bữa ở khu vực ngoài trời, đồng thời ngắm cảnh. Nội thất Bingjiao là kiểu phương Tây tông màu lạnh, gợi nhớ đến hầm băng trước đây, bao gồm cả những bộ đèn chùm ánh sáng trắng tạo cảm giác sang trọng, dễ chịu.
Vào nhà hàng, bạn có thể tham quan nơi trữ đá và thực phẩm của Hoàng gia, nay vẫn còn nguyên tầng hầm dưới lòng đất cùng những bức tường đá dày 2 m đã hơn ba trăm năm tuổi. Được xây dựng từ thời nhà Thanh và phục vụ nhu cầu chỉ cho một số rất ít người, giờ đây hầm băng trở thành nơi tiếp đón hàng trăm du khách dùng bữa mỗi ngày.
Bingjiao đông khách nhưng phục vụ khá nhanh và chuyên nghiệp. Tất cả bàn ghế, sàn nhà, mặt tường đều sạch bong, không có vết loang lổ hay bám bẩn nào. Du khách thưởng thức bữa ăn trong sự thoải mái và tĩnh lặng, không ồn ào như những nhà hàng đông người khác.
Thực đơn của Bingjiao là các món truyền thống như cơm, mì, bánh trái. Vì được thiết kế cho nhiều khách quốc tế đến từ những nền văn hóa khác nhau, nên menu có những suất ăn pha trộn cả yếu tố Đông – Tây rất hợp lý. Chúng tôi gọi một set mì bò kho và một set mì nấm, cả hai đều được phục vụ kèm trứng, rau cải và salad với sốt kiểu phương Tây.
Mì là một món ăn không xa lạ với chúng tôi, nhưng ở quê nhà chưa bao giờ chúng tôi nếm thử sự kết hợp giữa thịt kho và mì nước như ở đây. Không ngờ món ăn lại mang đến hiệu quả vị giác đặc sắc. Thịt bò kho mềm với củ cải trắng, nhiều gia vị nhưng không ngấy, ăn kèm với mì nhẹ thanh, rau cải chần sơ. Nước dùng trong và có màu nâu hấp dẫn, đậm nhưng không gắt. Bữa trưa với hai set mì trong lòng di sản văn hóa nổi tiếng nhất Trung Quốc có giá tổng cộng 104 nhân dân tệ, tương đương 343.000 đồng.
Hôm sau khi vào Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc (cũng ở quảng trường Thiên An Môn), chúng tôi mới biết đây là món “quốc hồn quốc túy” của Trung Quốc. Mì thịt kho được dựng mô hình và trưng bày trang trọng trong một gian phòng của bảo tàng, cho thấy vị trí của món ăn với đời sống của người Trung Quốc. Đó có lẽ cũng là lý do mà trong Tử Cấm Thành người ta lại giới thiệu món ăn này – một cách hiệu quả để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của du khách, đồng thời trình diễn nghệ thuật ẩm thực của Trung Hoa với du khách bốn phương, với một mức giá khá bình dân.
Tử Cấm Thành mở cửa đón khách đã gần 100 năm. Vào các tháng cao điểm (từ tháng 4 đến hết tháng 10), cung điện mở cửa từ 8h30 đến 17h, giá vé 60RMB;. Những tháng còn lại, thời gian mở cửa từ 8h30 đến 16h30, giá vé 40RMB. Thứ hai hằng tuần đóng cửa. Du khách cần đặt vé trước ít nhất một ngày. Thông tin thêm về các triển lãm bên trong Tử Cấm Thành, du khách có thể tham khảo tại website chính thức.
Để thăm Tử Cấm Thành, bạn có thể đi bằng tàu điện ngầm Line 1 với giá vé 3 RMB (khoảng 10.000 đồng) đến ga Tian’anmen Dong (E) Station hoặc đi xe buýt, taxi đến cổng Meridian Gate (Wu men). Cũng như phần lớn các di tích khác ở Trung Quốc, Tử Cấm Thành được bảo vệ bằng nhiều lớp an ninh. Du khách cần xuất trình giấy tờ tùy thân, chụp ảnh và nhận diện khuôn mặt, soi chiếu túi xách hành lý. Nên mang theo ít đồ đạc.
Nếu có nhiều thời gian và sức khỏe, bạn có thể kết hợp đi bộ tham quan nhiều địa điểm xung quanh như Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Đài tưởng niệm anh hùng nhân dân, phố Vương Phủ Tỉnh.
Trịnh Hằng