Chỉ số PAPI là công cụ giám sát thực thi chính sách, phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số này được đánh giá thông qua phỏng vấn trực tiếp, đối tượng đánh giá là người dân từ 18 tuổi trở lên được chọn ngẫu nhiên.
Ông Tôn Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, đánh giá: “Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2022 tăng 4 bậc với 3/8 chỉ số nội dung tăng điểm, trong đó chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” là chỉ số được cải thiện nhiều nhất (tăng 0.6 điểm so với năm 2021), tiếp đến là “Quản trị điện tử” (tăng 0.28 điểm), “Công khai, minh bạch” (tăng 0.01 điểm). Kết quả này cho thấy người dân có những ghi nhận nhất định đối với cán bộ, công chức các cấp trong việc công khai, minh bạch, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và quản trị điện tử”.
Cụ thể, chỉ số tăng điểm thuộc nhóm đạt điểm cao nhất cả nước là “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Ðây là chỉ số đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền. Ðồng thời, phản ánh mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân cũng như sự quyết tâm giảm thiểu tham nhũng của chính quyền và người dân. Với chỉ số này, có 2/4 chỉ số nội dung thành phần tăng điểm, gồm công bằng trong tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước và quyết tâm chống tham nhũng. Tuy nhiên, có 2/4 chỉ số nội dung thành phần giảm điểm, gồm kiểm soát tham nhũng trong chính quyền và kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công.
Chỉ số “Thủ tục hành chính công” có 2/3 chỉ số nội dung thành phần giảm điểm, gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thủ tục hành chính cấp xã/phường.
Chỉ số “Công khai, minh bạch” đo lường hiệu quả của chính quyền các cấp trong việc công khai, minh bạch hoá thông tin nhằm đáp ứng quyền được biết của người dân về những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của họ. Theo khảo sát, công khai thu, chi ngân sách cấp xã/phường được đánh giá tăng điểm. Tuy nhiên, có 3/4 chỉ số nội dung thành phần giảm điểm, gồm tiếp cận thông tin, công khai danh sách hộ nghèo và công khai kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất.
Ngoài ra, chỉ số “Quản trị điện tử” có tất cả 3/3 chỉ số nội dung thành phần đều tăng điểm, gồm sử dụng Cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương, tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương, phúc đáp qua Cổng thông tin điện tử. Chỉ số này đạt 3.07 điểm, tăng 0.28 điểm, thuộc nhóm trung bình cao.
Song, theo kết quả công bố, tỉnh có tới 5/8 chỉ số giảm điểm. Trong đó, chỉ số nội dung thuộc nhóm điểm thấp nhất cả nước là “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”. Qua phân tích, có 2/4 chỉ số nội dung thành phần giảm điểm, gồm cơ hội tham gia và đóng góp tự nguyện. Trong đó, tỷ lệ người dân có cơ hội tham gia vào các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, đoàn thể đạt 39.74%; có cơ hội tham gia vào các tổ chức xã hội, hội, nhóm, câu lạc bộ tự lập đạt 10.05% và tỷ lệ người dân đóng góp tự nguyện cho một công trình công cộng ở xã/phường nơi sinh sống đạt 25.34%; ban thanh tra Nhân dân hoặc ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát việc xây mới/tu sửa công trình đạt 20.74%…
Một chỉ số giảm điểm và thuộc nhóm trung bình thấp nữa là chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công” đo lường mức độ hiệu quả cung ứng bốn dịch vụ công căn bản cho người dân, gồm y tế công lập; giáo dục tiểu học công lập; cơ sở hạ tầng căn bản; an ninh, trật tự tại địa bàn dân cư. Trong đó, thông qua khảo sát, tổng chất lượng bệnh viện công lập tuyến huyện chỉ đạt 3.79/10 điểm; tỷ lệ người được hỏi cho biết hộ gia đình không bị cắt/cúp điện trong 12 tháng qua đạt 13.58%; mức độ thường xuyên của dịch vụ thu gom rác thải của chính quyền địa phương đạt 2.14/4 điểm.
Tuy nhiên, một chỉ số điểm giảm nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất chính là chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân”. Trong đó, mặc dù mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền; tiếp cận dịch vụ tư pháp được đánh giá thấp hơn cùng kỳ, nhưng việc giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân vẫn được đánh giá cao. Ðiều này cho thấy hiệu quả của các cuộc tiếp xúc công dân của các cấp chính quyền theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 và tính chủ động của công dân và chính quyền trong việc khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Ông Tôn Hữu Nghĩa cho biết: “Ðể tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Văn phòng UBND tỉnh đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tự rà soát, đánh giá kết quả thực hiện tại cơ quan, đơn vị. Qua đó, xác định các nhiệm vụ mà đơn vị thực hiện chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là các chỉ số nội dung thuộc nhóm thấp và nhóm trung bình thấp; chỉ số nội dung giảm điểm số, làm ảnh hưởng đến chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh để chấn chỉnh và có giải pháp xử lý, tháo gỡ, cải thiện và đổi mới. Ðồng thời, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023”./.
Hồng Nhung