(ĐS 21/6) – Liên tục thu hút đông đảo người làm báo chuyên và không chuyên trong, ngoài tỉnh tham gia với số lượng tác phẩm tăng theo từng năm, Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng đã và đang khẳng định được uy tín trong khu vực miền Trung. Đi cùng với số lượng tác phẩm dự thi, chất lượng của các tác phẩm cũng được duy trì và nâng cao, đầy tính cạnh tranh khi tham dự giải.
Ban Tổ chức Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XVII cho biết, mùa giải 2022 – 2023 có 270 tác phẩm (của 179 tác giả/nhóm tác giả) tham gia dự thi. Trong đó, báo in có 101 tác phẩm; báo ảnh 42 tác phẩm; báo hình 58 tác phẩm (có 33 phóng sự dài, phim tài liệu và 25 phóng sự ngắn, tọa đàm trực tuyến); báo nói có 18 tác phẩm; báo điện tử 51 tác phẩm.
Ngoài ra còn có 124 tác phẩm (99 tác giả, nhóm tác giả) tham gia 5 giải báo chí chuyên đề, gồm: Vì sự nghiệp Đại đoàn kết; Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và công tác bảo vệ rừng; Cải cách hành chính và chuyển đổi số; Sâm Ngọc Linh và vùng dược liệu Quảng Nam; Giải báo chí tuyên truyền về chính sách BHYT, BHXH lần thứ 4 – 2023.
Nhà báo Trương Vũ Quỳnh – Trưởng phòng Phim tài liệu VTV8: Thu hẹp khoảng cách giữa đài địa phương và các cơ quan báo chí Trung ương
Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng từ nhiều năm nay là giải uy tín và được giới làm báo Quảng Nam và khu vực miền Trung đánh giá cao. Năm nay số lượng và chất lượng đều tăng lên.
Các vấn đề lớn của địa phương được tập trung đề cập đa chiều và có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao. Các lĩnh vực được tập trung đầu tư phản ánh rất đồng đều, như: Xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, khởi nghiệp sáng tạo, bảo vệ rừng, chân dung những nhà cách mạng và truyền thống đấu tranh của địa phương…
Qua chấm chọn các tác phẩm, tôi nhận thấy khoảng cách giữa các đài địa phương và các cơ quan báo chí lớn ngày càng thu hẹp.
Nhờ nền tảng công nghệ số, các nhà báo công tác ở các địa phương tiếp cận được kiến thức, phương pháp, chia sẻ chuyện nghề, khai thác các phương tiện mới… Đội ngũ làm báo ở đài địa phương, các Trung tâm VH-TT và TT-TH đã dần tiếp cận được cách làm báo hiện đại.
Riêng đối với Báo Quảng Nam, tờ báo từ lâu nay chuyên báo viết, cách đây mấy năm còn chưa có đội ngũ làm báo hình nhưng nay đã tiếp cận nhanh, các chương trình truyền hình trên nền tảng số của báo có chất lượng khá đều, tiến bộ rõ rệt.
Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số hạn chế trong các tác phẩm dự giải cần được các tác giả chủ động khắc phục. Các tác phẩm dự thi cần được đầu tư, gửi đúng thể loại, đề tài.
Ngoài ra, việc sử dụng tài nguyên dữ liệu chung của một số tác giả chưa cẩn thận, có trường hợp sao chép, ít có dụng công trong xây dựng tác phẩm. Đây là những điều khá đáng tiếc và cần có sự điều chỉnh, thay đổi từ các tác giả khi gửi tác phẩm dự thi, để nâng cao chất lượng tác phẩm và qua đó, góp phần củng cố, duy trì uy tín, hình ảnh của giải báo chí đã có thương hiệu này.
Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng – Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam: Nhiều tác phẩm sinh động về miền núi
Mùa giải năm nay, ở mảng xây dựng Đảng, tác giả Alăng Ngước tiếp tục có loạt phóng sự dài kỳ “Như ánh trăng sáng ngời” khá tốt, ghi dấu những tấm gương già làng, người có uy tín, người trẻ ở vùng cao biên giới, tận tụy vì cuộc sống cộng đồng, bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào, phát triển sinh kế, góp phần giữ gìn an ninh trật tự vùng biên…
Cũng theo dòng chảy ngược nguồn, về núi, mảng đề tài về đời sống đồng bào vùng cao luôn được báo chí quan tâm, dễ gây chú ý và đồng cảm ở bạn đọc. Nhiều tác phẩm đã xoáy vào các góc cạnh đời sống ở vùng xa xôi hẻo lánh, đưa lên nhiều câu chuyện đầy thao thức về thân phận, tình đời, tình người, nỗi ám ảnh vì thiên tai sạt lở núi và những bất trắc khó lường.
Nổi bật ở mảng đề tài miền núi này, có nhiều tác phẩm chất lượng. Đơn cử Nguyễn Mạnh Thành Công (Thành Công, Báo Quảng Nam) có bài ký “Nơi đâu là an toàn?” khắc họa sự trăn trở về vùng sạt lở núi Phước Sơn, sau di dời, tái định cư còn thấp thỏm những nỗi lo sinh kế lâu dài.
Ở phía khác là sự khắc khoải của những người dân Trà Vinh, đang phải sống với “nhiều cái không” (không đường, không điện, không bệnh viện, trường học…) vì họ phải “Sống khổ trên vùng chồng lấn” (3 kỳ, tác giả Lê Khánh – Báo Nông nghiệp Việt Nam).
Hay những điểm sáng như câu chuyện mà tác giả Phan Thị Xuân Hiền (Báo Quảng Nam) kể về người nữ bác sĩ đứng chân hàng chục năm trên miền núi, vì núi, vì đồng bào mà gánh chịu bao khổ ải, để rồi “Lặng thầm tỏa hương”; tác giả Nguyễn Thành (Báo Tiền Phong) có loạt 4 kỳ “Dọc miền biên ải” lưu lại những ấn tượng của tình quân dân ở vùng biên, trong đó có sự hy sinh thầm lặng của bao chiến sĩ Biên phòng.
Ở phía khác là những người giữ rừng, canh cánh một đời vì tình yêu mẹ rừng, bảo tồn động vật hoang dã, như tác phẩm “Người nặng nợ với voi rừng” của Trần Thị Bích Liên (Hoàng Liên, Báo Quảng Nam).
Miền núi cũng còn phải đối diện với tình trạng khai thác khoảng sản trái phép gây nhiều hệ lụy mà báo Công an Đà Nẵng nhiều năm đeo đuổi phản ánh, trong đó có loạt bài của Trần Văn Tân (Bão Bình) về “Vàng tặc” phá nát Thác Trắng – Bồng Miêu: Có sự “bảo kê” hay chính quyền bất lực?”…
Nhà báo Hồng Quang Năm – Phó Giám đốc Đài PT-TH TP.Đà Nẵng: Báo nói có sự vượt lên về chất lượng
Với thể loại báo nói, năm nay, các tác phẩm khá vượt trội về chất lượng và đồng đều nhau. Các tác giả cũng đã tiệm cận xu hướng phát thanh hiện đại với sự chú trọng âm thanh, tiếng động hiện trường, giọng đọc, làm cho tác phẩm thu hút người nghe hơn.
Nhiều tác phẩm chất giọng phát thanh viên đọc tốt, rõ, âm phỏng vấn đạt chất lượng, cách viết theo kiểu văn nói, thể hiện tính phát thanh trong tác phẩm rõ nét. Một số tác phẩm đã bám sát được hiện thực cuộc sống, các nhân tố điển hình.
Bên cạnh một số chương trình, tác phẩm báo nói được đài tỉnh thực hiện khá tốt, các đài huyện cũng đóng góp nhiều tác phẩm hay, khá sinh động và thiết thực. Tuy nhiên, một số ít tác phẩm vẫn còn cách viết dàn trải như một bài phản ánh chung chung, không chọn chủ đề và cách thể hiện cho thật sáng tạo với đặc thù báo phát thanh.
Trong khi đó, yêu cầu đặt ra đối với tác phẩm phát thanh là phải chuyển tải nội dung thông qua việc nghe, vì thế âm thanh và tiếng động là hết sức quan trọng, người nghe không thể “thẩm thấu” tác phẩm bằng văn bản. Vì thế, với lĩnh vực phát thanh đòi hỏi người viết phải viết ngắn gọn, súc tích, cô đọng và đặc biệt phải hết sức tâm huyết với phát thanh mới có tác phẩm hay, ấn tượng.
Nhà báo Mai Tư – Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PT-TH Quảng Nam: Báo hình có đột phá về chủ đề và cách thể hiện
Ở lĩnh vực báo hình, thể loại phóng sự ngắn – tọa đàm trực tuyến truyền hình, nhiều năm nay thường có các tác phẩm chất lượng cao, thể hiện sự chắc tay của anh em phóng viên Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8), Đài Phát thanh – truyền hình Quảng Nam. Thể loại này năm nay còn ghi nhận sự vươn lên của Báo Quảng Nam và đài địa phương.
Nhiều phóng sự ngắn truyền hình tham gia dự thi cho thấy sự đổi mới về cách thể hiện, nhất là chú trọng cho nhân vật tự kể, đầu tư về hình ảnh và kỹ thuật hậu kỳ. Giải năm nay, đài địa phương tham gia không nhiều, nhưng lại có điểm sáng vượt trội với tác phẩm “Sức dân ở miền quê lụa” của Trung tâm VH-TT và truyền thanh – truyền hình Duy Xuyên.
Có chút đáng tiếc khi thể loại phóng sự ngắn được sản xuất hằng ngày, nhưng nhiều đơn vị truyền hình ít tham gia. Ngoài ra, một số tác phẩm vẫn chưa thấy sự đầu tư, cá biệt có tác phẩm khai thác đề tài quá cũ, sử dụng tư liệu khá nhiều; việc sử dụng âm nhạc chưa phù hợp và có tác phẩm thời lượng quá dài so với quy định một phóng sự ngắn không quá 5 phút.
Thể loại phóng sự dài và phim tài liệu tăng đáng kể về số lượng và đa dạng về thể tài. Bên cạnh các đề tài truyền thống về lịch sử, văn hóa vùng đất xứ Quảng, năm nay, các đề tài khởi nghiệp, du lịch và những ghi nhận sự phát triển kinh tế – xã hội chiếm tỷ lệ lớn.
Báo điện tử triển khai tốt các đề tài thời sự
Theo đánh giá chung của nhà báo Nguyễn Hữu Đổng, thành viên Ban Giám khảo, với thế mạnh đưa tin nhanh sự kiện thời sự, tường thuật hiện trường, dung lượng đăng tải không hạn chế như báo in, cộng thêm sự đầu tư theo hướng báo chí đa phương tiện nên các đề tài thời sự được các báo điện tử triển khai khá tốt.
Đồng thời tiếp tục có nhiều tác phẩm thuộc thể loại báo chí mới, thể hiện hướng tiếp cận tốt trong phản ánh đời sống xã hội. Nổi bật như nhóm tác giả Nguyễn Trọng Hoàng Đạo – Nguyễn Thị Mỹ Linh – Bùi Trần Khoa Huân đã có loạt bài đa phương tiện 4 kỳ “Tệ nạn học đường”, nêu lên những vấn nạn nhức nhối về sự phổ biến tràn lan các chất gây nghiện trước cổng trường, được dư luận quan tâm, góp tiếng nói cần phải tăng cường các biện pháp phòng chống.
Báo điện tử cũng góp phần nêu các vấn đề nổi cộm trong kinh tế – xã hội cần tiếp cận, giải quyết, như loạt bài “Những dự án “xí phần” ở Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc” (Tạp chí Điện tử Bất động sản Việt Nam, nhóm tác giả Nguyễn Hữu Trà – Lê Quốc Duy).
Thể hiện tốt đề tài thời sự, vừa mang tính chiều sâu nhận thức về chính trị tư tưởng, gắn với sự kiện đời sống người dân vùng thiên tai, nổi bật là loạt 5 kỳ “Đảng trong trái tim người Trà Leng” (của Trần Ánh Dương và Lê Chung – Báo điện tử Tổ Quốc).
Tiếp theo thành công mùa giải trước, năm nay nét mới về phương thức làm báo đang chiếm ưu thế trên báo điện tử là loại hình báo chí đa phương tiện (tổng thuật, tường thuật online, e-Magazine, longform… kết hợp nhiều thể loại báo viết, báo nói, báo hình, báo ảnh, đồ họa…).
Rõ ràng xu thế chuyển động báo chí theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, internet trên nền tảng số, dữ liệu lớn, đáp ứng nhu cầu “nhiều trong một” của công chúng mà các loại hình báo chí truyền thống khó có thể cạnh tranh về độ nhanh nhạy và dữ liệu thông tin phong phú, đa dạng, sống động, như chính hơi thở cuộc sống ùa thẳng vào người đọc/người xem, làm rung lên nhiều cảm xúc với tất cả giác quan, cảm quan qua những câu chuyện sinh động, hấp dẫn.
Phương Giang (ghi)