Ngày 5/5 âm lịch – tết Đoan Ngọ, “tết diệt sâu bọ” với rất nhiều người dân Việt Nam là tết tạ ơn trời đất, tổ tiên và mừng mùa vụ thắng lợi. Và với nhiều người dân ở Hà Tĩnh, đây còn là tết đặc biệt dành riêng cho cha mẹ.
Theo quan niệm của người xưa, tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó chính là “Tết diệt sâu bọ”. Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm cúng dâng lên ban thờ tổ tiên nhằm thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Đồng thời, là dịp để cảm tạ trời đất và cầu mong cho mùa màng bội thu, các thành viên trong gia đình luôn mạnh khỏe, tránh được bệnh tật…
Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng hưởng những thành quả lao động sau một năm làm lụng vất vả.
Các món ăn thường được sắm sanh làm món cúng ngày Tết Đoan ngọ. Ảnh tổng hợp Internet.
Với người dân vùng núi Hương Khê, Vũ Quang…, tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch còn là dịp để con cháu dâu rể đi lễ tết bố mẹ.
Không ai rõ tục lệ này bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ, nhưng từ khi lớn lên, mỗi dịp 5/5 âm lịch tôi đều thấy cha mẹ đi chợ từ sớm để chuẩn bị đồ lễ. Ngoài chuẩn bị mâm cỗ cúng ở bàn thờ gia đình, cha mẹ sẽ mua những món ăn ngon mang lên nhà biếu ông bà nội ngoại và cùng ăn bữa cơm với ông bà.
Lễ tết này có ý nghĩa đặc biệt hơn với những người chuẩn bị cưới hoặc vừa mới cưới. Bởi, theo lưu truyền, đây là dịp để con rể, con dâu mới bày tỏ lòng biết ơn tới cha mẹ vợ, cha mẹ chồng đã nuôi dưỡng, sinh thành ra vợ, chồng cho mình.
Bữa cơm đoàn viên cùng cha mẹ trong ngày 5/5 cốt ở tấm lòng hiếu thảo con cái dành cho bậc sinh thành.
Ngày trước cuộc sống khó khăn, món quà lễ biếu các bậc phụ mẫu trong ngày lễ 5/5 thường là bát bún thịt, chiếc bánh đa vừng hay đĩa lòng lợn luộc. Bây giờ khi cuộc sống khá giả hơn, tùy vào khả năng của mình, những đứa con có thể chuẩn bị biếu bố mẹ những thực phẩm đắt tiền hơn như tôm, cua, bào ngư… Nhưng dẫu là món ăn gì, cái cốt ở đó chính là tấm lòng hiếu thảo con cái dành cho bậc sinh thành.
Đến bây giờ, khi ông bà không còn nữa nhưng cứ vào mỗi dịp 5/5 âm lịch, thay bằng những bát bún, chiếc bánh đa… cha mẹ tôi lại tất bật chuẩn bị cỗ cúng, hương hoa để dâng lên ban thờ, tưởng nhớ ông bà.
Những tục lệ đi tết cha mẹ vào ngày 5/5 âm lịch từ xa xưa vẫn đang được nhiều gia đình ở quê tôi duy trì cho đến nay và trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa.
Ngày 5/5 âm lịch không chỉ nhắc nhớ chúng tôi về một tục lệ dân gian hay một mốc thời gian mùa vụ mà còn là bài học giáo dục lễ nghĩa, lòng biết ơn, hiếu thảo.
Vào ngày này, nếu còn được nấu cho cha mẹ một bữa cơm, được trở về sum vầy đoàn viên bên gia đình đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất; rằng mình vẫn còn cha mẹ bên cạnh để báo đáp, để ấp ôm trở về!
Linh Hà