Từ quý I/2022 cho tới nay, thị trường bất động sản rơi vào tình cảnh trầm lắng. Nguồn cung và sức thanh khoản toàn thị trường đều sụt giảm mạnh, số lượng doanh nghiệp bất động sản phá sản tăng qua từng tháng.
Trước thực trạng này, tháng 3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.
Trong đó, Chính phủ là yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả các kênh thông tin, báo chí, phối hợp với Bộ Công an có biện pháp, hệ thống và nhân lực kiểm soát, phát hiện, thống kê, ngăn chặn các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý nhân dân, nhà đầu tư, khách hàng và thị trường, nhất là các thông tin ảnh hưởng đến sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường, đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống, chính xác, đúng bản chất tình hình, tránh các thông tin sai lệch để ổn định tâm lý nhân dân, nhà đầu tư, khách hàng, ổn định thị trường.
Nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Nguyễn Toan – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam về mối quan hệ giữa báo chí – truyền thông với thị trường bất động sản.
Lợi anh, lợi ả, lợi cả đôi bên
+ Nếu đặt thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP là một cột mốc thời gian, theo ông, trước đó, báo chí – truyền thông với thị trường bất động sản có mối quan hệ thế nào?
– Như mọi người đều biết, cùng với một số thị trường, lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, công nghiệp – công nghệ, tài chính tiền tệ, tiêu dùng… thì bất động sản đóng vai trò hết sức quan trọng, mang tính trụ cột trong việc phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia.
Chính vì vậy, sự suy thoái và chớm đến khủng hoảng của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua đã có những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển chung của đất nước, tạo nên một tác động tiêu cực dây chuyền tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.
Đây không phải là lần đầu tiên, thị trường rơi vào trạng thái này, tuy nhiên, tôi cho rằng, khác với những lần trước đó, nguy cơ khủng hoảng lần này còn lớn hơn, tiêu cực hơn. Bởi vì, sức ảnh hưởng của thị trường bất động sản hiện nay là rất lớn.
Hơn nữa, khủng hoảng lại nảy sinh từ những vấn đề mang tính cốt lõi của thị trường đó là tính thiếu bền vững – minh bạch; sự thiếu đồng bộ của hệ thống pháp lý, quản lý; sự mất niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng…
Nhận thức được điều này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững. Trong đó có những chỉ đạo cụ thể cho hoạt động báo chí – truyền thông, tôi cho rằng những chỉ đạo này là hết sức cần thiết.
Trở lại với câu hỏi về mối quan hệ báo chí – truyền thông với thị trường bất động sản, từ trước đến nay, đây cơ bản là một mối quan hệ cộng sinh tốt đẹp, đôi bên cùng có lợi.
Khảo sát sơ bộ, hơn 30% doanh thu hoạt động kinh tế báo chí đến từ thị trường bất động sản và các lĩnh vực liên quan, như xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất…
Điều này đã chứng minh rằng, số tiền mà các doanh nghiệp bất động sản “rót” vào hoạt động truyền thông quảng bá là rất lớn, khoảng 5 – 10% chi phí sản xuất kinh doanh, nó ảnh hưởng trực tiếp đến “nồi cơm” của các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp truyền thông.
Và ngược lại, vai trò của báo chí – truyền thông đối với thị trường bất động sản cũng rất lớn. Có thể thấy, hiện nay, gần như tờ báo nào cũng có chuyên mục bất động sản.
Ngày nào trên báo chí cũng có hàng nghìn bài viết về thị trường này và không có doanh nghiệp bất động sản nào lại không có ban, phòng truyền thông. Xét về tính lợi ích, khi lợi ích ràng buộc nhau càng lớn thì mối quan hệ càng phải sâu sắc, chặt chẽ, và tất nhiên cả hai đều mong muốn hướng đến điều tốt đẹp.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý I/2023, các doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn tăng lần lượt 30,2% và 60,7% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Xây dựng đánh giá, đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn. |
+ Liệu mối quan hệ này có thật sự tốt đẹp như ông đã chia sẻ hay chỉ là “bằng mặt chứ không bằng lòng”. Bởi lẽ, có một số trường hợp, doanh nghiệp bất động sản chịu thiệt hại nặng do các thông tin chưa chính xác gây ra?
– “Vì ta cần nhau” là một trong những bài hát yêu thích của tôi. Đại ý của bài hát này có thể hiểu rằng, trong tình yêu, đôi bên cần nhau, yêu nhau sẽ có mục tiêu hướng đến những điều tốt đẹp. Thế nhưng, yêu nhau không đến được với nhau thì chuyện làm “khổ đau” nhau là điều cũng dễ xảy ra. (cười)
Đặt đại ý của bài hát vào trong mối quan hệ giữa báo chí – truyền thông với thị trường bất động sản cũng thế. Tuy nhiên, với vai trò, trách nhiệm của báo chí, việc làm tổn hại đến lợi ích doanh nghiệp, thị trường là điều nên tránh.
Có thể, trong quá trình tác nghiệp, các nhà báo theo mảng bất động sản có thể phản ánh tích cực cũng được, hoặc phản ánh tiêu cực cũng không quan trọng, nhưng quan trọng là phải đúng, phản ánh đúng sự việc, hiện tượng của thị trường. Để làm được điều này, thì người làm báo cần “có một tấm lòng”.
Riêng với chữ “bằng mặt chứ không bằng lòng”, có lẽ đúng hơn ở phía doanh nghiệp. Bởi vì, nhiều khi họ chịu “oan ức” từ những thông tin báo chí, tuy nhiên họ không dám phản ứng mạnh vì rất sợ câu “không nắm tay được đến sáng”.
+ Ông có thể lấy ví dụ cụ thể về những tác động của báo chí đối với thị trường bất động sản hay không?
– Rất nhiều và rất lớn. Cả về khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Trên thực tế, nói về những khó khăn chồng chất của doanh nghiệp, của thị trường bất động sản hiện nay để Nhà nước, xã hội hiểu, chia sẻ là chính là báo chí chứ ai.
Hoặc, nêu lên những bất cập về mặt pháp lý, cơ chế chính sách cho thị trường để Nhà nước kịp thời chỉ đạo điều chỉnh cũng là báo chí chứ ai.
Để khách hàng biết và hiểu về sản phẩm/dịch vụ của mỗi doanh nghiệp bất động sản thì báo chí không chỉ là kênh quảng bá mà còn là kênh xác tín quan trọng. Dù vậy, cũng có những thông tin dẫn đến việc xã hội “hiểu lầm”, làm doanh nghiệp khốn đốn cũng có.
Đừng coi bất động sản là “tội đồ”
+ Sau chỉ đạo của Chính phủ, theo ông, báo chí – truyền thông có góc nhìn khác khi khai thác thông tin liên quan tới thị trường bất động sản hay không. Sự thay đổi này đã mang lại những tín hiệu tích cực thế nào, có đảm bảo được mục tiêu của Chính phủ đề ra, đó là “ổn định tâm lý nhân dân, nhà đầu tư, khách hàng, ổn định thị trường”?
– Có thể thấy, sau chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động thông tin của báo chí gần đây đã có nhiều sự thay đổi tích cực, góp phần đảm bảo được mục tiêu đề ra, đó là “ổn định tâm lý nhân dân, nhà đầu tư, khách hàng, ổn định thị trường”. Tuy nhiên, nói thật, báo chí còn phải sửa đổi nhiều, nhất là cách đặt và nhìn nhận vấn đề, báo chí đừng coi bất động sản là “tội đồ”.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa báo chí truyền thông với doanh nghiệp là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Trong đó, trách nhiệm của báo chí là phản ánh sự thật, tìm ra sự thật. Việc phân tích, nhìn nhận một hiện tượng, sự việc nào đó cũng phải hướng đến làm rõ bản chất, tìm ra giải pháp cho vấn đề mình nêu.
Vấn đề gì nóng, mới, quan trọng được xã hội, độc giả quan tâm, báo chí truyền thông đang tích cực phản ánh, theo chiều hướng khách quan, minh bạch.
Trong Nghị quyết 33/NQ-CP, Chính phủ đã đưa ra 4 chỉ đạo trong việc thông tin, truyền thông, khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản. Thứ nhất, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thông tin, truyền thông thể hiện rõ thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành với địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, bảo vệ người và doanh nghiệp làm đúng, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Thứ hai, kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ, có hiệu quả các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý nhân dân, nhà đầu tư, khách hàng và thị trường, nhất là các thông tin có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác công bố, công khai, minh bạch các thông tin, nhất là kịp thời tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước về tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, tình hình thị trường bất động sản,… để xã hội có các thông tin chính xác, chính thống qua đó ổn định tâm lý, ổn định thị trường. Cuối cùng, tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi đưa tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản. |
Trong khi đó, việc doanh nghiệp có nhu cầu quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên báo chí cũng đang có sự chuyển biến. Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản muốn kích cầu thị trường, sẽ phải bỏ tiền và chịu trách nhiệm trước thông tin mình cung cấp. Thế nhưng, báo chí phải có nhiệm vụ thẩm định các thông tin trên, đây là vấn đề dịch vụ.
Khi đã làm dịch vụ, báo chí phải làm tốt về cả mặt nội dung, uy tín của tờ báo đó. Đồng thời, các cơ quan báo chí phải nâng cao chất lượng dịch vụ, mới có người “thuê”. “Ép” người ta phải sử dụng dịch vụ của mình là cách làm thiếu chuyên nghiệp.
Chúng ta đều biết, trong những năm gần đây, ngành báo chí – truyền thông của chúng ta cũng có nhiều “vấn đề” với doanh nghiệp, nó xuất phát phần nhiều do khó khăn trong hoạt động kinh tế báo chí. Điều này thực sự làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của báo chí trong mắt cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Chính vì thế, Nhà nước và các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí đã có nhiều biện pháp quyết liệt để điều chỉnh, điều này là rất cần thiết.
+ Theo ông, trong thời gian tới, sự hợp tác giữa báo chí với thị trường bất động sản sẽ như thế nào để thực hiện các mục tiêu của Chính phủ đề ra?
– Một mối quan hệ, một sự hợp tác “sẽ như thế nào” thì phải xuất phát ít nhất là từ hai phía. Nếu chúng ta cùng thiện chí và trong sáng, tất yếu sẽ dẫn đến sự tốt đẹp.
Tôi cho rằng, chúng ta, cả báo chí và doanh nghiệp bất động sản cần gạt bỏ tư duy xin – cho. Trong đó, báo chí hãy đối xử với các vấn đề của thị trường bất động sản một cách công bằng.
Việc lấy lại “niềm tin thị trường” đối với ngành bất động sản là rất quan trọng. Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm thoát khỏi giai đoạn khó khăn, thì sự vào cuộc, chia sẻ của báo chí là rất lớn. Và báo chí trong nước nên vào cuộc với tâm thế “giúp bạn cũng là giúp mình”.
Bất động sản và thị trường bất động sản không phải là “cuộc chơi” của những người giàu. Nó ảnh hưởng đến mỗi gia đình, đến từng ngóc ngách của cuộc sống, đến sự phát triển của đất nước. Do đó, để thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững là trách nhiệm chung, trong đó có báo chí chúng ta.
Tôi không dám phê phán đâu, nhưng xin nói thật là sự am hiểu của báo chí với thị trường bất động sản ở ta còn chưa thấu đáo lắm. Mà sự thiếu thấu đáo thì vô tình hay hữu ý đều hay dẫn đến sự thiếu công tâm.
+ Xin chân thành cảm ơn ông!
Việt Vũ (Thực hiện)