Tham gia thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám phản ánh tình trạng quy hoạch được lập, phê duyệt nhưng thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung quy hoạch.
Việc thực hiện chậm này không chỉ là 5 – 10 năm, có khi là 20 năm, có khi là lâu hơn nữa. Người dân vẫn thường gọi trường hợp này là quy hoạch “treo”. Ông Tám cho rằng, các quy hoạch “treo” không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng phát triển kinh tế – xã hội mà còn gây khó khăn, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
“Những cư dân trong khu vực quy hoạch “treo” sống trong cảnh thấp thỏm, khổ sở, đi không được, ở không xong. Quyền lợi của họ không được coi trọng đúng mức. Sửa luật Đất đai cần có quy định rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này”, ông Tám kiến nghị.
Từ đó, đại biểu đoàn Kon Tum kiến nghị cần bỏ “tầm nhìn” trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo dự thảo là 10 năm đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
“Tầm nhìn chỉ mang tính ước lượng, dự báo, mà dự báo có thể chính xác hoặc không. Như thế cũng có thể là một tác nhân của quy hoạch “treo”. Người dân chỉ mong muốn Nhà nước xác định cụ thể quy hoạch đất đai cụ thể là bao lâu, hoặc quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch”, ông Tám phân tích.
Ông Tám cũng đề nghị bổ sung quy định tại điều về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nội dung: Nếu hết kỳ quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà không thực hiện quy hoạch, dự án thì hủy bỏ quy hoạch.
Bên cạnh đó, đại biểu Tô Văn Tám nói: “Vấn đề thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng cần hết sức minh bạch và sòng phẳng với dân”.
Theo ông, Nghị quyết 18 Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định phải tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Tuy nhiên, các quy định về thu hồi, bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất tại dự thảo luật vẫn chưa thể hiện rõ tinh thần này, đồng thời có nhiều nội dung chưa thuận lợi cho người dân.
Đại biểu đoàn Kon Tum đề nghị cần tách bạch thu hồi đất hoàn toàn vì mục đích quốc gia công cộng và thu hồi đất cho mục đích thương mại đơn thuần lợi nhuận.
Trường hợp vì lợi ích quốc gia, công cộng, Nhà nước thu hồi và bồi thường hỗ trợ theo các quy tắc đã được dự thảo xác định, đồng thời có thêm chính sách khuyến khích người dân tham gia.
“Trên thực tế, có rất nhiều người dân tự nguyện ủng hộ đất đai làm đường, cầu, trường học không đòi hỏi bồi thường gì cả, Nhà nước cần có chính sách thêm để khuyến khích”, ông Tám nêu.
Với trường hợp thu hồi đất vì mục đích thương mại, đơn thuần lợi nhuận, ông Tám đề xuất cần quy định theo hướng thỏa thuận như tinh thần Nghị quyết 18. Ông đề nghị cần quy định theo hướng người dân góp vốn bằng đất hoặc khi định giá đất, người có đất thu hồi là một bên trong quy trình định giá.
Trường hợp không thỏa thuận được, người bị thu hồi đất các bên có thể yêu cầu cơ quan định giá độc lập. “Nếu không thỏa thuận được nữa thì có thể yêu cầu tòa giải quyết, tránh trường hợp giá nào cũng không chịu”, ông Tám nêu.
Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) cũng cho rằng, mặc dù dự thảo luật đã cố gắng xác định cụ thể danh mục các dự án mà Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, song không thể liệt kê hết các dự án sẽ phát sinh trong tương lai.
Do đó, ông đề nghị cần thiết kế một chế định khác để xử lý trong trường hợp thực tế phát sinh loại dự án cần thiết để phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng không có trong danh mục dự án đã được ghi trong luật.
Ông Trí phân tích, Luật Đất đai năm 2013 chưa được quy định rõ, dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội để thu hồi đất của người sử dụng đất nhưng thực chất dự án không hoàn toàn để phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng mà vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
“Điều này gây bức xúc cho người sử dụng đất và làm phát sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Vì vậy, dự thảo luật cần quy định rõ đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội phải vì lợi ích quốc gia, công cộng hoặc vì mục đích quốc phòng, an ninh nhưng phải bảo đảm tính thật cần thiết và không vì mục tiêu lợi nhuận”, ông Trí kiến nghị.