Theo kết quả công bố của VCCI, năm 2022 chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Bình Thuận (dựa trên kết quả điều tra từ 123/8.300 doanh nghiệp trong tỉnh) đứng thứ 42/63 tỉnh, thành cả nước (giảm 1,57 điểm và giảm 21 bậc so với năm 2021).
Trong đó, có 5/10 tiêu chí tăng điểm và tăng bậc gồm tiêu chí về gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức và cạnh tranh bình đẳng, chính sách đào tạo lao động.
Tuy nhiên, Bình Thuận có đến 4/10 tiêu chí bị giảm điểm, giảm bậc như tiêu chí về tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền tỉnh và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra Bình Thuận có 1 tiêu chí giảm bậc (nhưng tăng điểm) là tiêu chí thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, xếp thứ 53 tỉnh thành cả nước. Bên cạnh đó, tiêu chí về chỉ số xanh (PGI) chỉ đạt 12,75 điểm, xếp thứ 61/63 tỉnh thành.
Các cơ quan chuyên môn của Bình Thuận đã cùng phân tích và chỉ ra điểm vượt trội và những nguyên nhân sụt giảm vị thứ xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng đề nghị phải phân tích rõ những tồn tại, yếu kém đã tác động, dẫn đến chỉ số PCI xuống hạng. Ông Dũng cũng cho rằng, một số cơ quan, địa phương chưa quyết liệt thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án trên địa bàn.
Để khắc phục sự tụt giảm chỉ số năng lực cạnh tranh, người đứng đầu chính quyền Bình Thuận yêu cầu các ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc. Ông Dũng yêu cầu phải tăng cường gặp gỡ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Mặt khác, phải hủy bỏ các thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết; tăng cường hình thức giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp bằng phương thức trực tuyến, góp phần đảm bảo thời gian nhanh hơn cho người dân. Với nguyên tắc thuộc thẩm quyền cấp nào thì cấp đó giải quyết, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc sang sở ngành khác.