Phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật ở người chưa thành niên: Tăng cường giáo dục, quản lý, giúp đỡ
Trong quý I/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 52 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2022; với 206 đối tượng (201 nam, 5 nữ) tham gia. Trong đó, chủ yếu là các tội trộm cắp tài sản (12 vụ), cố ý gây thương tích (10 vụ), gây rối trật tự công cộng (7 vụ), tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (4 vụ)…
Đáng chú ý, không ít vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện có mức độ nghiêm trọng. Các vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng tại TP Quy Nhơn đều do các đối tượng dưới 18 tuổi thực hiện. Trong đó, điển hình là vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 1.2 tại hẻm 124 Lạc Long Quân (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn). Hai nhóm do Lưu Đức Huy (SN 2006, ở phường Trần Quang Diệu) và Nguyễn Tấn Nghĩa (SN 2005, ở phường Quang Trung) cầm đầu với 40 đối tượng đều dưới 18 tuổi, sử dụng nhiều hung khí đánh nhau, gây bức xúc trong nhân dân.
Nhóm đối tượng dưới 18 tuổi tham gia đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Ảnh: N.G |
Hay vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi gây xôn xao dư luận tại huyện Tây Sơn xảy ra đầu tháng 1 vừa qua, thủ phạm là Nguyễn Anh Tuấn (SN 2007), Lê Văn Tây (SN 2006), Ngô Lê Kinh Kha (SN 2007, cùng ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn). Một đối tượng trong nhóm làm quen với bé gái sinh năm 2007; sau đó, 3 đối tượng dụ dỗ bé gái này đến chỗ vắng để dở trò đồi bại.
Qua điều tra, xử lý các vụ phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, nguyên nhân chính có yếu tố gia đình. Phần lớn người chưa thành niên vi phạm pháp luật sống trong gia đình không hạnh phúc, thường xảy ra mâu thuẫn, bỏ học sớm, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ; hoặc những đứa trẻ được nuông chiều, đáp ứng đầy đủ những điều kiện vật chất nhưng thiếu sự kiểm soát, dẫn đến trẻ có lối sống thụ hưởng, ích kỷ, dễ sa vào ăn chơi, phạm sai lầm. Cùng với đó là sự ảnh hưởng của các sản phẩm xấu độc tràn lan trên môi trường mạng, như: Video, phim ảnh mang tính kích động bạo lực, khiêu dâm kích dục, các trò chơi trực tuyến bạo lực… Bên cạnh đó, một số đối tượng xấu thường lợi dụng tâm sinh lý chưa ổn định của trẻ để dụ dỗ, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Trước thực trạng trên, CA tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi đến CA các đơn vị, địa phương.
Theo đó, lực lượng CA thường xuyên phối hợp mở các lớp giáo dục pháp luật cho số đối tượng chưa thành niên vi phạm pháp luật; huy động sự tham gia của mỗi gia đình, tổ chức xã hội vào công tác giáo dục, quản lý, giúp đỡ, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật. Gọi hỏi, răn đe, giáo dục cá biệt đối tượng hình sự nổi, thanh thiếu niên chậm tiến, cho viết cam kết không vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, lực lượng CA chủ động nắm tình hình hoạt động của các đối tượng hình sự và tệ nạn xã hội để có biện pháp đấu tranh triệt xóa. Làm tốt công tác quản lý, theo dõi các đối tượng thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật để đưa vào diện quản lý nghiệp vụ, áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng… Tăng cường kiểm tra, quản lý các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về ANTT; không để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em.
Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết: “Để phòng ngừa hiệu quả, trước tiên gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái. Ngoài công tác phòng ngừa, chúng tôi sẽ chỉ đạo sớm điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe trước pháp luật”.
N.GIANG