Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, bảng giá đất đầu tiên dự kiến xong trước ngày 31-12-2025. Sau đó, hằng năm sẽ cập nhật thay đổi dựa theo bảng giá này.
Giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 21-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thay mặt cơ quan soạn thảo, gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể nhân dân cả nước thời gian qua đã rất quan tâm, tham gia góp ý và đã có hơn 12 triệu lượt góp ý cho dự án luật này.
Quá trình lấy ý kiến của nhân dân, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình các ý kiến, từ đó đã hoàn thiện được dự thảo luật như đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội rằng dự thảo luật đã có một bước tiến rất quan trọng về chất lượng.
Dự thảo luật gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung 40 điều, bãi bỏ 13 điều so với dự thảo đã lấy ý kiến của nhân dân trước đó.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh: Sau khi có bảng giá đất, hằng năm sẽ cập nhật thay đổi dựa theo bảng giá này. Ảnh: Tuấn Huy |
Theo tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường, để bảo đảm tính thống nhất và tránh chồng chéo giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự thảo luật khác, lần này dựa theo nguyên tắc và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, đó là đối với các luật được ban hành trước ngày Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sẽ rà soát, nếu có mâu thuẫn, xung đột thì quy định cụ thể về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ngay tại dự thảo luật, bảo đảm luật có hiệu lực đồng bộ và bảo đảm tính khả thi.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát quy định về tài chính đất, giá đất, đánh giá đầy đủ tác động nghiên cứu kỹ lưỡng chi phí đất đai. Bởi đây là chi phí đầu vào quan trọng của nền kinh tế, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất, từ đó khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai và bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư, bảo đảm đất đai là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Bỏ khung giá đất và thực hiện xây dựng bảng giá đất hằng năm
Giải trình về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ bỏ khung giá đất và thực hiện xây dựng bảng giá đất hằng năm. Khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực sẽ bắt đầu xây dựng bảng giá đất đầu tiên và dự kiến xong trước ngày 31-12-2025.
“Lần đầu tiên xây dựng bảng giá đất nên sẽ mất nhiều thời gian vì dùng nhiều phương pháp để có mức giá sát với thị trường. Sau khi có bảng giá đất, hằng năm sẽ cập nhật thay đổi dựa theo bảng giá này”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay.
Về phương pháp định giá đất, tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo đưa ra 4 phương pháp định giá đất là: So sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập và hệ số điều chỉnh. 4 phương pháp này sẽ bao trùm được tất cả trường hợp của đất đai hiện nay.
“Với phương pháp so sánh trực tiếp sẽ sát giá thị trường. Hơn nữa, hiện nay có bảng giá đất hằng năm nên khi ký hợp đồng giao dịch, việc thu thuế sẽ căn cứ vào bảng giá đất hằng năm, từ đó sẽ bớt hiện tượng giảm giá đất khi giao dịch, bảo đảm quyền lợi người mua, bán”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.
Phương pháp chiết trừ sẽ chiết trừ phần tài sản trên đất và sau đó vẫn dùng phương pháp so sánh để tính. Phương pháp thu nhập sẽ sử dụng cho các vùng đồng bào thiểu số, vùng đất khó khăn, vùng đất nông nghiệp. Phương pháp hệ số điều chỉnh để thuận lợi cho các khu vực ít có sự thay đổi, ổn định, đầu vào gắn với nguyên tắc thị trường.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, định giá đất cụ thể sẽ tùy theo trường hợp, địa phương sẽ quyết định thực hiện phương pháp nào, bảo đảm công bằng, tránh tiêu cực, tham nhũng.
Bảo đảm cho người dân có đất bị thu hồi có được nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ
Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ cố gắng đưa các điều khoản bảo đảm cho người dân có đất bị thu hồi có được nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Trong đó, để có cuộc sống bằng và hơn nơi ở cũ không phải chỉ về điều kiện sống, về hạ tầng mà chọn vị trí của tái định cư, chọn vị trí vừa ở và vừa sản xuất rất quan trọng, phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, phù hợp với tính cộng đồng, phù hợp với dân tộc.
“Như vậy, chính quyền địa phương phải quyết định được việc tái định cư như thế nào, khi đó sẽ cần tham khảo, đối thoại với nhân dân để quyết định việc tái định cư. Về lâu dài, phải bảo đảm được sinh kế cho nhân dân. Vấn đề này trong điều khoản luật, ban soạn thảo cũng sẽ cố gắng để cụ thể hóa hơn như ý kiến của các đại biểu”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ.
NGUYỄN THẢO