Phía trước tôi là những ngày ý nghĩa
Thanh Quỳnh – Phóng viên thường trú tại TP. HCM
Gắn bó với Báo Tài nguyên và Môi trường từ những ngày đầu, tôi đã có rất nhiều chuyến công tác tới các vùng miền của đất nước. Ban đầu, cũng như nhiều phóng viên, trong những chuyến công tác, tôi chỉ đơn thuần là đi khám phá, đi lấy thông tin, tư liệu để viết bài phản ánh về thực trạng các vấn đề liên quan tới vấn đề tài nguyên và môi trường, kinh tế – xã hội tại địa phương ấy.
Qua thời gian, tôi nhận thấy tài nguyên và môi trường là lĩnh vực khó, liên quan mật thiết đến mọi hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống người dân. Những năm gần đây, hệ thống chính sách, pháp luật lĩnh vực tài nguyên và môi trường ngày càng hoàn thiện và đồng bộ; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại các địa phương đang ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả… Vấn đề là chúng ta phải làm sao phổ biến, tuyên truyền các chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường tới cơ sở, tới từng người dân, từ đó công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu mới thực sự phát huy hiệu quả.
Vì vậy, trong các chuyến tác nghiệp, bên cạnh nhiệm vụ chính là ghi nhận thông tin, tôi luôn tranh thủ hướng dẫn, giải thích, tư vấn cho người dân các vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường, các quy định của pháp luật, mục đích cuối cùng là làm sao để vận dụng chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường đúng đắn nhất, hiệu quả nhất…
Tôi nhớ mãi lần đến Thạnh An (Cần Giờ) – xã đảo duy nhất của TP.HCM. Thời điểm năm 2019, UBND huyện Cần Giờ đang phối hợp với Sở TN&MT triển khai Chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn xã. Gần 2 ngày trên xã đảo, tôi đã chứng kiến người dân hăng say sản xuất, cuộc sống đã có nhiều cải thiện nhờ các chính sách giảm nghèo bền vững của Nhà nước. Tuy nhiên, những khái niệm như “bảo vệ môi trường”, “ứng phó biến đổi khí hậu”, “hạn chế rác thải nhựa”… còn khá xa lạ với người dân nơi đây.
Để giúp người dân hiểu và tham gia chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy, chính quyền địa phương đã thành lập 10 Tổ tuyên truyền với 40 thành viên đến từng khu, xóm để phổ biến, hướng dẫn, vận động người dân. Được tham gia một buổi tuyên truyền, tôi đã xin phép đồng chí Tổ trưởng cho tôi được “nói với bà con đôi điều”.
Vậy là bằng tất cả hiểu biết của một phóng viên có nhiều năm viết về mảng tài nguyên và môi trường, tôi đã “say sưa” nói về những tác hại “kinh khủng” của túi ni lông, đặc biệt là những tác hại trực tiếp đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân, lợi ích của việc sử dụng các bao bì thân thiện môi trường… Kết thúc bài “tuyên truyền” sau gần 20 phút, tôi nhận được một tràng pháo tay khá dài của những người dân và cán bộ Tổ tuyên truyền. Sau đó, một bác gái lớn tuổi đứng lên nói “cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nói đúng vậy thì tôi thực hiện thôi”. Lúc đó, tôi thấy rất vui, cảm thấy mình như là một “sứ giả” của ngành TN&MT, góp một phần đưa chủ trương, chính sách của ngành đến với người dân.
Phía trước tôi, chắn chắn sẽ còn rất nhiều chuyến công tác ý nghĩa như vậy!.