Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và phương thức canh tác
Hiện tại, việc đồng áng của 2 vợ chồng lão nông Nguyễn Vinh không nhiều, không nặng như trước. Một phần, 2 ông bà đã chạm ngưỡng “cổ lai hy”, vai trò lao động chính được đảm trách bởi cậu con trai năm nay 22 tuổi, một phần, nhờ trước đó mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên giúp ông “máy móc đỡ chân tay”.
Qua lời ông Vinh, trong suốt phần đời gắn bó với mảnh vườn, cái cuốc, năm 2010 là thời điểm đáng nhớ nhất khi ông mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp, rẫy đậu, luống cà, dồn hết công sức, tiền bạc đầu tư 1ha thanh trà (160 gốc), 0,5ha lồ ô, hơn 2,5ha keo tràm và nuôi gà thả vườn dưới tán thanh trà.
Hỏi chuyện về thanh trà, ông kể, trước đó, nhiều người ở Dương Hòa, trong đó có tôi vẫn trồng theo phương thức truyền thống và chủ yếu vẫn “nhờ trời”. Đến năm 2017, nắng nóng khốc liệt, hạn hán kéo dài, nguồn nước tưới ở vùng gò đồi Dương Hòa khô kiệt khiến nhiều hộ trồng thanh trà phải liên hệ nhóm thợ Đắc Lắc về khoan giếng lấy nước tưới cây.
“Do địa hình, nhóm thợ khoan xuống toàn gặp cát, phải đổi nhiều vị trí khoan khác nhau nên họ lưu lại nhà tôi khá lâu. Trong thời gian lưu lại, họ giới thiệu hệ thống béc phun mưa từ trên cao thường để tưới cây cà phê. Từ mô tả, tôi thấy tính khả thi cao nếu áp dụng vào tưới thanh trà nên đồng ý mua một bộ”, ông Vinh nhớ lại.
Cách tưới truyền thống là khoan giếng ngầm, đào bể chứa rồi dùng bơm đẩy nước từ giếng lên bể, sau đó dùng bơm chuyền kéo ống tưới từng gốc thanh trà. Cách tưới này rất mất công sức, hiệu quả không cao. “Cứ 2 ngày phải tưới một lần, kéo ống đi khoảng 100 gốc thanh trà là rã rời chân tay”, ông Vinh nói.
Nhưng sau khi mua béc phun mưa và cải tiến một số chi tiết, như: cần đỡ, hệ thống dẫn nước với khóa cơ học để ưu tiên tưới nước từng vùng, không tập trung tưới một lần, ông Vinh chỉ cần ngồi trong nhà, bật công tắc điện là béc phun có thể đưa nước đi xa các vùng xung quanh. Và phân tích từ các chuyên gia nông nghiệp, cùng một lượng nước nhưng khi tưới trên lá sẽ hiệu quả hơn tưới dưới gốc, nhất là trong giai đoạn thanh trà trổ hoa, cho quả.
“Chi phí để đào giếng, đào bể chứa lót bạt, đầu tư 2 máy bơm, hệ thống ống dẫn nước… tầm 70 triệu đồng. Đây là khoản kinh phí khá lớn nhưng đầu tư một lần mà dùng lâu dài, tiết kiệm sức lao động và nâng cao hiệu quả cây trồng. Sau ông Vinh, nhiều hộ trồng thanh trà thôn Buồng Tằm áp dụng mô hình tưới mới này, giúp năng suất, chất lượng, kích cỡ quả thanh trà nâng lên rõ rệt, góp phần không nhỏ vào những giải thưởng mà thanh trà Dương Hòa đạt được tại các lần tham gia hội thi thanh trà Huế”, ông Nguyễn Cửu Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa cho hay.
Ngoài vườn thanh trà cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm sau khi trừ mọi chi phí, khi đến kỳ khai thác, những diện tích lồ ô, keo tràm cũng đem về cho gia đình ông Vinh thêm gần 100 triệu đồng/năm. Cộng với khoản thu từ mô hình gà kiến thả vườn 20-30 triệu đồng/năm, không những giúp kinh tế gia đình ngày càng đi lên, ông Vinh còn giúp tạo công việc cho hơn 10 lao động địa phương, cả thường xuyên lẫn thời vụ cùng mức thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng.
Cũng từ việc mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo nên nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, hiện tại, không chỉ được biết đến là một trong những điển hình của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, được địa phương và tỉnh nhiều lần khen thưởng. Năm 2022, ông Vinh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Vì cộng đồng
Thật ra, rất nhiều người đã “biết” ông Vinh từ năm 2004 – thời điểm ông tự nguyện hiến tặng 9 ngàn m2 đất sản xuất để phục vụ xây dựng công trình Bia chiến tích Dương Hòa (xã Dương Hòa).
“Bản thân là Chủ tịch hội đồng Giáo xứ Buồng Tằm, tôi luôn tâm niệm, tôn giáo nào cũng hướng con người đến việc tốt, điều thiện, biết cống hiến cho xã hội, phụng sự Tổ quốc, quê hương. Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhờ những hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Vậy nên, việc hiến tặng đất để xây dựng công trình ghi nhớ công ơn của các thế hệ đi trước đã ngã xuống là điều nên làm”, ông Vinh chia sẻ.
Sau khi hiến tặng 9 ngàn m2 đất, đến năm 2010, toàn TX. Hương Thủy bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Để góp sức cùng địa phương hoàn thành mục tiêu quốc gia, ông Vinh có thêm 2 lần hiến đất với tổng diện tích 3 ngàn m2 để xây dựng đường liên thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn.
“Nhiều người cũng hỏi sao hiến nhiều vậy, vì trước đây đã hiến 9.000m2 rồi. Bản thân tôi thì nghĩ, những việc có lợi cho cộng đồng, cho xã hội, ai có điều kiện cứ làm hết khả năng. Với lại, hiến đất xây các công trình công cộng thì bản thân mình, con cháu mình cũng được hưởng lợi chứ mất đi đâu”, ông Vinh chia sẻ.
“Quá trình xây dựng nông thôn mới tại xã Dương Hòa, ông Nguyễn Vinh là người tiên phong hiến đất xây dựng các công trình công cộng, phục vụ cộng đồng. Từ đó, nghĩa cử này đã lan tỏa, được nhiều người trên địa bàn xã hưởng ứng. Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Gái (thôn Thanh Vân) hiến đất xây trường mầm non, trạm y tế, khu vui chơi cho trẻ; quỹ đất hội đồng Giáo xứ Buồng Tằm hiến đất làm đường bê tông…”, ông Lê Văn Thức – Chủ tịch UBND xã Dương Hòa thông tin.
“Bên cạnh tiên phong hưởng ứng các phong trào, các hoạt động thiện nguyện do địa phương phát động, ông Nguyễn Vinh còn là nhân tố quan trọng, là chất kết dính để cùng bà con Dương Hòa nói chung, giáo dân Buồng Tằm luôn nói riêng tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”…, đồng thời, luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, qua đó, tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cộng đồng”, ông Lê Mạnh – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TX. Hương Thủy nhìn nhận.