“ Thiên Long có rất nhiều sản phẩm bút bi ai cũng biết tới. Đó là niềm tự hào, nhưng cũng là nỗi đau, bởi có những sản phẩm Thiên Long đã đưa ra nhưng ít người dùng biết tới ”, bà Trần Phương Nga – CEO Tập đoàn Thiên Long chia sẻ trong chương trình “The Next Power” do S-World tổ chức.
Một số ví dụ được vị CEO liệt kê bao gồm bột nặn trẻ em có thể ăn được, bộ sản phẩm gôm tẩy và bìa đựng file kháng khuẩn, bút vẽ được trên vải để trẻ em trang trí đồ dùng, hay thậm chí là bút đánh dấu trên da dùng trong phòng mổ.
“ Tôi luôn cầm theo chiếc bút TL-027 được tất cả mọi người biết tới. Tuy nhiên, đây là sản phẩm khá truyền thống. Khi tôi tới các cửa hàng tại Nhật Bản, những sản phẩm tại đây mang tính cá nhân và phong cách để phục vụ học tập, làm việc, đầy cảm xúc và rất đẹp. Tôi luôn mơ ước người Việt Nam được tiếp cận những sản phẩm như vậy ”, bà trải lòng.
Đây là phần mở đầu cho câu chuyện về hành trình nỗ lực đổi mới tại Thiên Long – tập đoàn được thành lập năm 1981 và chiếm khoảng 60% thị phần bút viết trong nước từ năm 2016 đến nay. Theo CEO Trần Phương Nga, ngay cả khi công ty đang ổn, họ vẫn cố gắng trở mình để vươn tới một cái đích khác.
“ Sự thay đổi càng về sau sẽ càng khó hơn trước bởi mọi việc đang rất tốt, như những bánh xe ăn khớp vào nhau một cách tuyệt vời. Khi thay đổi mình luôn sợ hãi. Tuy nhiên, nếu sợ chúng ta sẽ không dám làm gì hết. Thôi thì chấp nhận cứ thay đổi trước. Khi đổi thế nào cũng phải có cái mới ”, bà chia sẻ.
Theo CEO của Thiên Long, sự thay đổi “đáng sợ” nhất là việc nhường bước cho thế hệ tiếp nối. Bà thừa nhận cảm giác bất an khi giao quyền, công việc cho người khác bởi cảm thấy sai sót có khả năng xảy ra. “ Việc vượt qua chính mình, giao quyền, chấp nhận làm những việc còn chưa biết đích đến quả thật khó khăn ”, bà nói.
Người dẫn chương trình Trương Lý Hoàng Phi đặt ra vấn đề rằng trong quá trình sáng tạo có những sản phẩm được giữ lại, nhưng có những thứ phải “tự giết nó đi” vì không còn phù hợp. Đáp lại, bà Nga cho biết đó là việc khó với nhiều doanh nghiệp và với Thiên Long còn khó khăn hơn, bởi công ty có tới hàng nghìn sản phẩm, không phải tất cả đều thành công.
“ Hàng năm chúng tôi cũng phải rà lại để bỏ bớt. Nhưng hãy xem đó là điều bình thường. Có sống, có chết, có tái tạo mới có môi trường để đi tiếp. Có nhiều sản phẩm khi hủy tôi tiếc lắm, thực sự đau xót, nhưng đó là cuộc chơi mình phải chấp nhận. Nếu quá cẩn trọng và cầu toàn sẽ không có danh mục sản phẩm đa dạng. Đích chúng tôi hướng tới là những sản phẩm văn phòng phẩm đa dạng, có phong cách, cảm xúc ”, bà Nga cho hay.
Trước câu hỏi thị trường văn phòng phẩm có bao giờ hẹp lại để nhường chỗ cho những thiết bị công nghệ hiện đại hơn hay không, bà Nga cho biết thay vì sử dụng những sản phẩm chỉ tốn 5.000 đồng như trước kia, khách hàng giờ đây thích những sản phẩm có giá trị hơn hẳn để có trải nghiệm. Vì vậy, hướng đi của Thiên Long là không tập trung vào số lượng nữa mà tập trung vào giá trị.
“ Bây giờ đa số chúng ta đều đọc sách online, nhưng vẫn rất yêu những cuốn sách truyền thống. Tôi nghĩ những sản phẩm truyền thống sẽ không bao giờ mất đi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không đi theo công nghệ. Thiên Long đã có sự chuẩn bị cho bước đường dài trong tương lai ”, bà Nga nhận định.