“Kaito Kid” là nhân vật siêu trộm trong bộ truyện tranh nổi tiếng “Thám tử lừng danh Conan”. Trên mạng xã hội, đây là tài khoản chuyên dự đoán tác phẩm sẽ ra trong câu hỏi nghị luận văn học. Sau khi liên tục “đoán trúng” đề thi tốt nghiệp THPT 3 năm gần nhất và vướng phải lùm xùm lộ đề hồi tháng 7.2022, tài khoản Kaito Kid hiện có lượng theo dõi “khủng” đến 1,1 triệu người.
Mới đây, tài khoản Kaito Kid đăng thông báo được cho là sẽ tiếp tục “đoán đề” vào tối 27.6, một ngày trước buổi thi ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2023. Thông tin này lập tức “gây bão”, thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác vài giờ sau đó. Dưới bài đăng, không ít thí sinh bày tỏ ủng hộ, thậm chí thừa nhận đến khi biết đề dự đoán là gì mới… bắt đầu ôn thi ngữ văn.
Sẽ ôn thi theo 50-70%?
Nhận tin về buổi “đoán đề” sắp tới của “Kaito Kid”, Trần Ngọc Anh, lớp 12A4 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), bộc bạch không chỉ em mà số đông bạn bè xung quanh đều rất “hóng”.
“Em sẽ ôn theo 50-70% dựa vào kết quả dự đoán lần này, một phần vì muốn tự kiểm chứng màn ‘ảo thuật’ trong lời đồn, phần khác vì em không quá đặt nặng điểm văn tốt nghiệp THPT do đã trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ từ trước”, nữ sinh cho biết.
Tuy nhiên, theo Ngọc Anh, những thí sinh dùng điểm văn để xét tuyển ĐH không nên quá tin vào tác phẩm được dự đoán để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, làm lỡ mất “cánh cửa” vào ngôi trường ưng ý.
“Những ngày này, em thường lên YouTube xem video tóm tắt các tác phẩm văn học, đồng thời đọc lại những kiến thức cơ bản và lưu ý để không mất điểm trong phần đọc hiểu”, Ngọc Anh chia sẻ thêm.
Tương tự, Trương Trần Mai Anh, lớp 12A14 Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM), cũng nhìn nhận “đoán đề” nói chung, và hiện tượng “Kaito Kid” nói riêng đều tạo nên sự thích thú, mong chờ cho sĩ tử sinh năm 2005 trong những ngày ôn tập nước rút.
“Phần lớn các bạn đều muốn tìm ‘vận may’ cuối cùng để tiếp thêm động lực và sự tự tin trước ngày thi. Bản thân em cũng lắng nghe ‘vũ trụ mách bảo’ bằng cách dùng vòng xoay may mắn và bốc thăm để chọn ra tác phẩm trọng điểm”, nữ sinh xét tuyển bằng tổ hợp D01 lý giải.
Đặt nguyện vọng vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Mai Anh nói em đang ôn tập kỹ và chắc từng nội dung. Theo đó, ở phần đọc hiểu, nữ sinh học các kiến thức liên quan và thuộc lòng dàn ý trả lời câu hỏi. Với câu nghị luận xã hội, Mai Anh chú trọng cập nhật các dẫn chứng thực tế. Còn ở phần nghị luận văn học, nữ sinh không “học tủ” mà nắm chắc thông tin tác giả, tác phẩm và học thêm một số mở-kết bài mẫu.
Cẩn trọng ảnh hưởng tâm lý
Cô N.H.H, giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), khẳng định hiện tượng “đoán đề” môn văn trên mạng xã hội dường như là “truyền thống” thường niên mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT. “Dù chỉ là hoạt động cá nhân của số ít người dùng nhưng điều này sẽ tạo ra dư luận và bàn tán, từ đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thí sinh”, cô H. nhìn nhận.
Theo nữ giáo viên, hệ quả nghiêm trọng nhất của việc “đoán đề” là sẽ khiến thí sinh hoang mang hoặc “học tủ” và có nguy cơ bị “tủ đè”. “Điều này tác động không nhỏ đến tâm lý các em, khiến không chỉ kết quả bài làm môn văn bị ảnh hưởng mà còn cả những môn thi sau. Vì thế, việc đoán đề hay đoán bài sẽ ra ở kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp THPT là không nên”, cô H. nêu quan điểm.
Giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đồng thời lưu ý, càng gần đến ngày thi, thí sinh càng nên giữ sức khỏe và tâm lý ổn định. Việc ôn tập cũng nên theo hướng có trọng tâm, vững kiến thức, đặc biệt là cách viết đoạn văn nghị luận xã hội và phương pháp làm bài nghị luận văn học mà thầy cô đã hướng dẫn trên lớp.
“Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần hạn chế lướt mạng xã hội, đừng để những thông tin được đồn đoán về đề thi văn ảnh hưởng đến tinh thần và làm xao nhãng mục tiêu của bản thân. Các em hãy dành ra lượng thời gian nhất định để nghỉ ngơi, thư giãn, nghe nhạc, hay chơi môn thể thao yêu thích. Có được tinh thần thoải mái, sẽ giúp các em tự tin bước vào kỳ thi lần này”, cô H. khuyên.