Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu tiên được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Chỉ số PGI được thực hiện với kỳ vọng thúc đẩy các địa phương vừa phát triển kinh tế, vừa duy trì được vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao giá trị, thương hiệu, sức hấp dẫn của tỉnh với các nhà đầu tư. Trong lần đầu tiên công bố PGI, dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp, tỉnh ta đạt 15,35/40 điểm, đứng thứ 20 trên bảng xếp hạng toàn quốc.
Để hiểu rõ cảm nhận về chất lượng quản trị môi trường do cộng đồng doanh nghiệp muốn truyền tải tới chính quyền các cấp, tỉnh chủ động làm rõ những ưu điểm cũng như những hạn chế thông qua phân tích 4 chỉ số thành phần của PGI. Theo đó, ở chỉ số Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cho doanh nghiệp (đánh giá về kỳ vọng chính quyền sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong chuẩn bị, ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu) tỉnh mới chỉ đạt 3,14/10 điểm. Chi tiết gồm: 43% doanh nghiệp đánh giá chất lượng môi trường tổng thể tại tỉnh ở mức tốt hoặc rất tốt; 18% doanh nghiệp đánh giá môi trường tại tỉnh không bị ảnh hưởng tới mức độ ô nhiễm; 39% doanh nghiệp đánh giá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên có tới 73% doanh nghiệp đồng ý nhận định tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là phổ biến tại tỉnh; chỉ có 1% doanh nghiệp có ý định chuyển địa điểm đầu tư đến địa phương có ít rủi ro thiên tai hơn; 6% doanh nghiệp cho rằng thiên tai và biến đổi khí hậu gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) cho thấy Nam Định chưa thực hiện quy chuẩn về bố trí trạm quan trắc chất lượng không khí tại các đô thị loại IV trở lên với tỷ lệ trên 10 nghìn dân.
Đầu tư dây chuyền sản xuất giấy in nhiệt theo công nghệ hiện đại của Công ty TNHH Đầu tư Linh Giang (Nghĩa Hưng) hướng tới sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường. |
Chỉ số Đảm bảo tuân thủ các tiêu chí môi trường tối thiểu của tỉnh (đo lường mức độ hiệu quả của việc giám sát và thực thi quy định môi trường do chính quyền cấp tỉnh thực hiện nhằm giảm thiểu các tác hại môi trường gây ra bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp) lọt “top” trên trung vị của bảng xếp hạng toàn quốc, đạt 5,78/10 điểm. Các điểm số chi tiết gồm: theo dữ liệu của Bộ TN và MT 100% chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh được xử lý đúng yêu cầu BVMT; 95% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải từ 50m3/ngày trở lên có hình thức xử lý nước thải đạt chuẩn; 59% chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn. Tuy nhiên cũng theo dữ liệu của Bộ TN và MT, tỉnh chưa thực hiện quy định xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đạt chuẩn; bên cạnh đó vẫn có 4% doanh nghiệp đã phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ Thanh tra môi trường.
Chỉ số vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh (đo lường mức độ lồng ghép các mục tiêu môi trường vào chính sách phát triển chung, vào hoạt động đấu thầu mua sắm công, vào các hoạt động hướng dẫn, phổ biến quy định pháp luật, các thực hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “xanh hóa” quy trình hoạt động, mô hình kinh doanh, sản xuất và hành vi của doanh nghiệp) của tỉnh lọt “top” trên mức trung vị trên bảng xếp hạng toàn quốc với mức điểm là 4,25/10 điểm với các điểm số chi tiết. Theo đó: mới có 7% doanh nghiệp được hướng dẫn sử dụng năng lượng tái tạo; mới có 3% doanh nghiệp được hướng dẫn về sản xuất năng lượng tái tạo; 10% doanh nghiệp được hướng dẫn về giảm thiểu sử dụng nhựa; mới có 7% doanh nghiệp được hướng dẫn về đầu tư vào quản lý hiệu quả chất thải rắn; mới có 14% doanh nghiệp được hướng dẫn về hạn chế ô nhiễm nguồn nước; mới có 15% doanh nghiệp được hướng dẫn về sử dụng tiết kiệm điện; mới có 14% doanh nghiệp được hướng dẫn; mới có 2% doanh nghiệp được hướng dẫn về tái trồng rừng. Bên cạnh đó, theo dữ liệu của Bộ TN và MT, tỉnh mới chỉ chi 1% ngân sách cho hoạt động sự nghiệp BVMT; tỷ lệ số lượng công chức, cán bộ thực hiện nghiêm nhiệm vụ BVMT trên 1 triệu dân mới đạt 143,23 người.
Chỉ số Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong BVMT của tỉnh (đánh giá các chính sách và dịch vụ hỗ trợ được chính quyền tỉnh áp dụng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp có các hành vi và quyết định tạo ra tác động môi trường tích cực vượt trên các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu theo quy định pháp luật của Việt Nam hoặc theo tiêu chuẩn quốc tế) lọt “top” trên mức trung vị trên bảng xếp hạng toàn quốc, đạt 2,20/10 điểm, với các điểm số chi tiết (theo khung từ 0-4 điểm) gồm: chính sách khuyến khích, hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đạt 1,68 điểm; chính sách khuyến khích, hỗ trợ về năng lượng sạch/năng lượng tái tạo đạt 2,29 điểm; chính sách khuyến khích, hỗ trợ về giảm thiểu ô nhiễm không khí đạt 0,49 điểm; chính sách khuyến khích, hỗ trợ về ô nhiễm nước và nước thải đạt 0,54 điểm; chính sách khuyến khích, hỗ trợ về giảm thiểu rác thải nhựa đạt 0,43 điểm; chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tái chế rác thải đạt 0,12 điểm; chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tăng khả năng chống chịu thiên tai đạt 0,16 điểm; chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tái rồng rừng đạt 0,12 điểm; chính quyền tỉnh cung cấp dịch vụ tư vấn để cải thiện hoạt động môi trường đạt 0,92 điểm; chính quyền tỉnh cung cấp dịch vụ đào tạo để cải thiện hoạt động môi trường đạt 0,25 điểm.
Kết quả phân tích chi tiết cho thấy mặc dù tỉnh có 3 chỉ số thành phần lọt “top” trên mức trung vị trên bảng xếp hạng toàn quốc nhưng có thể thấy còn rất nhiều khía cạnh cần cải thiện. Trên toàn quốc, theo thang điểm 10, không có tỉnh nào đạt vượt trội về điểm số tổng thể; tổng điểm và điểm chỉ số các thành phần của Nam Định cũng chưa cao, đặc biệt là ở chỉ số thành phần Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong BVMT bởi thực tế là các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong BVMT hiện nay chưa phổ biến. Bên cạnh đó, theo đánh giá của VCCI: Hầu hết các địa phương đang ở giai đoạn đầu của quá trình “chuyển đổi xanh” và chưa có nhiều không gian cho thay đổi. Thậm chí trong số các địa phương có kết quả nổi trội hơn cũng chưa có địa phương nào thành công trong mọi hoạt động cần thiết để có thể thực sự ngăn chặn suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. VCCI cũng nhận định, mặc dù quản trị môi trường tốt hơn thường góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai do biến đổi khí hậu song vẫn có một vài yếu tố (gọi là các biến gây nhiễu) có thể làm giảm cơ hội tìm ra được mối tương quan giữa chúng. Cụ thể là, dù các tỉnh có thể thiết kế và thực hiện các chính sách xuất sắc trên địa bàn tỉnh mình song hầu như chẳng thể làm gì với những rủi ro về ô nhiễm và môi trường do các địa phương lân cận gây ra. Các chất gây ô nhiễm có thể bị phát tán từ tỉnh này sang tỉnh khác theo gió và nước. Các thảm họa môi trường có thể xảy ra ngoài dự đoán bởi các tỉnh lân cận không thể ngăn chặn, xử lý được những vi phạm diễn ra tại các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh như vùng rừng núi, sông suối hoặc vùng tài nguyên chung. Ngoài ra, biến đổi khí hậu có thể bị trầm trọng hóa bởi những nhân tố phái sinh từ hậu quả của hành vi gây ô nhiễm. Một trong những ví dụ nổi bật nhất về hiện tượng này là tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long do mực nước biển dâng.
Từ phân tích chi tiết các điểm chỉ số thành phần của tỉnh cùng với nhận định của VCCI, trong thời gian tới tỉnh phải quyết liệt nâng điểm các chỉ số thành phần của PGI. Đặc biệt phải quan tâm thực thi các quyết sách phù hợp để giảm ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu cho doanh nghiệp; nâng cao hơn nữa vao trò của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không ngừng phát triển theo hướng bền vững. Trong đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh sẽ phát huy vai trò thúc đẩy, thậm chí là dẫn dắt các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược để trở thành hình mẫu về BVMT, chẳng hạn như hướng dẫn các chủ doanh nghiệp đưa ra các quyết định điều hành mà có thể đưa doanh nghiệp của họ trở thành đơn vị đi đầu trong tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo, bền vững. Trong bối cảnh rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, tỉnh cần chú trọng gia tăng hơn nữa năng lực đáp ứng các kỳ vọng của doanh nghiệp về cung ứng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp trong chuẩn bị, ứng phó, giảm thiểu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu (lũ lụt, nước biển dâng, hạn hán…) đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý