Theo đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong số 10 dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Ngay sau khi Quốc hội tiến hành thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sáng 21/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, sau đó thực hiện lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 03/01/2023 đến ngày 15/3/2023. Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng lấy ý kiến như: tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân, đồng thời tiếp nhận các ý kiến góp ý trực tiếp của các địa phương đại diện cho các vùng, miền có tính đặc thù.
Tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân, và các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, một số chương, mục, điều của dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung. Dự thảo Luật sau khi hoàn thiện có bố cục gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.
Tham gia thảo luận về dự án luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng; các tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình. Đồng thời góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo trên tinh thần bám sát các chủ trương của Đảng, tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc, đảm bảo hài quyền lợi của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, đưa đất đai thành nguồn lực phát triển KT-XH.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về phiên họp của Quốc hội