Góp phần ngăn chặn suy thoái đạo đức nghề báo
Cách đây một năm, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân tổ chức lễ phát động phong trào và công bố 12 tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo, không ít người quan tâm đến lĩnh vực báo chí băn khoăn: Đã có Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan thì phát động phong trào nhằm mục đích gì?
Trong lĩnh vực báo chí có rất nhiều văn bản pháp luật, quy định và quy tắc nhưng không thể bao quát hết mọi vấn đề, mọi tình huống nảy sinh từ thực tiễn hoạt động báo chí, ví như nhiều nhà báo không công tâm, khách quan trong nhận định, đánh giá vì động cơ vụ lợi; hiện tượng nhà báo “hai mặt”, chính kiến không thống nhất trong bài viết trên báo và trên mạng xã hội; một bộ phận người làm báo thiếu dấn thân vào đời sống để đi đến cùng sự thật; mang mặc, tác phong, phát ngôn thiếu nghiêm túc, chuẩn mực…
Phát động phong trào là để nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của người làm báo về sứ mệnh, vai trò của văn hóa; đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách người làm báo… Qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn phấn đấu trở thành một điểm sáng văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực.
Phóng viên tác nghiệp tại hội thảo kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, tháng 2-2023. Ảnh: TRẦN HUẤN |
TS Mạch Lê Thu, Viện Thông tin khoa học xã hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Ở một số quốc gia, dù không có luật báo chí nhưng mỗi cơ quan báo chí đều có bộ quy tắc đạo đức (code of ethics) bắt buộc phóng viên, nhân viên phải tuân thủ để bảo đảm giữ gìn uy tín tổ chức và người làm nghề. Do vậy, việc phát động Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” với những tiêu chí cụ thể sẽ góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”.
Nhà báo chiến sĩ tiên phong xây dựng văn hóa báo chí
Nhìn lại một năm thực hiện phong trào, báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Có 84 đơn vị gửi báo cáo về thực hiện phong trào (50 hội nhà báo tỉnh, thành phố; 12 liên chi hội; 22 chi hội trực thuộc Trung ương). Các hội nhà báo tỉnh, thành phố và các liên chi hội đã tích cực triển khai thực hiện với nhiều nội dung: Tổ chức lễ phát động, ký kết giao ước thi đua; tăng cường đưa nội dung văn hóa báo chí vào các buổi sinh hoạt hội, hội nghị, hội thảo, tọa đàm; gắn xây dựng môi trường văn hóa với nội dung đào tạo, bồi dưỡng chính trị, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng và thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, tiêu chí văn hóa cơ quan báo chí; tổ chức nhiều loạt bài chất lượng về lĩnh vực văn hóa…
Báo Quân đội nhân dân (QĐND) được Hội Nhà báo Việt Nam biểu dương là một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong việc triển khai phong trào thiết thực, hiệu quả. Ngày 15-9-2022, Báo QĐND phát động Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong Báo QĐND” với chủ đề “Trách nhiệm, chính quy, chuyên nghiệp, nhân văn”, xây dựng Báo QĐND là “cơ quan báo chí văn hóa”, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên là “người làm báo văn hóa”. Để đưa phong trào đi vào cuộc sống, Liên chi hội Nhà báo Báo QĐND đã tổ chức hai tọa đàm, gồm: “Văn hóa báo chí” trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 (tháng 3-2023) và “Văn hóa nhà báo chiến sĩ” trong dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2023). Hai cuộc tọa đàm góp phần làm rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa đối với cơ quan báo chí và người làm báo nói chung, Báo QĐND nói riêng; nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về những giá trị cơ bản của văn hóa nhà báo chiến sĩ Báo QĐND.
Với tọa đàm “Văn hóa nhà báo chiến sĩ” đã bước đầu nhận diện những đặc điểm văn hóa của nhà báo chiến sĩ, đó là: Tuyệt đối trung thành với Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật nhà nước và kỷ luật Quân đội; có tri thức lý luận, tri thức văn hóa sâu rộng; nghiệp vụ tinh thông, chuyên nghiệp; trách nhiệm, nhiệt tình; sâu sát thực tế; tác phong chuẩn mực; tinh thần hợp tác, dấn thân, cống hiến; công tâm, không vụ lợi; ứng xử văn hóa với cộng tác viên, bạn đọc… Tọa đàm cũng đã đề xuất, kiến nghị, đưa ra giải pháp nhằm góp phần nâng cao uy tín nhà báo chiến sĩ Báo QĐND trong đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam. Trong đó xác định xây dựng văn hóa nhà báo chiến sĩ phụ thuộc trước hết vào ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi cá nhân vì lợi ích chung của tờ báo chiến sĩ; vì sự trưởng thành, lớn mạnh, xứng đáng với vị thế là một trong những tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước, là một trong 6 cơ quan báo chí truyền thông chủ lực, đa phương tiện, định hướng dư luận xã hội.
Làm cho văn hóa thấm sâu vào người lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, trong quá trình thực hiện phong trào vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Phong trào đã phát động song chưa có những hành động hưởng ứng cụ thể, kịp thời. Một số cấp hội còn triển khai phong trào mang tính hình thức, chưa hiệu quả.
Để xây dựng phong trào hiệu quả thực chất, nhà báo Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học cho rằng: “Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí về xây dựng môi trường báo chí; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc xây dựng kế hoạch và nội dung hưởng ứng phong trào có ý nghĩa nhân văn này”.
Việc xây dựng môi trường văn hóa cũng cần phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của các cấp hội, các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong từng giai đoạn cụ thể. Trao đổi với phóng viên Báo QĐND, PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản cho rằng: “Tạp chí lý luận chính trị có những điểm đặc thù, phải gánh vác chức năng mang tính tổng hợp, bao gồm cả nghiên cứu lý luận, giáo dục lý luận và tuyên truyền lý luận. Yếu tố đầu tiên cần đề cao trong thực hiện phong trào là cán bộ, biên tập viên phải tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng nhà báo “hai mặt”. Người làm tạp chí lý luận chính trị còn “nghĩ khác”, “làm khác” thì làm sao nghiên cứu công phu, giáo dục và tuyên truyền lý luận chính trị sâu rộng cho những người khác”.
Bản chất phong trào không có tính bắt buộc mà dựa vào sự tự giác nên trong quá trình triển khai cần phải kiên trì, bền bỉ với nhiều giải pháp đồng bộ. Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: “Tổ chức những lễ phát động không quyết định môi trường văn hóa làm báo, đạo đức người làm báo sẽ được cải thiện tức thì, mà cần thực hiện với nhiều biện pháp tổng hợp như tuyên truyền, giáo dục, vận động, đề ra quy tắc… Để xây dựng môi trường văn hóa báo chí phải cần quá trình lâu dài, chuẩn bị kỹ để văn hóa thấm nhuần từ người lãnh đạo đến từng hội viên, phóng viên, qua đó góp phần làm cho văn hóa ngày càng thấm sâu vào đời sống báo chí”.
Phát biểu kết luận hội nghị giao ban báo chí tổ chức ngày 20-6-2023 tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu: “Chú trọng hơn đến việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo có văn hóa. Làm tốt điều này, chúng ta sẽ có một nền báo chí liêm chính, nhân văn và chuyên nghiệp; đồng thời góp phần khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của một bộ phận phóng viên, nhà báo. Đây là trách nhiệm phải làm của các cơ quan báo chí”. |
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/de-van-hoa-ngay-cang-tham-sau-vao-doi-song-bao-chi-731810