Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (VCG) thoái vốn toàn bộ khỏi VCM
Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (Mã VCG) vừa đăng ký bán ra 1,326 triệu cổ phiếu của CTCP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (VCM). Giao dịch được đăng ký từ ngày 21/6 đến ngày 20/7.
Hiện tại, VCG đang sở hữu 44,2% cổ phần tại VCM, nếu giao dịch thành công thì tỷ lệ sở hữu của VCG sẽ giảm xuống còn 0%.
Động thái thoái vốn của Vinaconex tại VCM khiến nhiều nhà đầu tư chú ý bởi cũng trong thời điểm này, không chỉ công ty mẹ mà CTCP VIMECO, đơn vị liên quan tới Chủ tịch HĐQT của Vinaconex, ông Nguyễn Khắc Hải cũng đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu VCM đang nắm giữ.
VIMECO đang sở hữu 130.000 cổ phiếu VCM, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,33%. VIMECO đã đăng ký bán toàn bộ theo hình thức khớp lệnh hoặc thoả thuận từ ngày 21/6 đến ngày 19/7 nhằm thoái vốn toàn bộ khỏi VCM.
Trong phiên giao dịch ngày 20/6, cổ phiếu VCM đã được giao dịch với mức giá khoảng 29.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, Vinaconex đã thu về số tiền tương đương với khoảng 38,6 tỷ đồng. Còn VIMECO thu về khoảng 3,8 tỷ đồng.
Lợi nhuận quý 1 lao dốc 98%, VCG chỉ hoàn thành 2% chỉ tiêu năm 2023
Với động thái thoái vốn toàn bộ khỏi VCM, thu về hàng chục tỷ đồng tiền mặt, nhiều nhà đầu tư đang đặt dấu hỏi về tình hình kinh doanh của Vinaconex. Trong quý 1 năm 2023, công ty đạt doanh thu khoảng 1.965 tỷ đồng, tăng khoảng 47% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp thu về đạt 315 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý 1 năm 2022.
Doanh thu tài chính trong kỳ giảm mạnh từ 737 tỷ đồng xuống chỉ còn 93 tỷ đồng do không còn ghi nhận 598 tỷ đồng lợi nhuận từ việc mua rẻ công ty con trong quý 1 năm 2022.
Các chi phí trong kỳ hầu hết đều tăng như chi phí tài chính tăng từ 193 tỷ lên 218 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 87 tỷ đồng, chi phí bán hàng vẫn duy trì ở mức 15 tỷ đồng.
Sau khi trừ hết đi các loại chi phí, Vinaconex đạt lợi nhuận sau thuế trong quý 1 chỉ 16 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ năm trước. So sánh với kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 16.340 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng thì kết thúc quý 1, Vinaconex mới chỉ hoàn thành được 2% chỉ tiêu đề ra.
Tài sản chủ yếu là nợ, phải phát hành 49 triệu cổ phiếu để trả cổ tức
Tại thời điểm kết thúc quý 1 năm 2023, tổng tài sản của VCG đang được ghi nhận ở mức 32.474 tỷ đồng, tăng tới gần 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Điều đáng nói đó là trong cơ cấu nguồn vốn của VCG, nợ phải trả đang chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 22.550 tỷ đồng, tương ứng với 69,4% tổng tài sản.
Trong đó, công ty đang phải vay nợ ngắn hạn lên tới 5.416 tỷ đồng, chỉ tiêu vay nợ ngắn hạn tăng thêm 61 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ vay dài hạn cũng ghi nhận tăng thêm 531 tỷ đồng, lên mức 8.699 tỷ đồng tại cuối quý 1 năm 2023.
Vốn chủ sở hữu tại cuối quý 1 đạt 9.924 tỷ đồng với vốn cổ phần đã phát hành chiếm 4.859 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty đạt 1.695 tỷ đồng.
Với tình hình kinh doanh như trên, Vinaconex đã công bố nghị quyết HĐQT về phương án trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu. Cụ thể thì công ty sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Tương ứng với việc mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu VCG sẽ nhận được thêm 10 cổ phiếu mới phát hành thêm.
Để thực hiện phương án trả cổ tức này, Vinaconex dự kiến sẽ phát hành 48,6 triệu cổ phiếu mới, tăng vốn điều lệ từ 4.859 tỷ lên 5.345 tỷ đồng.