Địa hình đáy biển, độ sâu và áp suất quá lớn khiến công tác tìm kiếm cứu hộ tàu lặn chở 5 hành khách tham quan xác tàu Titanic trở nên vô cùng khó khăn.
Các nhân viên cứu hộ tìm kiếm tàu lặn biến mất khi tham quan xác tàu Titanic không chỉ phải chạy đua với thời gian do lượng oxy trên tàu đang giảm dần mà còn phải đương đầu với môi trường khắc nghiệt giống vũ trụ hơn là trên Trái Đất, theo NBC. “Môi trường dưới đó tối đen như mực và lạnh cóng. Đáy biển đầy bùn và mấp mô. Bạn không thể nhìn thấy bàn tay trước mặt”, sử gia kiêm chuyên gia về tàu Titanic Tim Maltin chia sẻ. “Tình huống thực sự hơi giống phi hành gia bay vào không gian”.
Tàu lặn sâu dài 6,7 m do công ty OceanGate Expeditions vận hành biến mất hôm 18/6 với 5 hành khách trên tàu, dẫn tới nhiệm vụ tìm kiếm cứu ở vùng biển phía bắc Đại Tây Dương, cách Newfoundland, Canada, khoảng 644 km. Nhưng khác với vũ trụ, sự hiện diện của con người dưới biển sâu rất ít ỏi và công nghệ dùng cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ rất hạn chế.
Nhà chức trách ở lực lượng tuần duyên ước tính vào chiều ngày 20/3, lượng oxy còn lại trên tàu lặn mất tích chỉ đủ dùng trong khoảng 40 giờ. Lực lượng tuần duyên Mỹ đang phối hợp với hải quân và đối tác Canada để tiến hành tìm kiếm. Một số tàu dân sự cũng chạy tới khu vực tàu lặn mất tích để giúp đỡ. Chính phủ Pháp thông báo sẽ đưa tàu thủy trang bị tàu lặn sâu nhằm hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu hộ.
Lượng oxy trên tàu lặn là yếu tố gây căng thẳng nhất trong quá trình tìm kiếm, nhưng không phải thách thức duy nhất, theo Jamie Pringle, giáo sư địa khoa học ở Đại học Keele tại Anh. Lần mò ở độ sâu cực hạn rất khó bởi đáy biển gồ ghề hơn nhiều so với trên đất liền. Xác tàu Titanic chìm cách đây hơn một thế kỷ nằm ở độ sâu khoảng 3.810 m. Đáy đại dương không bằng phẳng mà có nhiều sườn đồi và vực sâu, Pringe cho biết. Nếu tàu lặn mắc kẹt ở đáy biển, việc xác định vị trí của tàu sẽ thực sự khó khăn.
Ngay cả tìm kiếm xung quanh xác tàu Titatic cũng trắc trở bởi đó là khu vực quá rộng. Lực lượng tuần duyên hôm 20/3 cho biết công tác tìm kiếm tập trung vào khu vực Bắc Thái Bình Dương có diện tích tương đương bang Connecticut. Có rất ít tàu và thiết bị có thể làm việc ở độ sâu lớn như vậy. Các phương tiện cần được thiết kế để chịu độ sâu và áp suất rất cao.
Ở độ sâu của xác tàu Titanic, áp suất lớn hơn khoảng 400 lần so với ở mực nước biển, theo Viện Hải dương học Woods Hole. Một số tàu ngầm hạt nhân quân sự có thể lặn sâu tới 487 m, nhưng phần lớn tàu ngầm hiện đại hoạt động ở tầng nước nông hơn nhiều. Theo Henry Hargrove, nhà phân tích cao cấp từng làm việc 11 năm trong hải quân Mỹ, chia sẻ rất ít phương tiện có thể lặn sâu hàng nghìn mét.
Các nhân viên cứu hộ đã triển khai vài máy bay C-130 để tiến hành khảo sát trên không tại khu vực và phao sóng âm có thể thu tín hiệu tới độ sâu 3.962 m cũng được dùng để tìm kiếm dưới nước. Tuy nhiên, hệ thống sóng âm thường cần quét ở độ sâu lớn hơn để phát hiện vật thể nhỏ như tàu lặn bên trong địa điểm chứa xác tàu Titanic, theo Pringle.
Pringle nói rất khó suy đoán về sự cố xảy ra với tàu lặn mất tích. Nhà chức trách cũng chưa rõ có thể triển khai tàu cứu hộ tới độ sâu lớn như vậy kịp thời hay không hoặc quá trình trục vớt tàu lặn mắc kẹt sẽ diễn ra như thế nào. Tàu lặn như tàu Titan của OceanGate Expeditions thường không có cơ cấu ở vỏ tàu để tàu khác có thể móc vào nhằm kéo đi.
An Khang (Theo NBC)