Nhu cầu dầu không chắc chắn từ Trung Quốc đã đẩy giá xăng dầu tiếp tục giảm tốc, với Brent xuống mức 75,9 USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước dự kiến sẽ tăng.
Giá dầu thế giới
Tiếp đà giảm nhẹ của phiên giao dịch đầu tiên của tuần, kết thúc phiên giao dịch ngày 20-6, giá dầu giảm do lo ngại về nguồn cầu không chắc chắn từ Trung Quốc – nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.
Giá xăng dầu giảm liên tiếp hai phiên kể từ đầu tuần giao dịch. Ảnh minh họa: Oilprice |
Theo Oilprice, giá dầu Brent giảm 19 cent, tương đương 0,25%, xuống mức 75,9 USD/thùng, trong khi đó giá dầu WTI của Mỹ lao dốc tới 1,28 USD, tương đương 1,78%, xuống mức 70,5 USD/thùng.
Oilprice cho biết, trong khi quyết định cắt giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 1 và 5 năm của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế, thì nhu cầu dầu mỏ của nước này ngày càng không chắc chắn. Theo Reuters, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay lần đầu tiên sau 10 tháng, với mức giảm 10 điểm cơ bản thấp hơn dự kiến.
Tina Teng tại CMC Markets ở Auckland cho biết: “Các nhà giao dịch dầu mỏ có thể cần chứng kiến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ cụ thể hóa ở Trung Quốc để cải thiện triển vọng của họ về nhu cầu dầu mỏ”.
Lượng dự trữ khổng lồ của Trung Quốc trong những tuần qua và việc Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) hạ thấp mức tăng trưởng nhu cầu dầu của nước này trong năm 2023 gần đây đã dội một gáo nước lạnh vào những kỳ vọng ngay lập tức về nhu cầu mạnh mẽ ở quốc gia Đông Á này.
Tháng trước, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã bổ sung khoảng 1,77 triệu thùng dầu thô/ngày vào kho dự trữ của họ, mức cao nhất kể từ tháng 7-2020. Việc trữ hàng diễn ra trong khoảng thời gian các nhà máy lọc dầu bước vào đỉnh điểm của đợt bảo dưỡng mùa xuân, đưa tổng lượng dầu thô trong các kho chứa của Trung Quốc lên gần 1 tỷ thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 20-6, đã có thời điểm, giá dầu WTI trượt khỏi mốc 70 USD/thùng và dầu Brent được giao dịch ở dưới mức 75 USD/thùng.
Giá dầu thô giảm một phần do giá xăng và dầu diesel kỳ hạn của Mỹ giảm gần 3%.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty dữ liệu và phân tích OANDA, nhận xét về biến động của giá dầu hai ngày qua rằng giá dầu đang bị ảnh hưởng mạnh bởi mọi thứ liên quan đến Trung Quốc.
Sự cắt giảm hạn ngạch sản lượng của OPEC+ cũng tác động mạnh đến giá xăng dầu. Ảnh minh họa: Reuters |
Mối quan tâm về nhu cầu không chỉ dừng lại ở Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) đã chứng kiến hai quý suy thoái kinh tế liên tiếp do lạm phát và chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại. Sản lượng kinh tế ở EU giảm trong quý I-2023, làm gia tăng lo ngại rằng suy thoái toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Một yếu tố giảm giá nữa là việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất của OPEC+. Mặc dù về mặt lý thuyết, điều này dường như hạn chế nguồn cung dầu thô, nhưng động thái này là minh chứng cho triển vọng nhu cầu dầu thô trên thế giới, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Kỳ vọng rằng nhu cầu dầu sẽ tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ trong nửa cuối năm nay đã hạn chế đà giảm của giá dầu.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21-6 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.878 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 22.015 đồng/lít. Dầu diesel không quá 18.028 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 17.823 đồng/lít. Dầu mazut không quá 14.719 đồng/kg. |
Giá xăng dầu thế giới tuần qua bật tăng. Mặc dù hai ngày qua, giá xăng dầu thế giới lao dốc vì sự không chắc chắn trong nguồn cầu từ Trung Quốc, nhưng các chuyên gia, doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn dự báo, tại kỳ điều hành giá ngày 21-6 của liên Bộ Tài chính – Công Thương, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh tăng trong khoảng 100-200 đồng/lít (kg), ngoại trừ giá dầu mazut sẽ giảm nhẹ. Mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và các loại phí có điều chỉnh khác nếu có.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 17 lần điều chỉnh, trong đó 9 lần tăng, 6 lần giảm và 2 lần giữ nguyên.
Trong lần điều chỉnh gần đây nhất (12-6), giá xăng giữ nguyên và giá dầu tăng nhẹ.
MAI HƯƠNG