– Những năm gần đây, việc vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phổ biến. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản, xử lý, song từ năm 2022 đến nay, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, số vụ vi phạm vẫn không ngừng tăng.
Ảnh lớn: Người dân thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình tự giác phá dỡ công trình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
Ảnh nhỏ: Hiện trường vụ vi phạm công trình thủy lợi tại khu vực hồ Nà Cáy, huyện Lộc Bình
Qua công tác kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình, cơ quan chức năng đã lập biên bản và xử lý nhiều vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Thế nhưng số vụ vi phạm vẫn còn khá nhiều.
Số vụ vi phạm còn nhiều
Ông Nguyễn Viết Quyến, Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Lộc Bình cho biết: Năm 2020, đơn vị lập biên bản 7 vụ vi phạm, năm 2021 có 5 vụ thì đến năm 2022 lập biên bản 13 vụ và 6 tháng đầu năm 2023 có 7 vụ vi phạm. Trong đó có trường hợp vi phạm nhiều lần, đơn vị đã lập biên bản 2-3 lần.
Không chỉ ở Lộc Bình, số vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ở một số huyện, thành phố cũng có chiều hướng gia tăng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 161 hồ chứa, 1.494 phai, đập dâng, 165 trạm bơm. Theo số liệu của ngành chức năng, nếu như năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 34 vụ vi phạm, năm 2021 có 135 vụ thì từ năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng phát hiện 297 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Từ đó có thể thấy, số vụ vi phạm tiếp tục có chiều hướng gia tăng mạnh.
Ông Liễu Văn Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (đơn vị quản lý 123 hồ chứa, 206 đập dâng, 80 trạm bơm điện) cho biết: Qua kiểm tra thực tế tại các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý, các hành vi vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi chủ yếu như xả đất thải xuống lòng hồ, xâm phạm hành lang tuyến mương tưới, xây dựng các công trình kiên cố trong phạm vi hồ đập, mương…
Những hành vi vi phạm nêu trên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt là mùa mưa bão như hiện nay; tác động đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân cũng như nước tưới phục vụ sản xuất; ảnh hưởng tới môi trường…
Số vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi có chiều hướng tăng, trong khi đó, việc xử lý các trường hợp vi phạm lại gặp khó khăn.
Điều 40, Luật Thủy lợi năm 2017 quy định: Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận. Trong phạm vi bảo vệ công trình, các hoạt động phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và an toàn công trình; phải có đường quản lý, mặt bằng để bảo trì và xử lý khi công trình xảy ra sự cố. Vùng phụ cận của hồ chứa nước bao gồm vùng phụ cận của đập và vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước được quy định như sau: Vùng phụ cận của đập có phạm vi được tính từ chân đập trở ra. Đối với đập cấp đặc biệt tối thiểu là 300 m; đập cấp I tối thiểu là 200 m; đập cấp II tối thiểu là 100 m; đập cấp III tối thiểu là 50 m; đập cấp IV tối thiểu là 20 m; vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước có phạm vi được tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập trở xuống phía lòng hồ. Ngoài ra, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định chi tiết tại Điều 19 đến Điều 26 thuộc Chương III, Nghị định số 03/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều. |
Khó trong xử lý
Theo số liệu nêu trên, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 297 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó, mới chỉ xử lý được 172 vụ. Số vụ vi phạm nhiều nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới việc xử lý gặp khó khăn.
Bà Vũ Thị Thu Hoài, Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cao Lộc cho biết: Từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã lập biên bản vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi được 48 vụ, trong đó mới chỉ xử lý được 2 vụ. Nguyên nhân số vụ lập biên bản nhiều nhưng số vụ xử lý được ít là do chưa có mốc giới, hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng của một số hộ chồng lấn lên phạm vi bảo vệ công trình; một số diện tích đất làm mương thủy lợi do người dân hiến…
Cùng với huyện Cao Lộc, việc xử lý các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ở một số huyện, thành phố cũng gặp khó khăn. Ông Chu Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nguyên nhân chính dẫn tới khó khăn trong việc xử lý vi phạm là do hệ thống các công trình thủy lợi chưa có mốc chỉ giới phạm vi công trình.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác dẫn tới khó khăn trong việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ hồ đập như phần lớn các công trình có quy mô nhỏ, nằm xa khu dân cư, địa hình phức tạp dẫn tới khó quản lý; một số hộ dân bám theo khu vực đầu mối công trình, các tuyến mương để sinh sống, canh tác; sự phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền cơ sở chưa chặt chẽ dẫn tới việc quản lý, kiểm tra, xử lý chưa kịp thời…
Trước những khó khăn như vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xem xét có cơ chế phù hợp cũng như bố trí kinh phí cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ công trình thủy lợi; phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc kiểm tra, rà soát, phát hiện lập biên bản và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm… Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, điều tiết, thoát lũ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dânn