Ông cũng cho rằng, HĐXLVP tới đây sẽ cần phải cải thiện hơn nữa về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp hội, sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia, chuyên viên ở các cơ quan ban ngành, đặc biệt có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa “kiềng ba chân” – Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam… trong việc xử lý vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật của người làm báo.
Hành vi vi phạm pháp luật bắt đầu từ vi phạm về đạo đức của người làm báo
+ Thưa ông, vấn đề nhức nhối thời gian qua là thực trạng vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật dẫn đến nhiều vụ việc phóng viên, hội viên, cộng tác viên bị bắt. Những vấn đề này có vẻ như không còn là hiện tượng mà đã trở thành thực trạng rất đáng báo động. Cấp độ nghiêm trọng đó có là sức ép cho cơ quan quản lý, tổ chức Hội trong quá trình quản lý không, thưa ông?
– Phải nói rằng, bên cạnh những thành tích của báo chí trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thì trên thực tế, tình trạng một bộ phận nhà báo, hội viên, cộng tác viên có những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đang trở nên đáng báo động. Điều này đã tạo ra sức ép rất lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam. Thậm chí, từ vi phạm đạo đức đã dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Ranh giới này rất gần, nói đúng hơn là hành vi vi phạm pháp luật cũng bắt đầu từ những vi phạm về đạo đức của người làm báo. Thực trạng này thực ra không phải mới, mà đã kéo dài trong thời gian khá lâu rồi.
Trước thực tế đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã ra quyết định thành lập HĐXLVP vào tháng 3 năm 2017. Cho đến nay, hoạt động của các HĐXLVP (bao gồm Hội đồng xử lý cấp Trung ương và Hội đồng xử lý cấp tỉnh và tương đương) tương đối hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong việc ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo.
Đơn cử như trong năm 2022, phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng xử lý vi phạm, với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng, Ban Kiểm tra đã tiếp nhận trên 100 đơn thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh báo chí thông tin sai sự thật, vi phạm Luật Báo chí, 100% đơn thư nói trên đã được nghiên cứu phân loại và xử lý. Khi có kết luận của các cơ quan chức năng, HĐXLVP đều xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các cá nhân hội viên, nhà báo có sai phạm. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hoạt động các Hội đồng này từ cấp Trung ương đến địa phương đến các cấp cơ sở hiện này vẫn còn nhiều bất cập.
+ Sự bất cập như ông nhắc đến, cụ thể là như thế nào, thưa ông?
– Thứ nhất là, còn thiếu sự phối hợp giữa các HĐXLVP ở các cấp Hội với nhau, cấp tỉnh và cấp Trung ương, các Liên chi hội, chi hội đối với cấp Trung ương. Thứ hai là, theo quy định, Hội đồng thuộc cấp tỉnh và tương đương phải báo cáo định kỳ khoảng 6 tháng, 1 năm và báo cáo đột xuất lên HĐXLVP cấp Trung ương. Nhưng hiện nay chế độ báo cáo không được duy trì thường xuyên. Thậm chí, có một số HĐXLVP tại cấp tỉnh còn không thực hiện công việc báo cáo này.
Thứ nữa là, còn có hiện tượng đùn đẩy công việc. Tức là, theo sự phân công thì HĐXLVP cấp Trung ương chỉ xử lý các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, với hình thức kỷ luật là khai trừ Hội viên. Tuy nhiên, có tình trạng, một số vụ việc lẽ ra chỉ cần xử lý ở cấp tỉnh nhưng không xử lý mà đùn đẩy lên cấp trên.
Thứ ba là nhiều cấp Hội chưa dành sự quan tâm thỏa đáng cho hoạt động của HĐXLVP. Theo nguyên tắc, lãnh đạo Hội Nhà báo các cấp phải là người trực tiếp điều hành Hội đồng, cùng với đó là sự tham gia của Ban Kiểm tra, một số tổ chức bên ngoài… Nhưng hiện nay nhiều lãnh đạo cấp Hội chưa thực sự quan tâm nên rất lơ là, coi nhẹ.
Thứ 4 là, nhân lực và điều kiện hoạt động của HĐXLVP cũng chưa thật chuyên nghiệp. Ngay như HĐXLVP tại Trung ương mà cơ quan Thường trực là Ban kiểm tra hiện rất thiếu nhân lực, thậm chí thiếu nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát… Các cơ quản lý Nhà nước như Bộ Thông tin & truyền thông, Sở Thông tin & Truyền thông các tỉnh thì khác, họ có con người, có bộ máy, có chuyên môn, nghiệp vụ… Trước khi đưa ra quyết định họ có căn cứ, cơ sở thuyết phục. Vì nhân lực của cơ quan thường trực Hội đồng mỏng nên nhiều vụ việc chủ yếu dựa vào kết luận của các cơ quan quản lý Nhà nước nên thường phải chờ đợi thì mới có cơ sở xử lý. Không chỉ vậy, thẳng thắn mà nói, Thường trực Hội đồng cấp Trung ương của chúng ta cũng có một bộ máy cồng kềnh với 23 thành viên, nên mỗi khi triệu tập họp hành còn khó khăn.
“Kiềng ba chân” cần phải phối hợp tốt hơn nữa…
+ Xin được thẳng thắn, thưa ông, đã có ý kiến cho rằng, trong vấn đề xử lý vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật của người làm báo, tiếng nói của Hội Nhà báo Việt Nam vẫn còn chưa lớn, chưa rõ nét, chưa quyết liệt. Ông nghĩ sao về điều này, thưa Phó Chủ tịch Thường trực?
– Trong sự phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm, HĐXLVP là một thiết chế cần thiết. Nhưng điều quan trọng hơn cả xử lý là ngăn chặn hành vi vi phạm. Cũng phải nói rõ hơn, một trong những chức năng của HĐXLVP là giáo dục, thuyết phục, định hướng, là nhắc nhở, cảnh báo. Theo đó, chúng tôi không ngừng giáo dục cho anh em nắm vững nội dung về Luật Báo chí, 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí…
Có thể nói, thời gian qua, HĐXLVP đã có nhiều hoạt động tích cực nhưng để hoạt động tốt hơn thì cần phải cải thiện hơn nữa về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp hội, sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia, chuyên viên ở các cơ quan ban ngành, đặc biệt có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa “kiềng ba chân” – Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam…
+ Như ông vừa nhấn mạnh thì “ngăn chặn còn quan trọng hơn xử lý”… Nhưng đó là những vi phạm còn ở mức… ngăn chặn được. Còn nếu nghiêm trọng đến mức phải xử lý pháp luật thì quả thực cũng khó… nương tay, thưa ông?
– Đúng là như vậy. Thực ra, xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp có khi còn khó xử lý hơn vi phạm pháp luật vì nó tương đối trừu tượng. Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cho mỗi người làm báo nhưng để phân định rõ sai đúng không phải dễ dàng. Với những vi phạm muôn hình vạn trạng, đôi khi còn ở những cảnh huống khác nhau nên xử lý đạo đức nghề nghiệp phải rất thận trọng, tỉnh táo trước nhiều luồng dư luận.
Đối với HĐXLVP vừa phải nghiêm khắc, công minh, vừa phải nhân văn. Tới đây, để hoạt động của Hội đồng một cách hiệu quả, thực chất hơn thì lãnh đạo Hội đã quyết định thu gọn cơ cấu thành phần Hội đồng để hoạt động được thuận lợi, cơ động, dễ vận hành hơn.
Đặc biệt, để ngăn chặn, tránh vi phạm đạo đức chuyển sang mức vi phạm pháp luật thì cần sự phối hợp tốt hơn nữa giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam. Sự phối hợp trong các mặt như giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp đồng thời phối hợp trong xử lý vi phạm… Tôi ví dụ như Ban Tuyên giáo, các Cục, Thanh tra thuộc Bộ TT&TT hoàn toàn có thể thường xuyên cung cấp thông tin cho Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, từ đó Hội sẽ có sự chủ động hơn trong đóng góp ý kiến, ngăn chặn kịp thời hành vi sai trái, cùng có phương án thống nhất hơn trong các hình thức xử lý.
+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Thường trực!
Hà Vân (Thực hiện)