Năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã ban hành Quyết định số 888, phê duyệt kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 – 2025.
Một trong những nội dung triển khai được nêu trong Quyết định này đó là “Tổ chức triển khai các hoạt động vận động, tuyên truyền trên báo chí, đài phát thanh; tuyên truyền vận động trực tiếp các hoạt động phòng chống hàng giả, hàng nhái”.
Sau hơn 2 năm triển khai Quyết định 888, sự phối hợp giữa Tổng cục QLTT với báo chí – truyền thông đã gặt hái được nhiều thành công, trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái.
Nhân dịp 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), bà Nguyễn Minh Phương, Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT khẳng định: Tổng cục QLTT luôn nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ phía các cơ quan thông tấn báo chí.
Đặc biệt, bà Phương gửi lời cảm ơn Báo Nhà báo và Công luận vì đã góp phần tích cực trong việc lan tỏa các thông tin đến các bạn đọc, người dân để cảnh báo về các vụ việc kiểm tra, bắt giữ các mặt hàng vi phạm, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thưa bà, sau hơn 2 năm triển khai Quyết định 888, Tổng cục QLTT đã thực hiện công tác tuyên truyền phòng chống hàng giả – hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc như thế nào?
– Trong Quyết định 888, công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết là một trong những nội dung rất quan trọng. Theo đó, Cục QLTT các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tại địa phương triển khai việc tổng hợp, đánh giá các yếu tố đặc thù tại các địa bàn như yếu tố làng nghề, chuyên doanh, bất cập về nhận thức, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, chống đối thi hành công vụ…
Điều này được thực hiện nhằm xây dựng và triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết, quy chế phối hợp đối với các cơ sở kinh doanh, các sàn thương mại điện tử và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn.
Trong đó, chúng tôi đã chuẩn bị nội dung, xây dựng kế hoạch phổ biến các tài liệu tuyên truyền, vận động, hướng dẫn pháp luật về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tài liệu cảnh báo, hướng dẫn phân biệt hàng thật – hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Đồng thời, tổ chức triển khai các hoạt động vận động, tuyên truyền trên báo chí, đài phát thanh; tuyên truyền vận động trực tiếp, phát tài liệu tuyên truyền (tờ rơi, cẩm nang, sổ tay…), hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.
Tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không tái phạm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Tổ chức tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết, ký quy chế phối hợp đối với các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, các sàn thương mại điện tử, phường, xã, thôn, xóm, làng nghề, hội, hiệp hội ngành nghề tại địa phương trong công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm, không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai, vi phạm tái diễn.
Có thể thấy rằng, kể từ khi thực hiện đến nay, toàn lực lượng đã thực hiện tuyên truyền trực tiếp như ký cam kết, phát tờ rơi đối với trên 175.000 tổ chức cá nhân trên 63 tỉnh, thành phố.
Đồng thời các đơn vị đã chủ động triển khai nhiều hình thức tuyên truyền như hội thảo, viết bài trên các phương tiện báo chí, tham gia các chương trình tuyên truyền trên truyền hình, đưa tin trên website của đơn vị…
Vậy, trong thời gian 2 năm triển khai Quyết định này, Tổng cục QLTT đã phối hợp với các cơ quan báo chí – truyền thông như thế nào trong việc tuyên truyền phòng chống hàng giả, hàng nhái?
– Hoạt động theo mô hình ngành dọc từ năm 2018 đến nay, Tổng cục QLTT luôn nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ phía các cơ quan thông tấn báo chí.
Các tin tức về hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường cũng như đấu tranh với buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả luôn được các nhà báo, phóng viên đăng tải kịp thời góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, cảnh báo lan tỏa đến người dân biết, hiểu và phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình.
Đặc biệt, là cơ quan báo chí lớn và uy tín, Báo Nhà Báo và Công luận là một trong những đơn vị đã góp phần tích cực vào thành công trong công tác thông tin, truyền thông của Tổng cục QLTT.
Với việc cập nhật các thông tin về hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường nhanh, liên tục, có chiều sâu, Báo Nhà báo và Công luận đã góp phần tích cực trong việc lan tỏa các thông tin đến các bạn đọc, người dân để cảnh báo về các vụ việc kiểm tra, bắt giữ các mặt hàng vi phạm, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như các mặt hàng vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp người dân có thêm những kiến thức trong mua sắm, lựa chọn sản phẩm an toàn, bảo vệ bản thân và gia đình.
Để tăng tính hiệu quả trong công tác tuyên truyền trên báo chí trong việc phòng chống hàng giả, hàng nhái, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như bảo vệ các doanh nghiệp chân chính, trong thời gian tới, Tổng cục QLTT đã có những giải pháp gì, thưa bà?
– Bên cạnh sự chủ động trong việc cung cấp thông tin về hoạt động của lực lượng QLTT tới đội ngũ các phóng viên, nhà báo, Tổng cục QLTT luôn tạo điều kiện tối đa để các anh chị em báo chí có cơ hội được trao đổi, trả lời những câu hỏi phỏng vấn, tham gia các Tọa đàm hoặc chia sẻ thông tin để phóng viên hiểu hơn về ngành, về nghề, về lực lượng QLTT để có cái nhìn đa chiều, cảm thông hơn về nghiệp vụ của lực lượng QLTT.
Trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ chúng tôi luôn cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch tới người dân thông qua Cổng thông tin điện tử Tổng cục QLTT tại địa chỉ www.dms.gov.vn và Tạp chí Quản lý thị trường điện tử tại địa chỉ www.qltt.vn. Các hoạt động của lực lượng QLTT địa phương được cập nhật liên tục, đầy đủ trên các phương tiện truyền thông trên của Tổng cục.
Xin chân thành cảm ơn bà!