“Hai hôm trước, khi biết điểm đạt 96,49, em sốc vì ngoài sức tưởng tượng. Đến trưa nay, em vỡ òa khi Đại học Bách khoa Hà Nội công bố đây là mức điểm cao nhất đợt 1 kỳ thi đánh giá tư duy”, Thắng nói.
Với hơn 7.000 thí sinh dự thi, điểm trung bình là 53,94 và chỉ 6 em đạt trên 90 điểm, Thắng chắc suất trúng tuyển ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trước đó, cậu học sinh huyện Ứng Hòa đã đủ điều kiện vào ngành Kỹ thuật máy tính nhờ phương thức xét tuyển tài năng với giải nhất thi học sinh giỏi thành phố môn Vật lý và điểm trung bình học bạ khoảng 9-9,1.
Xác định học sâu tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) để xét tuyển đại học từ lớp 10, Duy Thắng chú trọng việc học trên lớp để có nền tảng kiến thức tốt. Ngoài ra, Thắng học thêm mỗi môn hai buổi một tuần với thầy cô. Năm lớp 12, đặt mục tiêu vào Bách khoa, Thắng đăng ký thêm một khóa online hướng dẫn ôn tập, chủ yếu về tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học cho kỳ thi riêng của trường.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi đánh giá tư duy trên máy tính. Thí sinh làm bài trắc nghiệm trong 150 phút, trong đó phần Tư duy toán học 60 phút, Đọc hiểu 30 phút, Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề 60 phút. Các câu hỏi được thiết kế theo thang đo tư duy với ba mức tái hiện, suy luận và bậc cao.
Thắng nhận định đề thi của Bách khoa lạ, không dễ nhưng cũng không quá khó. Ở phần Toán, nam sinh thấy có phần nhẹ nhàng hơn đề thi tốt nghiệp THPT bởi ít câu hỏi hóc búa. Tuy nhiên, đề cần tư duy cùng tốc độ làm bài nhanh hơn.
“Với đề thi tốt nghiệp, những bạn học tốt Toán, luyện đề nhiều có thể xử lý 30-40 câu đầu trong 30 phút rồi dành một tiếng sau đó để giải quyết khoảng 10 câu khó còn lại. Nhưng ở đề đánh giá tư duy, số câu nhận biết gần như không có, thí sinh buộc phải phân phối thời gian đều và đẩy nhanh tốc độ làm bài”, Thắng nói.
Không nhớ hết đề phần Đọc hiểu nhưng Thắng ấn tượng với một đoạn văn bản nói về tình mẫu tử, yêu cầu thí sinh dùng kiến thức Ngữ văn và khai thác dữ liệu sẵn có để trả lời các câu hỏi.
Đề còn có những văn bản khoa học, giống như một phần của bài báo khoa học với câu hỏi chọn đúng hoặc sai, điền hay kéo/thả đáp án. Phần này gồm kiến thức ở ba môn Lý, Hóa, Sinh và lĩnh vực Công nghệ.
“Cả ba phần có độ khó như nhau”, Thắng chia sẻ. Nam sinh cho rằng nhờ nắm chắc kiến thức nền tảng, em không gặp khó khăn khi giải quyết các phần thi này.
Hơn chục năm ôn thi cho học sinh lớp 12, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho rằng đề thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội có cấu trúc hoàn toàn mới, tiệm cận cách đánh giá hiện đại trên thế giới. Đề thi không đặt nặng việc kiểm tra kiến thức nên không có câu hỏi kiểu thuộc lòng, cũng không có các câu bị “toán học hoá” quá mức với những biến đổi lắt léo. Bài thi tập trung vào kiểm tra năng lực tư duy, giải quyết vấn đề. Do đó, thí sinh phải có nền tảng tốt mới có thể đạt điểm cao như Thắng.
Cô Đào Hồng Thi, giáo viên chủ nhiệm của Thắng, tự hào về học trò. “Tôi vỡ oà khi biết Thắng là thủ khoa”, cô Thi nói. Thắng là lớp trưởng, học sinh giỏi của lớp. Em từng đạt giải nhất học sinh giỏi Vật lý thành phố với 19,5/20 điểm, xếp thứ 27/78 học sinh trong đợt thi chọn đội tuyển quốc gia.
Theo cô Thi, thành tích của Thắng tạo động lực lớn cho giáo viên và học sinh “trường làng” như THPT Ứng Hòa B – ngôi trường luôn trong nhóm 10 trường có điểm chuẩn vào lớp 10 thấp nhất Hà Nội hàng năm.
Còn Thắng nói việc học “trường làng” lại là may mắn. Tại đây, Thắng học đều các môn thay vì tập trung vào 1-2 môn mũi nhọn. Điều này giúp em có nền tảng tốt ở hầu hết môn.
Đại học Bách khoa Hà Nội còn một đợt thi đánh giá tư duy vào ngày 8/7. Thắng khuyên các thí sinh thi đợt tới và học sinh khóa sau giữ tinh thần thoải mái. Thay vì cố nhồi nhét kiến thức, Thắng cho rằng chỉ nên làm 1-2 đề, xem sai phần nào thì đọc lại phần đó, chú ý không để mất điểm ở những câu dễ.
Với 96,49 điểm thi đánh giá tư duy, Thắng không còn áp lực ở kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra cuối tháng 6. “Dù vậy, em vẫn hy vọng đạt kết quả tốt ở kỳ thi này”, Thắng nói.